|
|
Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông (tranh minh họa) |
Là vị vua thông minh, sáng suốt trong việc dùng người, quy tụ nhân tâm
Vua Trần Nhân Tông có tầm nhìn chiến lược, chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực và con người để sẵn sàng chống giặc ngoại xâm. Người rất giỏi dùng người tài để trị quốc và bình thiên hạ. Ngay khi nhận ngôi Hoàng đế người đã có kế hoạch xây dựng đội quân mạnh thông qua việc luyện tập võ nghệ và tăng cường sức khỏe cho binh lính. Người biết quy tụ sự đoàn kết trên dưới một lòng từ người kinh đến người các dân tộc mường, Thái, Dao…
Năm 1282, khi mới biết được ý đồ xâm lược nước ta của quân Nguyên Mông, Trần Nhân Tông đã chủ tọa Hội nghị Bình Than gồm các vương hầu, tôn thất và các tướng lĩnh bàn về kế sách chống giặc. Được sự đồng ý của Thượng Hoàng, người đã cử Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân, cử Trần Khánh Dư làm Phó Đô Tướng quân. Việc chọn và giao việc đúng người, đúng việc là yếu tố quan trọng tạo lên sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội nhà Trần.
Cuối năm 1284 Thượng Hoàng Trần Thánh Tông cùng Vua Nhân Tông mở Hội nghị Diên Hồng, triệu tập các bô lão trong toàn quốc hỏi mưu kế nên hòa hay đánh và bàn kế phá giặc. Đây là lần đầu tiên ở nước ta có cuộc “Trưng cầu dân ý” về việc có đánh hay không đối với đội quân xâm lược hùng mạnh từ phương Bắc. Tất cả đều đồng thanh hô “đánh” tạo lên khí thế đồng lòng, đoàn kết quân dân cùng đánh giặc. Các bô lão là những nhân tố khơi dậy và động viên lòng yêu nước, vận động dân ở khắp các vùng quê, đồi, núi đồng lòng cùng với Triều đình đánh giặc cứu nước, cứu nhà.
Bằng đức độ và chính sách chiêu hiền đãi sĩ người đã chiêu nạp được nhiều tướng lĩnh tài năng, trung quân, ái quốc sẵn sàng sả thân vì đất nước. Với chiến lược và chiến thuật quân sự linh hoạt, uyển chuyển, sự chỉ đạo của Đức vua Trần Nhân Tông, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh tài ba Nhà Trần, sự đoàn kết một lòng của quân dân Đại Việt, 2 lần xâm lược của đội quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới đã bị quân dân ta đánh cho đại bại vào năm 1285 và 1288. Chiến công Chương Dương, Hàm tử, Bạch Đằng Giang… mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là những bài học đắt giá cho quân xâm lược phương Bắc.
Là vị vua có phương sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt
Vua Trần Nhân Tông đã thực thi phương sách ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn với các nước lân bang. Đối với nhà Nguyên, người một mặt kiên quyết bảo vệ quyền độc lập tự chủ, mặt khác, thực hiện những động thái chính trị, ngoại giao mềm mỏng, nhún nhường nhằm tránh chiến tranh hay ít nhất cũng trì hoãn nguy cơ chiến tranh để chuẩn bị lực lượng. Sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3, vua Trần Nhân Tông đã tha chết và cấp ngựa, thuyền cho các bại tướng và binh lính về nước. Người cũng cử các Sứ Thần sang nhà Nguyên để giữ tình hòa hiếu, tránh được những cuộc xâm lược tiếp theo của kẻ láng giềng hùng mạnh, hiếu chiến.
Năm 1294 người đã trực tiếp chỉ huy quân đội đánh dẹp đội quân Ai lao đến quấy nhiễu nước ta. Sau đó lại tiếp tục có chính sách bang giao hòa hảo với đất nước triệu voi.
Sau chiến tranh, Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và làm Thái thượng hoàng. Năm 1301, người sang Chiêm Thành và ở lại đây gần một năm. Việc ngoại giao gắn kết hai dân tộc, ổn định phương Nam đề phòng sự xâm lược của nhà Nguyên được Thượng hoàng Trần Nhân Tông thực thi bằng một hành động khôn khéo: Gả công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm là Chế Mân vào năm 1306. Đáp lại, Chế Mân nhượng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt và đổi thành hai châu Thuận, Hóa. Tại đây người truyền bá giáo lý Thiền Tông, qua đó đã củng cố mối quan hệ ngoại giao, hợp tác hòa bình hữu nghị với các nước láng giềng.
Chiến lược ngoại giao của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực mang lại hòa bình lâu dài cho đất nước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đã được Đảng ta sáng tạo vận dụng.
Là người sáng lập dòng Phật giáo Trúc Lâm mang màu sắc riêng của Đại Việt
Ngay sau khi chinh phạt Ai Lao, đất nước hòa bình, Trần Nhân Tông trở về hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình) xin xuất gia khởi đầu cho sự nghiệp tu hành. Năm 1299 Ngài về Yên Tử cho dựng chùa, giảng pháp. Người học phật quy tụ về Yên Tử rất đông. Ngài đã thống nhất 3 dòng thiền và lập lên dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Đại Việt. Dòng Thiền Trúc Lâm Yên tử được lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật Giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc. Ngài là tổ phái Thiền Trúc Lâm, có hiệu là “Đệ nhất tổ Trúc Lâm Đầu đà Tịnh tuệ Giác hoàng Điều Ngự”, để lại tác phẩm nhiều bài kệ. Sau này truyền đến Pháp Loa và Huyền Quang thành Thiền Tông Trúc Lâm, được gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Điểm độc đáo trong Thiền học của Trần Nhân Tông được thể hiện trong 4 câu thơ sau: “Cõi trần vui đạo cứ tuỳ duyên; Đói bụng thì ăn mệt ngủ liền; Báu vật trong nhà thôi tìm kiếm; Đối cảnh vô tâm khỏi hỏi thiền”.
Việc thồng nhất 3 dòng thiền thành dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử dưới sự dẫn dắt của Đức vua, Đức Phật Trần Nhân Tông tạo nền tảng cho sự thống nhất về hệ tư tưởng của con dân Đại Việt tạo nền tảng cho sự đoàn kết toàn dân tộc. Đây là điểm đặc biệt của tư tưởng Trần Nhân Tông mà trên thế giới không ai làm được.
Ngài thường xuyên đi các nơi để giảng dạy phật pháp, trong đó có Chiêm Thành. Quốc vương Cham Pa đã kính cẩn mời Ngài giảng giải giáo nghĩa Thiền Tông. Thông qua Phật Pháp ngài đã tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghĩ với các nước láng giềng.
Ngài mất năm 1308 tại Yên Tử. Sau lễ hỏa thiêu, ngọc cốt với hàng ngàn xá lị của ngài đã được vua Trần Anh Tông và Đệ Nhị Tổ Pháp Loa rước về kinh thành cử hành quốc lễ tôn Thánh hiệu là: “Đại thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.
Là vị vua đức độ hết lòng vì dân và xã tắc.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi về Trần Nhân Tông: ”Vua nhân từ, hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần…”
Trần Nhân Tông là vị vua có cuộc sống giản dị, sống hòa nhã với quần thần và dân chúng, rất quan tâm tới các bô lão. Trải nghiệm qua chiến tranh nằm gai, nếm mật, người đã hiểu rõ về lòng trung thành của binh lính và những người dân làm phận tôi tớ. Người răn dạy các vệ sĩ không được hét đuổi, dọa nạt dân. Người rất yêu quý các binh lính và biết ai là những người trung thành. Người nói: “Khi nước rút thì bờ bến mới hiện ra, gặp vận cùng thì lòng tiết nghĩa mới rõ rệt. Khi vô sự và khi lâm nạn, hoàn cảnh khác mà lòng người không thay đỏi mới biết những kẻ mồm mép nói năng không bằng người lão thực và chuyên nhất”. Sử cũ còn lưu truyền khá nhiều câu chuyện Trần Nhân Tông khoan dung độ lượng với bề tôi khi họ có lỗi lầm, ân cần khuyên nhủ khi họ có mối bất hòa với nhau. Chính nhờ có những phẩm chất này mà khi đất nước gặp vận binh đao thì trên dưới một lòng, vua tôi một dạ cùng nhau đánh giặc.
Năm 1299 người về Yên Tử tu hành. Cung nhân, thị nữ và nhiều người xin đi theo nhưng ngài không cho. Họ định tự tử hết, ngài đành phải cấp ruộng và nhà cho ở bên dưới chân núi.
Có sách viết rằng: Nhân Tông từ thuở nhỏ đã sớm ý thức được nguyên lý của đạo phật, ham chuộng cửa Không, chỉ muốn đi tu, không muốn làm vua hưởng vinh hoa phú quý. Vua cha Trần Thánh Tông đã phải khuyên bảo Trần Nhân Tông răng: “Sứ mệnh giao phó cho con rất nặng nề, phải lo gánh vác viêc nước trước hết. Người phương Bắc sớm muộn gì cũng sang thôn tính nước ta. Bổn phận của con là phải cứu muôn dân trăm họ, có làm được thì mới tính đến sự tu hành giải thoát bản thân và chúng sinh”. Trần Nhân Tông đã nghe theo nhận làm vua. Khi đã hoàn thành sứ mệnh bình bắc định nam xong, ngài mới đi tu đắc đạo.
*
* *
Đức vua, Đức Phật Trần Nhân Tông là bậc vĩ nhân toàn tài. Nền tảng tư tưởng về nghệ thuật quân sự, chiến lược ngoại giao của Ngài là nền tảng tư tưởng cho kế sách xây dựng và bảo vệ đất nước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đã được Đảng ta sáng tạo vận dụng.
Ngài đã xây dựng cho Thiền phái Trúc Lâm một cơ sở triết thuyết là nền tảng vũ trụ quan và nhân sinh quan, tạo dựng hệ Phật giáo thống nhất trên cả nước về mặt tổ chức, giáo lý, phương thức đào tạo, truyền nối cũng là nền tảng tư tưởng cho sự đoàn kết trong giáo hội và toàn dân. Tất cả những việc làm đó đã củng cố vị thế của vương triều Trần và đất nước, xây dựng cuộc sống hòa bình lâu dài trên đất nước ta.
Con cháu dòng họ Trần hãy tự hào về tổ tiên của mình. Đức Phật Hoàng mãi là tấm gương để các thế hệ dòng họ Trần và các dòng họ Việt Nam noi theo, kế thừa, phát huy để tư tưởng của Ngài mãi trường tồn cùng dân tộc./.