Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản: “PHÁ CƯỜNG ĐỊCH, BÁO HOÀNG ÂN”

Thứ sáu, 26/08/2022 16:58
(HĐHTVN)- Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trần Quốc Toản sinh năm 1267, được phong Hoài Văn Hầu khi mới 15 tuổi. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản là con của Vũ Uy Vương Trần Nhật Duy và bà Trần Ý Ninh. Trần Quốc Toản lớn lên trong cảnh đất nước chuẩn bị chống quân Nguyên sang cướp phá và xâm lược nước ta lần thứ hai
leftcenterrightdel
 Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản vì không được dự hội nghị Bình Than nên đã bóp nát quả cam (tranh minh họa)

Lá cờ thêu 6 chữ vàng: “PHÁ CƯỜNG ĐỊCH, BÁO HOÀNG ÂN”

Có một số tài liệu viết rằng Trần Nhật Duy là con trai của vua Trần Thái Tông. Nếu như vậy thì Trần Quốc Toản là cháu nội của vua Trần Thái Tông và là anh em con chú - con bác với vua Trần Nhân Tông.

Khi quân Mông Cổ xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất (1258), Trần Nhật Duy đang làm Tổng trấn biên giới phía Bắc. Sau khi giành chiến thắng quân Mông Cổ, vua Trần Thánh Tông cử Trần Nhật Duy và vợ là Trần Ý Ninh cùng một số tướng sang giúp nhà Tống, vì lo rằng nếu Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống, họ sẽ kéo sang đánh Đại Việt lần nữa.

Trần Quốc Toản được sinh ra ở đất Tống nên có nhiều bạn bè là con cháu trong hoàng tộc nhà Tống. Năm 1279, sau khi nhà Tống bị nhà Nguyên tiêu diệt hoàn toàn, một số người Tống kéo sang Đại Việt lánh nạn và giúp nhà Trần đánh giặc Mông - Nguyên. Một đội quân do hoàng tử Tống tên Triệu Trung cầm đầu chiến đấu dưới sự chỉ huy của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.

Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản cũng cầm đầu một đội quân khác chiến đấu dưới sự chỉ huy của tướng Trần Nhật Duật. Sau đó, Quốc Toản gặp và kết hôn với Triệu Ngọc Hoa, em gái của Triệu Trung. Vì lấy vợ Tống nên mặc dù trung nghĩa và lập được nhiều chiến công, Trần Quốc Toản chỉ được phong tước Hầu chứ không được phong tước Vương. Về sau khi khi Trần Quốc Toản qua đời thì được triều đình truy phong tước Vương

Tương truyền thuở nhỏ, Trần Quốc Toản rất ham mê cung kiếm, thao luyện võ nghệ, học tập binh thư và được Hưng Đạo Vương rất khen ngợi. Khi mới 15 tuổi, thiếu niên này đã hừng hực chí lớn muốn diệt giặc, bảo vệ sự toàn vẹn cho non sông đất nước. Trước khi Hoài Văn Hầu chào đời 10 năm, quân dân Đại Việt đã khiến giặc Nguyên - Mông thua tan tác. Biết rằng giặc Nguyên - Mông không bao giờ từ bỏ giấc mộng thôn tính Đại Việt, triều đình nhà Trần một mặt giảng hòa với nhà Nguyên, một mặt tích cực chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó.

Suốt từ năm 1258 trở đi, trong khoảng 1/4 thế kỷ, nhà Trần áp dụng phương sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng không kém phần cương quyết. Không ít lần vua Trần khéo léo từ chối những yêu sách quá quắt của Hốt Tất Liệt, hoàng đế Nguyên - Mông. Tuy nhiên, khi chúng ta càng nhân nhượng, nhà Nguyên càng tỏ rõ ý đồ và chuẩn bị cho cuộc tấn công vào nước ta.

Trước nguy cơ đó, tháng 10/1282, vua Trần Nhân Tông triệu tập Hội nghị Bình Than để bàn phương hướng kháng chiến và quyết định lực lượng. Do mới 16 tuổi, Hoài Vương Hầu không được mời dự hội nghị. Chàng thiếu niên này vẫn tới bến Bình Than, đòi được vào. Bị lính canh chặn cửa, Quốc Toản vặn hỏi: “Ta là Hoài Văn Hầu, quan gia truyền gọi tất cả Vương, Hầu tới họp. Ta là Hầu, cớ sao không cho vào?”.

Thấy chuyện ầm ĩ bên ngoài, Trần Nhân Tông hỏi ra mới biết chuyện, bèn cho người mang ban cho Hoài Văn Hầu một quả cam và khuyên lui bước vì chưa đến tuổi bàn việc nước. Về việc này, trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép: Vua thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết.

Sau đó, Quốc Toản lui về, huy động hơn ngàn gia nô và người dân, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, thêu lên cờ 6 chữ: Phá cường địch, báo hoàng ân (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Năm 1285, vua Trần Nhân Tông sai Chiêu Thành Vương, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đem một nhóm binh lính đón đánh quân Nguyên ở bến Tây Kết. Nhiều sử sách của Việt Nam không đề cập cái chết của Trần Quốc Toản, thời gian ông mất cũng chưa được thống nhất.

leftcenterrightdel
Ảnh bìa sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của Nxb. Kim Đồng

Từng bước làm sáng tỏ về ngày mất của Trần Quốc Toản

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Khi vào trận với giặc, Hoài Văn Hầu tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch. Theo sách “Việt sử kỷ yếu” khi Ô Mã Nhi đánh vào Vân Đồn để cướp lại lương thực, quân của Trần Quốc Toản và Trần Khánh Dư chống trả kịch liệt. Trần Quốc Toản bị thương trong trận đánh này và qua đời ngày 2/2 âm lịch, khi mới 18 tuổi.

Tuy nhiên thực tế Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản không hề tử trận. Về việc ghi chép rằng Hoài Văn Hầu mất trong trận đánh ở sông Như Nguyệt, có một phần nhiều là đến từ sách sử nhà Nguyên.

“Nguyên Sử” phần “An Nam truyện” có ghi chép rằng: “Quan quân (chỉ quân Nguyên) rút đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên (tức vua Thánh tông) sai Hoài Văn Hầu đến đánh”. “Kinh thế đại điển tư lục” ghi chép tiếp rằng: “Thoát Hoan chạy đến sông Như nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn Hầu đuổi theo. Giết được Hoài Văn Hầu”.

Thực tế cuốn “Kinh thế đại điển tư lục” có sự nhầm lẫn, người tử trận là Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện chứ không phải Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Cuốn sách này đã nhầm lẫn giữa hai người, nên thay vì Hoài Nhân Vương, thì lại nhầm thành Hoài Văn Hầu.

Theo nhiều gia phả của nhà Trần ghi chép thì trận “Như Nguyệt” chỉ có Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiệt tử trận, còn Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản sau được phong Hoài Văn Vương và sống thọ đến tận 92 tuổi.

Các sách sử sau này đều căn cứ theo cuốn “Kinh thế đại điển tư lục” nên cũng đều bị nhầm theo, chi tiết về cái chết cũng rất sơ sài.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi rất ngắn gọn: “Đến khi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản mất, vua rất thương tiếc, đích thân viết văn tế và gia phong tước Vương”.

Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện bị tử trận như thế nào?

Trần Quốc Kiện và Trần Quốc Toản đều là bậc thiếu niên thuộc dòng dõi hoàng thân quốc thích nhà Trần, tuổi cũng trạc nhau. Khi hội nghị Bình Than diễn ra, cả hai đã cùng đến xin được vào dự, nhưng đều bị từ chối do còn nhỏ tuổi.

Do cả hai người trạc tuổi nên khá thân thiết với nhau, trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, cả hai người lại cùng sát cánh chống lại quân giặc.

Gia phả của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc có ghi chép về cái chết của Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện. Chính Trần Ích Tắc viết rằng: “Trận Như Nguyệt, ngày 6/5, niên hiệu Chí nguyên thứ 22, Quốc Kiện đuổi theo chú, buông lời vô lễ. Giết Quốc Kiện.”

“Chú” ở đây chính là Trần Ích Tắc. Trong gia phả của mình, chính tay Trần Ích Tắc cầm bút viết rõ mình đã giết Quốc Kiện. Có thể lúc đó Trần Quốc Kiện cho quân đuổi tới, nhìn thấy Ích Tắc đã đầu hàng quân Nguyên - Mông nên có lời qua tiếng lại với chú của mình, Ích Tắc tức giận nên đã giết chết Quốc Kiện.

Các gia phả đều chép ngày giỗ Hoài Nhân Vương Quốc Kiện là 6 tháng 5. Ngày giỗ của Hoài Văn Vương Quốc Toản là 18 tháng 9. Ngày 6 tháng 5 cũng chính là ngày xảy ra trận đánh Như Nguyệt. Vậy thì người đã tử trận là Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện chứ không phải Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản.

Những chiến công oai hùng của Trần Quốc Toản

Các gia phả của Hưng Nhượng Vương, Hưng Vũ Vương, gia phả của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đều chép Trần Quốc Toản giết Toa Đô, bắt Ô Mã Nhi, đều là những chiến công oai hùng lúc đó.

Những chiến công này đều diễn ra sau trận đánh Như Nguyệt. Nếu Trần Quốc Toản thật sự tử trận vào ngày 6/5 thì làm sao có được những chiến công oai hùng như thế sau đó.

Đặc biệt, Trần Quốc Toản khi mới 19 tuổi đã đánh bại và giết được danh tướng thiện chiến bậc nhất của quân Nguyên là Toa Đô tại cửa Hàm Tử. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 3 năm 1288, tại trận Bạch Đằng, cũng chính Quốc Toản đã đánh danh tướng thiện chiến khác là Ô Mã Nhi rớt xuống sông, sau đó Đỗ Hành dùng câu liêm móc lên bắt sống Ô Mã Nhi.

Gia phả của dòng Hưng Vũ Vương, Hưng Hiếu Vương, Hưng Nhượng Vương, Hưng Trí Vương, Hoài Văn Vương đều có bài thơ ghi rõ những chiến công của Trần Quốc Toản như sau:

Tam tổ thị Hoài Văn,

Trí dũng thực vô biên.

Niên thiếu cam thống khổ,

Lao tù tại Trường Yên.

Ngự tứ Trấn Bắc kiếm,

Cửu độ phá ác Nguyên.

Truy Thoát Hoan Như Nguyệt,

Hàm tử trảm Toa Đô,

Bạch Đằng cầm Ô Mã,

Di dức vạn vạn niên.

Tạm dịch:

Tổ thứ ba là Hoài Văn Vương,

Trí dũng thực vô cùng.

Thời niên thiếu thống khổ,

Lao tù tại Trường Yên.

Được ban kiếm Trấn Bắc,

Chín trận phá giặc Nguyên.

Đuổi Thoát Hoan Như Nguyệt,

Hàm tử giết Toa Đô,

Bạch Đằng bắt Ô Mã,

Để đức lại vạn năm.

Bài thơ trên ghi rõ Trần Quốc Toản có “chín trận phá giặc Nguyên”, 9 trận này được nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ ghi chép lại từ gia phả họ Trần như sau:

1. Trận Đâu Đỉnh chặn đạo quân Nguyên dùng thượng đạo đánh úp Chi lăng. Quân Nguyên do Lý Hằng, Ô Mã Nhi chỉ huy (Cùng Hoài Nhân Vương).

2. Trận đánh chặn không cho Mông Cổ chiếm Thăng Long, để quân dân trong thành Thăng Long kịp thời di tản (cùng Hoài Nhân Vương).

3. Trận cùng Chiêu Minh Vương cứu viện Chiêu Văn Vương ở Thanh Hóa.

4. Trận tái chiếm Trường Yên.

5. Trận Tây Kết oai hùng (cùng Hoài Nhân Vương).

6. Trận tái chiếm Thăng Long trong lần chống quân Nguyên thứ 2 (cùng các tướng khác).

7. Trận đánh bại và truy đuổi Thoát Hoan ở Như nguyệt (cùng Hưng Đạo Vương, Hưng Ninh Vương, Hoài Nhân Vương).

8. Trận Hàm Tử, giết Toa Đô.

9. Trận Bạch Đằng bắt Ô Mã Nhi.

Nhưng riêng trong gia phả của Hưng Vũ Vương (con trai trưởng của Hưng Đạo Vương) còn bổ sung thêm 4 chiến công nữa là thành 13 (thập tam):

10. Trợ giúp Chiêm Thành bắt giam Vương Chiêm.

11. Đánh trận Hỏa giáp, phá đạo quân Sài Thung, bắt sống được Trần Di Ái (người đầu hàng quân Nguyên).

12. Cùng với Vũ Uy Vương đánh chặn Thoát Hoan ở phía Bắc.

13. Chiếm lại thành Thăng Long trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 3.

Vì vậy mới có câu thơ:

Hoài Văn thập tam chiến,

Uy vũ chấn Trung Nguyên.

 

---------------------------

Tài liệu tham khảo:

- https://danviet.vn

- https://khamphalichsu.com

 

TH
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực