|
|
Triều Trần thường xuyên duy trình chính sách thân thiện, bao dung, đoàn kết với các dân tộc thiểu số |
1. Vai trò “phên dậu” của quốc gia
Các dân tộc miền núi vùng biên cương luôn đảm nhận được vai trò “phên dậu” của đất nước, các thổ mục thực hiện được nhiệm vụ giữ đất đai của triều đình, chức phận là phải bảo toàn lãnh thổ, an toàn nhân dân.
Vào thời kỳ 1226 - 1288, nhà Trần bận tập trung đối phó với quân Mông - Nguyên phía Bắc, việc đánh đuổi các lực lượng xâm lấn phía Tây - các bộ tộc miền núi phía Đông Lào chủ yếu giao cho các thổ tù địa phương tự thực hiện.
2. Vai trò “tai mắt” của quốc gia
Nhiều tù trưởng miền biên giới cùng với đồng bào các vùng dân tộc đã thực hiện được vai trò tai mắt của quốc gia.
Với lợi thế sinh sống ở các vùng biên cương, tiếp giáp giữa các quốc gia, đồng bào các vùng dân tộc thiểu số là đối tượng phù hợp nhất để thực hiện những nhiệm vụ dò la, thám thính tình hình quân đội, các âm mưu xâm lược của những nước láng giếng bên cạnh Đại Việt.
Chính vì thế, trong đời nhà Trần, quân Nguyên ba lần xâm lược nước ta, lần nào cũng vậy, địch chưa đến vùng biên giới, bộ chỉ huy của ta đã biết trước và có biện pháp đối phó. Như, Hai anh em Hà Bổng - Hà Khuất thủ lĩnh trại Quy Hóa (vùng Yên Bái, Lào Cai ngày nay) đã canh phòng cẩn mật biên giới và theo dõi sát sao quân Mông Cổ. Người của Hà Bổng - Hà Khuất - chủ trại Quy Hóa thường giả làm lái buôn ngược sông Hồng vào Đại Lý do thám tình hình quân Mông Cổ. Thổ mục ở Lạng Giang là Lương Uất có đã có công thông báo kịp thời ý định xâm lược của đạo quân Toa Đô 1282. Từ đó, triều đình nhà Trần mới kịp thời vạch ra kế sách, chiến lược, chiến thuật đón đánh.
Đồng bào ở các vùng dân tộc thiểu số, dưới sự chỉ huy của các tù trưởng địa phương của mình, đã trở thành lực lượng “tai mắt”, do thám của triều đình.
3. Lực lượng sát cánh cùng nhân dân cả nước đánh giặc
Với tâm thức là dân của nước Đại Việt, nhân dân các dân tộc thiểu số miền biên giới phía bắc đã sát cánh cùng nhân dân cả nước chiến đấu dũng cảm với quân xâm lược, lập nên những chiến công xuất sắc.
Thế kỷ XIII dưới triều Trần, đồng bào thiểu số cũng lập được nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông ba lần xâm chiếm nước ta. Như đã nêu ở trên, lần nào triều đình ở Thăng Long cũng được nhân dân thiểu số cho biết trước sự chuyển quân của giặc, thông qua các thủ lĩnh địa phương như Hà Khuất người Mường ở Quy Hoá (Nghĩa Lộ), Lương Uất người Tày ở Lạng Sơn. Do đó triều đình đã có biện pháp đối phó kịp thời.
Năm 1258 trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất, khi quân xâm lược bị Đại Việt đánh bật khỏi Thăng Long tìm đường tháo chạy theo đường Lào Cai, Yên Bái, bên hữu ngạn sông Hồng về Vân Nam, khi đến trại Quy Hoá chúng đã bị đội dân binh dũng cảm dưới sự chỉ huy của Hà Bổng chủ trại bất ngờ tập kích. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép: “Quân Mông - Nguyên chạy đến trại Quy Hoá trại chủ Hà Bổng chiêu tập người Man đánh úp phá được giặc, làm cho quân giặc bị thiệt hại nặng nề. Sau cuộc kháng chiến, Hà Bổng được vua Trần phong tước hầu.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai. Tham gia chặn và đánh địch ở Lạng Sơn có đội dân binh Tày - Nùng do Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Thế Lĩnh chỉ huy. Nguyễn Thế Lộc là người dân tộc Tày thừa kế cha làm trại chủ châu Ma Lục (Lạng Sơn). Nguyễn Thế Lộc được nhà Trần giao chức “Vụ quản” trông coi châu Thất Nguyên (Tràng Định, Lạng Sơn). Từ đây, Nguyễn Thế Lộc đã mở rộng địa bàn quấy rối hậu phương địch tới vùng Vĩnh Bình (gần Kỳ Lừa) rồi dần dần mở rộng phạm vi hoạt động khắp xứ Lạng.
Tháng 5 năm 1285, Nguyễn Thế Lộc một lần nữa lập được chiến công xuất sắc, trong trận tập kích lực lượng quân Mông - Nguyên hộ tống bọn Việt gian Trần Tư Hoãn cùng gia đình chúng về nước làm bù nhìn tay sai. Khi chúng qua đất Lạng Sơn, Nguyễn Thế Lộc đã phối hợp với bộ hạ của Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Lộ phục kích quân giặc trên đèo Sài Hồ, gần trại Ma - Lục (Chi Lăng - Lạng Sơn), Trần Kiện bị bắn chết, lũ giặc bị giết gần một nửa.
Đến tháng 6 năm 1285, một loạt cuộc phản công dữ dội của quân dân ta buộc quân Mông - Nguyên phải rút lui về nước. Cánh quân do Nạp Tốc Lạp Đinh chỉ huy đã luồn rừng chạy về Vân NamTrung Quốc. Trên đường tháo chạy, địch bị nhân dân miền núi dưới sự lãnh đạo của hai anh em Hà Chương, Hà Đặc chỉ huy đánh úp ở vùng động Cự Đà (Phú Thọ). Hà Đặc dùng “kế nghi binh”, đêm đến cho quân mang những thân hình to lớn đan bằng tre, dẫn ra dẫn vào dưới ánh đuốc chập chờn ở xung quanh trại giặc. Quân giặc tưởng người khổng lồ, giương những cánh cung, bắn xiên thân cây nên hoảng sợ bỏ chạy. Thấy kẻ địch hoang mang, Hà Đặc phát động nhân dân đánh đuổi quân giặc chạy sang hữu ngạn sông Lô. Hà Đặc bị hy sinh, Hà Chương thay anh chỉ huy. Hà Chương bị địch bắt, nhưng ông trốn thoát lấy được cả áo giáp và cờ hiệu của giặc. Quân ta nhờ đó, mặc giả trang đi vào trại giặc đánh những đòn bất ngờ, quân Mông - Nguyên không phòng bị chết nhiều vô kể.
Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống thế kỷ XI và ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên là những thử thách vô cùng ác liệt. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã đoàn kết với nhân dân cả nước sát cánh bên nhau cùng chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội.
Tất cả những sự kiện trên đây, chứng tỏ các vùng dân tộc ít người nước ta với sự lãnh đạo của các tù trưởng địa phương có công lao to lớn trong việc bảo vệ từng tấc đất của Đại Việt, góp phần cùng quân dân cả nước giữ vững biên giới, lãnh thổ Đại Việt.
Có thể thấy, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số của nhà Trần đã đem lại nhiều hệ quả tích cực trong công cuộc bảo vệ tổ quốc biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc. Các tù trưởng cùng người dân của các vùng dân tộc thiểu số giữ nhiều vai trò quan trọng, thiết yếu trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới và ba lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên. Họ vừa giữ vai trò là “phên dậu” bảo vệ lãnh thổ quốc gia, “có dân là có đất”; họ vừa giữ vai trò là “tai mắt” của quốc gia, của triều đình; họ cũng vừa chính là lực lượng sát cánh cùng nhân dân của nước đánh giặc và thắng giặc.
Nói tóm lại, người dân các vùng dân tộc thiểu số đã đóng góp một phần không nhỏ vào những thành công nổi bật mà vương triều Trần đã đạt được.