Những câu nói lưu danh sử sách của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn

Thứ hai, 15/08/2022 12:53
(HĐHTVN) - Dưới thời nhà Trần, bộ óc thao lược, kiệt xuất của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã giúp quân, dân ta ba lần đánh tan quân Nguyên – Mông, đội quân khét tiếng đã từng làm cả thế giới khiếp sợ. Tài năng và đức độ của Trần Hưng Đạo được nhân dân tôn ông như một vị Thánh, thế giới ghi nhận ông là một trong những vị tướng tài giỏi nhất mọi thời đại. Những câu nói của ông được lưu danh sử sách và trở thành bài học cho hậu thế.
leftcenterrightdel
 Tượng Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tại Nam Định
 

“Bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”

Sau thất bại năm 1258, đến năm 1285, vua Nguyên sai con trai là Thoát Hoan kéo quân sang xâm lược nước ta tiến vào Thăng Long. Trước thế mạnh của địch, Thượng hoàng Trần Thánh Tông tỏ ra lo lắng, hỏi có nên hàng không. Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo khắng khái trả lời: “Bệ hạ hãy chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”.

Trần Quốc Tuấn trước lúc ấy đã được tiến phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, ông sai chọn các tướng có tài chỉ huy, chia đi nắm giữ những nơi hiểm yếu. Đồng thời ông điều các quân của vương hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu (tức bến sông Hồng phía trên cầu Long Biên, gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay), chia các quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác.

Khi cuộc kháng chiến chính thức xảy ra (năm 1285), Trần Quốc Tuấn chỉ huy, trực tiếp đánh tan quân giặc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Hưng Đạo Vương lại giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hằng ở Vạn Kiếp, đánh bại được, giặc chết rất nhiều”. Thái tử đồng thời là tướng nhà Nguyên – Thoát Hoan, trong trận chiến này, phải chui vào ống đồng trốn về nước.

 “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ sáu trụ xương cánh”

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (năm 1285). Trận Bãi Tân (một địa điểm sang sông Lục Nam) có một mẩu chuyện về Yết Kiêu và Dã Tượng rất cảm động.

Khi đến chỉ huy đánh trận này, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dùng thuyền, có hai gia nô là Yết Kiêu và Dã Tượng cùng đi. Đến Bãi Tân, Trần Quốc Tuấn giao cho Yết Kiêu ở lại giữ thuyền, còn Dã Tượng theo hộ vệ. Quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không sao cản nổi bước tiến vũ bão của giặc, trở lại đường cũ thì có phần nguy hiểm nên Trần Quốc Tuấn định theo đường núi mà rút lui.

Dã Tượng thấy vậy liền thưa “Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương, tất không dời thuyền đi chỗ khác”. Trần Quốc Tuấn nghe theo và trở lại Bãi Tân thì quả thấy Yết Kiêu đang cắm thuyền đợi, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy đến.

Vừa mừng vừa cảm động, Trần Quốc Tuấn nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao tất phải nhờ ở 6 trụ xương cánh. Nếu không có 6 trụ xương cánh ấy thì cũng chỉ như chim thường mà thôi”. Nói xong liền lên thuyền mà đi, giặc không sao đuổi kịp. Câu này ý muốn so sánh Yết Kiêu và Dã Tượng với những cánh chim hồng hộc.

Mặc dù xuất phát với thân phận gia nô nhưng Yết Kiêu và Dã Tượng có công rất lớn trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Họ được sánh ngang với các bậc hào kiệt, những vị tướng nổi tiếng thời Trần.

leftcenterrightdel
 

“Lấy đoản binh để thắng trường trận”

Cũng bàn về mưu kế chống giặc cho đời sau, Hưng Đạo Vương đã lấy những dẫn chứng về quá trình chống giặc ngoại xâm của dân tộc và nói: “Họ cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được”.

 “Quân cốt tinh nhuệ không ở số đông”

Từ khi giành được độc lập vào năm 938, Ngô Quyền và tiếp đó là các triều đại nhà nước phong kiến Đại Việt liên tục phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang có tiềm lực kinh tế – quân sự hơn hẳn. Vì thế, việc tổ chức, xây dựng quân đội mạnh phù hợp với điều kiện, khả năng của đất nước luôn được các vương triều quan tâm, coi trọng. Đây cũng là lẽ thường, thể hiện sự tỉnh táo của Tổ tiên ta. Bởi lẽ, tiềm lực kinh tế có hạn, không cho phép xây dựng và duy trì một đạo quân lớn; nhưng nếu đạo quân nhỏ thì lại không đủ sức chống giặc dữ.

Cho nên để giải quyết mâu thuẫn giữa khả năng của đất nước với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, cha ông ta chủ trương xây dựng quân đội mạnh, theo hướng “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức là “quân cốt tinh, không cốt nhiều”, lấy chất lượng là chính. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thời nhà Lý, tư tưởng “Ngụ binh ư nông” trở thành quốc sách quan trọng của Nhà nước Đại Việt, nghĩa là gắn việc binh với việc nông, gắn kinh tế với quân sự, quốc phòng để giảm quân thường trực; trừ cấm quân, các lực lượng còn lại của quân đội đều áp dụng việc chia phiên vừa sản xuất, vừa thực hiện việc binh.

Triều đại nhà Trần chú trọng thực hiện quan điểm của Trần Quốc Tuấn: “Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên thì cũng làm được gì?”1Như vậy, tư tưởng xây dựng quân đội thường trực “Quân cốt tinh không cốt nhiều” được hình thành rất sớm và ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là ở thời kỳ nhà Trần

Không ngoài nhận định của Trần Quốc Tuấn, dù phải đối đầu đội quân đông đảo, thiện chiến của nhà Nguyên, nhưng với chiếc lược, sách lược hợp lý, quân dân nhà Trần đánh tan đạo quân xâm lược với đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Trong quan niệm của Hưng Đạo vương chất lượng quân đội được đặt lên hàng đầu và được coi là nhân tố đầu tiên tiên quyết định cục diện chiến tranh. Chất lượng đội quân đó chỉ có thể phát huy cao độ sức mạnh khi có sự đồng lòng nhất trí của toàn quân.

 “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”

Tháng 6/1300, Hưng Đạo Vương ốm nặng, vua Trần Anh Tông tới thăm và hỏi rằng: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược, kế sách như thế nào?”. Trần Quốc Tuấn nói rằng: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước muôn đời vậy”.

Tài năng kiệt xuất của Hưng Đạo vương chính là việc nhận thức rõ nhân dân mới là nguồn sức mạnh giữ nước, nguồn sức mạnh vô địch, nguồn sức mạnh mà không một kẻ thù tàn bạo nào có thể khuất phục. Ông luôn chăm lo sức dân ngay từ thời bình cũng như trong thời chiến.

 

————————————————————————

Tài liệu tham khảo: “Đại Việt sử ký toàn thư”, Tập, Nxb. Văn học, 2006.

 

Sưu tầm và biên soạn: TRẦN THỊ THỦY BQL
Khu Di tích LS-VH Đền Trần, Chùa Tháp, tỉnh Nam Định
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực