Bối cảnh lịch sử hình thành và sự nghiệp đế vương của nhà Trần

Thứ sáu, 01/04/2022 21:00
(HĐHTVN) - Cuộc chuyển giao quyền bính triều đình từ nhà Lý sang nhà Trần (năm 1225) được lịch sử đánh giá là một cuộc chuyển giao khéo léo, đúng thời điểm, được quần thần ủng hộ, tung hô và thuận lòng dân. Trong 175 năm vị trì (1225 - 1400), nhà Trần đã 3 lần chiến thắng quân Mông - Nguyên xâm lược, làm cho nước Đại Việt trở thành một đất nước hùng mạnh trong khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa chụp từ vở kịch kể về bối cảnh Vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh

Nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê năm 1010, kể từ Thái Tổ Lý Công Uẩn với những kỳ tích rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, đến Thái Tông hoàng đế, Thánh Tông hoàng đế rồi Nhân Tông hoàng đế đều là những vua hiền, thông tuệ.

Tiếp đến, dưới triều vua Lý Nhân Tông, danh tướng Lý Thường Kiệt cùng các tướng lĩnh đã lập chiến công bình giặc Tống và đánh Chiêm Thành.

Năm 1128, Lý Thần Tông lên ngôi vua. Ông cũng là vị hoàng đế có tư chất thông minh, dùng người hiền, thủy chung nhất nhất.

Đến vua Lý Anh Tông cũng biết trọng hiền tài song bị gian thần lũng loạn khiến giặc cướp nổi lên.

Nhưng đến đời vua Lý Cao Tông, do ham chơi vô độ, triều đình thiếu kỷ cương, giặc cướp như ong, dân tình cơ cực. Lý Cao Tông băng hà, thái tử Sắm lên thay tức Lý Huệ Tông.

Vua Lý Huệ Tông lên ngôi trong hoàn cảnh đất nước nổi loạn tứ tung, nhiều thế lực trong nước không thần phục, nhà vua, triều thần kém năng lực chăm dân, trị quốc. Thậm chí việc nước còn giao cho kẻ bất tài, khiến tình hình càng thêm rắc rối, thế nước ngày càng suy nhược. Trong khi đó thì mùa màng thất bát, nhiều nơi dân tình đói khát, cùng khổ. Triều đình hầu như mất hết uy lực khiến các phe cánh nổi lên đến nỗi xa giá phải xiêu dạt rời bỏ kinh thành lánh nạn.

Trước tình hình đó, Trần Tự Khánh anh ruột của Trần Thị là nguyên phi của Lý Huệ Tông, một thế lực mạnh của họ Trần ở Thái Bình đã nhiều lần đem quân đến đón xa giá, đồng thời dẹp các thế lực Đinh Khả và Bùi Đỗ ở Đại Hoàng để cứu giúp triều đình, ấy vậy mà Thái hậu và vua Lý Huệ Tông không tin. Nhưng Trần Tự Khánh vẫn nhẫn nhục chịu đựng, hết lòng phò tá vua Lý Huệ Tông, do vậy tháng 12 năm Bính Tý (1216) vua mới phong Trần Thị làm Hoàng hậu, phong Trần Tự Khánh làm Thái úy và Trần Thừa làm Nội thị phán thủ.

Được nắm giữ binh quyền, Trần Tự Khánh đã xếp đặt lại quân ngũ, chỉnh đốn, luyện tập quân đội, dần dần thế nước được bình ổn. Lúc này, vua Lý Huệ Tông bỗng dưng mắc chứng điên, chữa không khỏi, suốt ngày cầm giáo nhảy múa rồi uống rượu ngủ li bì không biết gì đến việc triều chính.

Năm Quý Mùi (1223), Thái úy Trần Tự Khánh chết, triều đình phong Trần Thừa làm phụ quốc Thái úy. Năm sau (1224) vua Lý Huệ Tông bệnh tình càng trầm trọng, không có con trai nối dõi nên lập công chúa Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) làm Hoàng thái tử. Lúc này Trần Thủ Độ được làm Điện tiền chỉ huy sứ, thống lĩnh quân đội hộ vệ cấm đình, do vậy thế lực họ Trần ngày càng mạnh. Nói cách khác là anh em họ Trần lúc này đã nắm giữ binh quyền của triều đình, vì vậy, Trần Thủ Độ đã nhanh chóng tính chuyện vua Lý Huệ Tông phải truyền ngôi cho Lý Chiêu Hoàng, đưa vua Lý Huệ Tông xuất gia ở chùa Châu Giáo để mưu đại sự cho họ Trần.

Tháng 10 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu chọn con em các quan vào triều làm sắc dịch và cắt đặt chầu hầu nhà vua. Trần Thủ Độ bèn nhân cơ hội này đưa cháu gọi mình bằng chú là Trần Cảnh vào làm Chánh thủ, cùng với Trần Thiêm làm Chi hậu cục, Trần Bất Cập làm Cận thị lục cục, đây đều là những chức hầu cận, truyền lệnh và đưa đón người vào cung.

Trần Cảnh lúc này mới 8 tuổi, có dáng cách đường hoàng, khôi ngô, tuấn tú cùng chạc tuổi với Lý Chiêu Hoàng, nên Lý Chiêu Hoàng tỏ thái độ thân mật, có lần còn trêu chọc ném khăn cho Trần Cảnh, hoặc té nước trêu đùa với Cảnh một cách hồn nhiên…

Dựa vào thế lực trong triều và biết tình tiết Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh, nên Trần Thủ Độ liền lập mưu truyền tin nhà vua có chồng, rồi xuống chiếu ban bố việc Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi báu cho Trần Cảnh để thiên hạ biết. Đồng thời tổ chức đại hội vào ngày 12 tháng 12 năm Ất Dậu (1225) để vua Lý Chiêu Hoàng cởi áo ngự bào trao mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế, xưng là Trần Thái Tông. Sự việc diễn ra khôn khéo và nhanh chóng khiến triều thần sủng sốt, chấp thuận tung hô vạn tuế.

Như vậy, tính đến năm 1225, nhà Lý trị vị đất nước được 216 năm, từ hưng thịnh đến suy thoái, đúng với quy luật lịch sử, nhưng cũng do bàn tay đạo diễn tài tình của vị Điện tiền chỉ huy sứ đầy mưu lược Trần Thủ Độ, nên nhà Trần đã giành được ngôi báu từ tay nhà Lý.

Bắt đầu từ năm 1225, nhà Trần tồn tại 175 năm với 12 đời vua (trong đó 5 đời vua tiền triều, 7 đời vua kế vị), đã làm cho nước Đại Việt mở ra một thời vàng son chói lọi.

leftcenterrightdel
 Tượng vua Trần Thái Tông tại Đền thờ Trần (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định)

Sự nghiệp đế vương Trần triều cũng có lúc hoàng kim (8 vị vua đầu), rồi đến thời kỳ suy thoái (4 vị vua sau) khi mà các vị hoàng đế về sau còn non trẻ, bị bả vinh hoa cám dỗ, hoang dâm vô đạo, hoặc nghe lời xiểm nịnh của bọn loạn thần, rồi bị Hồ Quý Ly cướp mất ngôi vua.

Đến thời kỳ 2 đời vua nhà hậu Trần khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược (1407 - 1413), nhưng do lúc này thực lực nhà Trần còn lại rất yếu nên đều thất bại dưới giặc Minh.

Như vậy, nếu tính cả 2 vị vua thời hậu Trần thì nhà Trần tồn tại ngôi đế 181 năm với 14 đời vua, có lúc thịnh vượng, cũng có buổi suy tàn. Song trên vũ đài chính trị, họ Trần đã để lại cho lịch sử một thời hào khí Đông A, những ấn tượng tốt đẹp trong dân gian không phải đế triều nào cũng có./.

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực