Thiên nhiên trong “Khóa hư lục” của Trần Thái Tông

Thứ ba, 28/06/2022 16:28
(HĐHTVN) - Trần Thái Tông không chỉ được biết đến là vị vua đầu tiên của đời Trần, có công lớn trong công cuộc chấn hưng đất nước và chống giặc ngoại xâm, ông còn bỏ nhiều tâm sức trong nghiên cứu Phật học và để lại nhiều tác phẩm thiền luận xuất sắc, trong đó phải kể đến tác phẩm Khóa hư lục.
leftcenterrightdel
 sách "Khóa hư lục" của Trần Thái Tông do Nguyễn Đăng Thục dịch và chú thích (Nxb. Khuông Việt)

I. Trần Thái Tông và tư tưởng Phật giáo trong Khóa hư lục

Khóa hư lục trình bày những tư tưởng của kinh Đại tạng, nhằm ngộ đạo cho người tu học với những triết lý, hình thức tu tập cơ bản của Phật pháp. Trong tác phẩm này, Trần Thái Tông thể hiện những chiêm nghiệm về lẽ hư vô, những đắc ngộ của bản thân về bản thể chân như, thấu triệt lẽ hư ảo và thịnh suy của cuộc đời.

Về ý nghĩa của tựa đề Khóa hư lục, tác giả Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận cho rằng: “Chữ Khóa (trong Khóa hư) có nghĩa là sự hành trì học tập. Chữ Hư có ý nghĩa là với thái độ không cố chấp vào hình thức giáo điều. Nhu yếu của Khóa là sự siêng năng thực tập Thiền học, không để thời gian luống qua. Nhu yếu của Hư là thái độ phá chấp tự do không kẹt vào khái niệm và hình thức. Hai nhu yếu tổng hợp lại thành tinh thần thực tiễn và khai phòng của Đạo Phật: Thực tiễn một cách tinh tiến đạo lý trong tinh thần phá chấp tự do và vô niệm”[1].

Khóa hư thể hiện một sự tu học, tham cứu, luận bàn về Thiền về Phật, mang đậm tính tinh cần, cầu đạt như chính tác giả Trần Thái Tông đã nêu bày trong Bài tựa Thiền tông chỉ nam: “Vả thuở trẫm còn niên thiếu, hiểu biết mới võ vẽ, được nghe loáng thoáng lời dạy bảo của thiền sư đã dập tắt ngay mọi điều vương vấn, lòng thốt nhiên trong lặng, để tâm vào nội giáo, tham cứu đạo Thiền, dốc lòng tìm thầy, thành khẩn mộ đạo...Trong khoảng hơn chục năm, mỗi khi được rảnh việc, trẫm lại hội họp các vị tuổi cao đức cả để tham vấn đạo Thiền. Đến các kinh điển của Đại giáo thì không kinh nào không nghiên cứu…”[2] (Thả trẫm ư hài đồng hữu thức chi niên, sảo văn Thiền sư chi huấn, tắc trường tư tức lự, khái nhiên thanh tịnh, hữu tâm hồ nội giáo, tham cứu ư Thiền tông, hư kỷ cầu sư, tinh thành mộ đạo,…).

II. Hình tượng thiên nhiên trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông

Thiên nhiên thẩm thấu và đan quyện hài hòa trong nguồn cội của văn hóa phương Đông, thâm nhập vào các tôn giáo lớn: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo. Tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất” của Chu Dịch trở thành nguồn cảm hứng cho thơ ca phương Đông. Khẳng định sự thống nhất giữa con người và tự nhiên. Lão Tử cho rằng con người là một phần gắn bó không thể tách rời của tự nhiên. “Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật”, cho nên trời đất với ta cùng sinh ra, vạn vật với ta là một. Đức Phật cũng đã trải qua các kiếp sống của muông thú, để hiểu về cuộc đời của muôn vật, những quan hệ thế tục. Quan điểm vạn vật hữu linh, sự bình đẳng giữa muôn loài, kể cả những sinh linh bé mọn.

Trong triết lý nhà Phật vẫn luôn coi sự bình đẳng giữa muôn loài, thiên nhiên sinh cảnh làm trọng. Hình ảnh đức thích ca Phật đắc đạo cũng gắn với sự hòa hợp và đan quyện với thiên nhiên muôn vật: “Thích Ca văn Phật nhập vu Tuyết Sơn, đoan tọa lục niên, thước sào vu đinh thượng, thảo xuyên vu bệ, thân tâm tự nhược.” (Thích Ca Phật vào núi Tuyết Sơn, ngồi ngay ngắn trong sáu năm, chim bồ các làm tổ trên đầu, cỏ mọc xuyên qua bắp vế mà thân tâm vẫn bình thản) (Tọa thiền luận)[3].

Thiên nhiên trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông hiện diện trong vai trò biểu đạt Thiền ý, đáp ứng phương thức truyền tải thường thấy của Phật học “ngón tay chỉ trăng”, dùng “vô ngôn” mà thấu đạo. Thiên nhiên trong tác phẩm của Trần Thái Tông không giống như các tác gia, tác phẩm về sau của đời Trần, hiển hiện hình ảnh của thiền sư - thi nhân với niềm cảm khái trước thiên nhiên tươi đẹp. Thiên nhiên trong tác phẩm Khóa hư lục chủ yếu hiển hiện với vai trò truyền tải ý niệm thâm áo của thiền, hơn là biểu hiện xúc cảm của thiền sư - thi nhân trước tạo vật bốn mùa vần xoay.

Thiên nhiên đan xen giữa thực và phi thực - thiên nhiên của cõi Phật, được soi chiếu qua tâm thế của con người ngộ đạo. Những hình ảnh thiên nhiên thường xuất hiện trong Phật giáo, mang ý nghĩa biểu trưng cho ý niệm thâm áo của thiền: ánh trăng, thuyền không, bè lau,...

1. Thiên nhiên trở thành phương tiện hữu dụng để truyền tải các giáo lý vốn mang tính trừu tượng, thâm áo

Trong Khóa hư lục không khó để bắt gặp những hình ảnh thiên nhiên mang tính chất biểu trưng hay sử dụng các thủ pháp so sánh hữu ý để biểu đạt ý vị thiền. Những vế câu biểu thị quy luật của tự nhiên để đối sánh, biện giải các ý niệm của nhà Phật, chẳng hạn “thân như…”, “mệnh như…”, các cặp đối sánh trái nghĩa “thịnh - suy”, “chìm - nổi”, “mọc - lặn”,… Biểu đạt sự vô thường của tạo hóa và mong manh của vạn vật qua con mắt của người ngộ đạo bằng các hình ảnh thiên nhiên tương ứng mang sức nặng biểu cảm cao:

Thân như băng kiến hiện

Mệnh tự chúc đương phong

Mạc tác trường niên khách

Chung quy tảo chiếu công

(Thân như băng gặp nắng trời

Mệnh tựa ngọn đèn trước gió

Chớ làm người khách trọ mãi mãi

Cuối cùng hãy quay về với công soi dọi sớm)

(Sơ nhật vô thường kệ)[4]

Thân xác con người là thứ hữu hình, cũng chỉ như băng tuyết chóng tan dưới ánh mặt trời, như ngọn đèn leo lắt trước gió. Vậy nên thân xác con người trên cõi đời cũng chỉ là cõi tạm trần gian. Sớm biết điều này để dẹp bỏ sự u mê với sắc thân mà giác ngộ quay về với bản lai diện mục.

Những hình ảnh thiên nhiên mang tính quy luật xuất hiện với tần số khá lớn truyền tải chung ý niệm thiền này như: mặt trời mọc lặn, tấm thân nổi chìm, cây nấm thịnh suy,…

Nhật xuất hoàn tương một

Thân phù hựu phục trầm

Lão lai ngu dữ tri

Tử khứ cổ hòa câm

(Mặt trời mọc rồi sẽ lặn

Tấm thân nổi rồi lại chìm

Tuổi già đến nào kể gì khôn dại

Việc chết thì xưa cũng như nay)

(Thử thời vô thường kệ)[5]

Thúc hốt hoa âm trùng phục đảo

Tuấn tuần khuẩn mệnh thịnh hoàn suy

(Phút chốc bóng hoa lại nghiêng ngả

Mệnh như cây nấm tuần tự thịnh rồi suy)

(Thử thời vô thường kệ)[6]

Các hình ảnh thiên nhiên được sử dụng trong các bài kệ trở thành “đòn bẩy” trực tiếp, khuyên mọi người tu rèn mà nhận chân được sự vô thường của tạo hóa, quy luật vần xoay của vũ trụ, để từ bỏ tấm thân vốn chỉ là tạm bợ mà nhận chân vạn pháp.

Cảnh tống tang du mộ

Tây sơn nhật dĩ trầm

Quang âm nan cửu trụ

Lão bệnh dị tương xâm

Chư nhân tu trước nhãn

Hôn tán vật quan tâm.

(Cảnh đã ngả bóng trên cây dâu, cây du

Mặt trời đã lặn khuất non đoài

Thời gian khó mà giữ lại mãi

Già nua, bệnh tật dễ xâm nhập vào cơ thể con người

Mọi người nên ngó mắt tới

Chớ để tâm đến chỗ tối tăm).

(Hoàng hôn khuyến chúng kệ)[7] [192]

Hoặc:

Cảnh bức tây sơn mộ

Hà thời tích thốn âm

Duy năng bôn mã ý

Na khẳng trụ viên tâm

Các nghi hành chính đạo

Vật sử nhập tà lâm

(Cảnh gần về chiều, mặt trời khuất non Tây

Đến bao giờ mới luyến tiếc tấc bóng

Chỉ có thể buông lỏng ý ngựa

Nào chịu dừng lại cái lòng vượn

….

Ai nấy nên tu thành chính đạo

Chớ để mình lạc vào rừng tà)

(Thử thời vô thường kệ)[8]

Trong Khóa hư lục, những lời khuyên tu thiền ngộ đạo trực tiếp hiện diện với tần số cao. Các hình ảnh thiên nhiên so sánh chủ yếu mang tính chất là “ngón tay” - phương tiện để người tu học hiểu thấu “trăng” - ý niệm thiền học. Các hình ảnh thiên nhiên được sử dụng hầu hết là các hình ảnh thiên nhiên mang tính quy luật và có sự vận động, biểu thị rõ ràng ý niệm về sự chuyển động vần xoay thịnh suy vô thường của muôn vật, từ đó nhận chân vạn pháp mà tỉnh ngộ thoát khỏi bến mê.

Thiên nhiên của bản thể con người trên con đường chứng ngộ giải thoát Trong những tác phẩm của Trần Thái Tông mang nặng cảm hứng sám hối và mưu cầu giải thoát. Cảm hứng về tinh thần sám hối và bản thể giải thoát được thể hiện rõ trong những hình ảnh thiên nhiên mang tính biểu tượng.

Phong vị bản thể giải thoát của Thiền được hiển hiện rõ trong phần mở đầu bài Phổ thuyết Tứ sơn. Đó là dấu ấn của con người trong cuộc hành trình về với “bản lai diện mục” nguyên sơ được ẩn dụ thông qua hình ảnh của con lừa ba chân “lư nhi tam cước đại” vượt qua núi cheo leo “tứ sơn tiểu bích” - đại diện cho sinh - lão - bệnh - tử của đời người:

Tứ sơn tiểu bích vạn thanh tùng

Ngộ liễu đô vô vạn vật không

Hỉ đắc lư nhi tam cước tại

Mịch kỳ đả sấn thướng cao phong

(Bốn núi chót vót muôn khóm xanh

Hiểu rõ tất cả là hư vô, vạn vật là không

Mừng được con lừa ba chân còn đó

Cưỡi mà lên thẳng ngọn núi cao)[9]

Luận bàn về Tứ sơn, Trần Thái Tông nói về nỗi khổ Tứ diệu đế trong Phật giáo và cho rằng “Nguyên phù tứ đại bản vô, ngũ uẩn phi hữu. Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không. Thị vọng tòng không, không hiện vọng, vọng sinh chúng sắc.” (Khơi nguồn, tứ đại vốn là không, ngũ uẩn cũng chẳng có. Từ không khởi ra hư vọng, từ hư vọng thành ra sắc tướng mà sắc tướng là từ cái chân không, không lại biểu hiện thành hư vọng, hư vọng sinh ra mọi sắc tướng....). Nỗi khổ của con người vốn là không, nếu không có “sinh” sẽ không có “lão - bệnh - tử”, những u mê, lầm lạc của con người. Từ cái “không” mà sinh ra mê lầm “hư vọng”, con người mãi chìm đắm trong bến mê. Hình ảnh của con lừa ba chân Trí sử lục đạo vãng lai, tứ sơn trắc giáng (đến nỗi khiến cho qua lại sáu đường, xuống lên bốn núi.)[10] là hình ảnh của con người chìm trong bến mê giục vọng phí hoài.

Trần Thái Tông thông qua các hình tượng thiên nhiên để ẩn dụ, chiêm nghiệm về biến thiên của đời người. Đời người trải qua bốn giai đoạn của Sinh - Lão - Bệnh - Tử, cũng ứng với một vòng của thiên nhiên bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Khóa hư lục luận về bốn trái núi (Tứ sơn) tượng trưng cho bốn giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử của đời người, tương ứng với bốn mùa trong năm: “Nhân chi sinh tướng tuế nãi nhân thì” (Tướng sinh của con người là mùa xuân trong năm), “Nhân chi lão tướng, tuế nãi hạ thì” (Tướng già của con người là mùa hạ trong năm), “Nhân chi bệnh tướng tuế nãi thu thì” (Tướng bệnh của người là mùa thu trong năm), “Nhân chi tử tướng, tuế nãi đông thì” (Tướng chết của con người là mùa đông trong năm). Thời gian của bốn mùa cùng sự đổi thay của thiên nhiên vạn vật được thâu nhận và bàn luận thành quy luật, chu trình sinh diệt của con người. Trong đó, mùa xuân được xem là mùa của sinh: “Nhân chi sinh tướng, tuế nãi xuân thì. Tráng tam dương chỉ hanh thái; tân vạn vật chỉ tuy vinh. Nhất thiên minh mị, thôn thôn liễu lục hoa hồng; vạn lí phong quang, xứ xứ oanh đề điệp vũ” (Tướng sinh của người là mùa xuân trong năm. Khỏe khoắn thay sự thịnh vượng của dương xuân, mới mẻ thay sự tốt tươi của muôn vật. Một trời sáng đẹp, xóm thôn liễu biếc đào hồng; muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh ca, bướm múa)[11].

Bốn mùa trong năm xoay vần tương ứng với quy luật sinh - lão - bệnh - tử của con người. Trong đó mùa đông là sự kết thúc của đời người với cái chết hiển hiện rõ: “Nhân chi tử tướng, tuế nãi đông thì. Càn khôn ứng thái tuế nhi chu ; nhật nguyệt hướng huyền hiêu nhi hội. Âm tinh cực thịnh, nhất thiên vũ tuyết cánh phân phi; dương khí tiềm tiêu, bát thủy ngưng ba tăng lẫm liệt.” (Tướng chết của người là mùa đông trong năm. Càn khôn ứng thái tuế mà vần xoay; nhật nguyệt ứng huyền hao mà tụ hội. Âm tinh cực thịnh, khắp một trời mưa tuyết bời bời; dương khí tan dần, nước tám tính đóng băng càng giá lạnh.)

Vũ cước trận thôi phiêu lịch lịch

Lôi xa luân chuyển nộ oanh oanh

Tạm thời trần liễm thiên biên lĩnh

Nguyệt lạc trường giang dạ kỷ canh

(Sầm sập trận mưa giục giã

Ầm ầm xe sấm chuyển lăn,

Tạm thời bụi cuốn bên trời trong sạch

Trăng rơi trên sông dài, đêm đã mấy canh?)

(Tứ sơn)[12]

Bởi quan niệm cõi đời là cõi tạm trú thân nên hình ảnh cái chết kết nhẹ nhàng và bình thản với hình ảnh của trời trong không vẩn mây, trăng rơi trên sông vắng, thanh tịnh, u huyền. “Tạm thời trần liễm thiên biên lĩnh/ Nguyệt lạc trường giang dạ kỷ canh” (Tạm thời bụi cuốn bên trời trong sạch/Trăng rơi trên sông dài, đêm đã mấy canh?).

Tứ sơn là sự chứng ngộ của bản thể trước sự tạm của thân thể, nhận thức sự vô thường của tạo hóa. Bốn núi sinh - lão - bệnh - tử trải qua của con người là hành trình con người tìm con đường chứng ngộ, hiểu thấu lẽ đạo, tìm ra chân tướng của vạn pháp để nhẹ nhàng buông bỏ tấm thân nơi cõi tạm một cách nhẹ nhàng. “Ngộ liễu đô vô vạn vật không” (Hiểu rõ tất cả là hư vô, vạn vật là không), để cưỡi “con lừa ba chân” mà lên thẳng ngọn núi cao.

2. Thiên nhiên cõi Phật qua trực cảm tâm linh của người ngộ đạo

Khóa hư lục trình bày những tư tưởng của kinh Đại tạng, mục đích ngộ đạo tự thân và giáo dục dân chúng với những triết lý và hình thức tu tập cơ bản của Phật pháp. Hình ảnh của thiên nhiên trong các bài khuyến tu hay các bài kệ không chỉ là cảnh vật thực trong cuộc vần xoay của tạo hóa mà còn là hình ảnh của thiên nhiên cõi Phật, thiên nhiên được cảm qua góc nhìn của người ngộ đạo.

Thiên nhiên cõi Phật là thiên nhiên phi thực, thường không giới hạn cả về không gian và thời gian, xuất hiện trong một khoảnh khắc bừng ngộ của bản thể, mở ra một không gian bất tận. Đó thường là bầu trời xanh mở ra vô tận, vô cùng với sắc xanh trong không vẩn đục, thiên nhiên hư huyễn, tĩnh lặng và uy nghiêm. Chẳng hạn:

Thanh sơn đê xứ kiến thiên khoát,

Hồng ngẫu khai thời văn thủy hương.

(Non xanh nơi thấp trông trời rộng

Sen đỏ mùa hoa nghe nước thơm).

(Phổ khuyến phát bồ đề tâm)[13]

Thùy tri vân quyển, trường không tịnh

Thúy lộ thiên biên, nhất dạng san.

(Ai hay mây cuốn, trời quang tạnh

Núi hiện chân trời, biếc một màu).

(Phổ thuyết sắc thân)[14]

Thiên nhiên bất tận, khoáng đạt và trong lành được soi chiếu qua tâm thức của người tu đạo vừa đốn ngộ chân lí. Đây là khoảnh khắc bừng sáng của bản thể không còn chấp mê, bất ngộ, sự tạo sinh cho một bản thể mới đã tìm thấy “chân diện mục”, cảnh giới cần đạt của Thiền. Bởi thế thiên nhiên với “Hồng ngẫu khai thời văn thủy hương”, dưới trời xanh bất tận, núi hiện chân trời, đầy uy nghiêm và khoáng đạt, thể hiện một bản thể thuần khiết không vướng bụi.

Thế giới thiên nhiên cõi Phật đầy nhiệm màu và uy nghi là thế giới tự chứng tự nội, thực tại của người đạt đạo. Thế giới thiên nhiên nhuốm màu hư ảo và thuần tịnh tuyệt đối, cõi giới cao nhất của tu thiền.

“Xứ xứ đại quang minh tạng, cơ cơ bất nhị pháp môn. Trực nhiêu ám khứ minh lai, quản thậm vân già nguyệt tế. Minh châu tại chưởng, thanh ánh thanh hoàng ánh hoàng; cổ kính đương đài Hồ hiện, Hồ Hán hiện Hán. Khởi quan huyễn thể, tận thị pháp thân.”

(Chốn chốn là tạng đại quang minh; cơ cơ là pháp môn bất nhị. Mặc sức mờ đi tỏ lại, ngại chi trăng phủ mây che. Hạt trai sáng ở tay, xanh ánh xanh vàng ánh vàng; gương cổ đặt trên đài, Hồ hiện Hồ, Hán hiện Hán. Can chi huyễn thể; thảy đều pháp thân (Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ)[15]

Trong các bài kệ trong phần Lục thì sám hối khoa nghi, cảnh sắc tại sáu thời điểm trong ngày - khoảnh khắc thiên nhiên hiện thực được nhuốm phủ sắc màu hư ảo, huyền hoặc, hư hư thực thực của cõi Phật.

Tâm địa khai thời khoa lạn mạn

Chư thiên vũ xứ nhượng phân phương

Chi chi đóa đóa hiến Phật tiền

Ức kiếp nghiệp phong xay thất lạc

(Đất tâm hoa nở sắc khoe tươi

Thơm ngát ngàn hoa khắp cõi trời

Muôn đóa đem dâng trên điện Phật

Nghìn thu gió nghiệp chẳng tàn rơi)

(Hiến hoa kệ)[16]

Thiên nhiên hiện thực dưới góc nhìn soi chiếu của tâm thế tu đạo nhuộm lên vẻ hư ảo, huyền hoặc và uy nghi của cõi Phật. Những lễ cúng dâng nhờ thế trở nên thành kính và tôn nghiêm.

3. Hình ảnh thiên nhiên biểu tượng trong Phật giáo

Khóa hư lục sử dụng khá nhiều hình ảnh thiên nhiên mang tính biểu tượng của Phật giáo. Các triết lý nhà Phật được biểu hiện trực tiếp thông qua các hình ảnh như ánh trăng, con thuyền, bè lau,...

Hình ảnh ánh trăng sáng chiếu bầu trời không gợn mây hay xuất hiện với các dạng thức khác nhau như lặn trên mặt sông thanh vắng, bóng trăng dưới nước.... Ánh trăng trong đạo Phật được xem như là biểu tượng của chân lý, biểu tượng của sự tĩnh lặng. Hình ảnh “ngón tay chỉ trăng” trở thành điều cốt yếu trong con đường truyền đạo và ngộ đạo của người tu học “trực chỉ nhân tâm, giáo ngoại biệt truyền”. Hơn nữa, trăng có tính tự thay đổi với chu kỳ từ khuyết đến tròn. Vòng quay trở về hình tướng nguyên thủy tròn đầy của trăng được xem là biểu tượng của quá trình “Thành tựu thể tính” một cách viên mãn.

Trong Niêm tụng kệ, khi hỏi vể đại ý của Phật pháp, có phần niêm như sau:

Bóng trúc quét thềm, bụi chẳng động

Vành trăng xuyên biển, nước không nhăn

(Niêm tụng kệ)

Hình ảnh của vầng trăng nhẹ nhàng lặn xuống mặt biển, không làm xáo động mặt nước lặng là sự thuần khiết, hư huyễn, có mà như không. Trong Tứ sơn, hình ảnh cái chết của con người sau bao chuyển động đầy bão tố là một vầng trăng tĩnh lặng rơi nhẹ trên sông dài giữa khuya thanh vắng. Vầng trăng ấy chính là biểu tượng hàm chứa cái chân lý toàn vẹn ý nghĩa sống không chỉ cho nhân sinh mà còn có ý nghĩa cho khắp tất cả vạn hữu trong vũ trụ này:

Tạm thời trần liễm thiên biên lĩnh

Nguyệt lạc trường giang dạ kỷ canh

(Tạm thời bụi cuốn bên trời trong sạch

Trăng rơi trên sông dài, đêm đã mấy canh?)

(Tứ sơn)[17]

Vòng tuần hoàn không dứt của mặt trăng làm cho nó trở thành tinh tú của nhịp điệu sống vô cùng. Những tuần trăng là biểu hiện cho những quá trình sống tiến triển thăng hoa của nhân sinh vũ trụ. Đại ý của Phật pháp qua rất nhiều câu hỏi đáp trong Niêm tụng kệ vẫn là hình ảnh của vầng trăng rơi đáy sông.

- Từ Minh hỏi Chân Điểm Hung về đại ý Phật pháp

Chân đáp:

Mây “không” sinh đỉnh núi

Trăng “có” rơi đáy sông

Ánh trăng là biểu tượng của sự tĩnh lặng tuyệt đối. Ngồi định trong yên lặng mới tìm được chính pháp. Ngồi định mà tâm chưa tịnh cũng như sóng gió chưa yên đã muốn tìm bóng trăng.

“Nhược ư định thời, tâm vị đắc định, nhi dục cầu tuệ, thí nhược phong ba vị tĩnh nhi cầu kiến nguyệt ảnh giả dã. Nhược tâm ký định nhi phản sinh tà giải, cầu ư tuệ giả, diệc như phong ba ký tĩnh, nguyệt ảnh trừng thanh, nhi phục lãm ư thủy trung cầu thủ nguyệt ảnh, hà đắc kiến tai! Cố tổ sư vân: “Tịch nhi thường chiếu, Chiếu nhi thường tịch”.

(Lại như khi ngồi định mà tâm chưa định, nhưng vẫn muốn tìm tuệ thì ví như sóng gió chưa yên đã muốn tìm bóng trăng. Nếu tâm đã định, lại nảy sinh kiến giải không ngay thẳng, như thế mà muốn tìm tuệ, thì cũng như sóng gió đã lặng, bóng trăng trong trẻo, nhưng lại thò tay khoắng nước để vớt bóng trăng, vậy thì làm sao lấy được! Cho nên các vị tổ sư nói rằng: “Yên lặng mà thường chiếu, thường chiếu mà yên lặng”) (Tuệ giáo giám luận)[18]

Trăng mang cái tự tính thường nhiên, tịch tĩnh sáng trong, rọi chiếu khắp không gian và biểu trưng cho trí tuệ Bát nhã của người đạt đạo. Trăng trở thành nguồn của cảm hứng triết lý và ngợi ca bản thể giải thoát.

Hồi trình nguyệt dạ nhân hy đáo

Nhất đạo thiêm quang đại địa hàn.

(Đường về trăng sáng người thưa vắng

Một ánh trăng đêm lạnh khắp miền.)

(Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ) [73]

Khóa hư lục nhằm mục đích truyền tải các giáo lí Thiền học và các hình thức tu học nhưng với việc sử dụng các hình ảnh thiên nhiên làm “ngón tay chỉ trăng” chính là phương pháp “dĩ tâm truyền tâm” một cách sâu sắc và trực diện theo triết lí “vô ngôn” của Thiền. Hình tượng thiên nhiên tuy được dùng chủ yếu như phương tiện, công cụ để biểu ý song lại mang đến hiệu quả cao trong việc biểu ý và tạo nên một bức tranh Thiền học sinh động và đặc sắc./.

-----------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Phước Đạt (2008), “Cảm hứng bản thể giải thoát và cảm hứng cõi thiên nhiên Phật nhiệm mầu trong tác phẩm thi ca Hán Nôm của Thiền phái Trúc lâm đời Trần”, Tạp chí Hán Nôm, số 3; Tr.3-14.

2. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, I - II - III, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.

3. Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

 

 

Note:

[1] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, I - II – III, NXB Văn hóa, Hà Nội.

[2] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 28.

[3] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 87.

[4] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 172.

[5] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 190.

[6] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 182.

[7] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr 192.

[8] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr 190.

[9] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr 42.

[10] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr. 42.

[11] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr. 42.

[12] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr. 44.

[13] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr. 63.

[14] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr. 54.

[15] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr. 73.

[16] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr. 163.

[17] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr. 44.

[18] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Sđd, tr. 73.

ThS. Phạm Thị Thu Hương
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực