Vua Trần Nhân Tông với nền ngoại giao thời bình và những thông điệp cho hậu thế

Thứ ba, 10/05/2022 14:37
(HĐHTVN) - Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích về tư tưởng, phong cách ngoại giao của Phật Hoàng - Trần Nhân Tông (Thời gian làm Vua: 1279 - 1293) cả trong thời chiến và trong thời bình khi chống lại quân xâm lược Mông - Nguyên. Qua đó để lại nhiều thông điệp cho hậu thế.
Bài viết nghiên cứu khoa học được in trong cuốn sách “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa”, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành năm 2019. Đây cũng chính là cuốn kỷ yếu của Hội thảo khoa học quốc gia “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa” do 3 đơn vị là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức năm 2019.

 

leftcenterrightdel
 Tượng Phật Hoàng - Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử

1. Mở đầu

Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc qua các cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên ở nửa sau thế kỷ XIII. Vì thế, nhắc đến ngoại giao thời ấy, chúng ta thường nghĩ đến nền ngoại giao thời chiến với tư cách là một mặt trận quan trọng góp phần làm nên những chiến thắng quân sự vẻ vang. Song, trước, trong và sau những cuộc chiến khốc liệt ấy, nền ngoại giao của dân tộc vẫn trải qua những khoảng thời gian hòa bình hiếm hoi và chính trong những khoảnh khắc ấy, bản chất hòa bình của nền ngoại giao dân tộc lại có dịp được bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Trên cương vị của một vị Vua cai trị đất nước suốt từ năm 1278 đến năm 1293, rồi trở thành Thái Thượng Hoàng trong hơn một thập kỷ tiếp theo (1293 - 1308), Trần Nhân Tông với trí tuệ uyên thâm của một nhà Nho và với tâm đức của một vị Vua - Phật đã lãnh đạo thành công nền ngoại giao của dân tộc và giành được nhiều thành công to lớn. Những thành công của Người trong bối cảnh đầy thử thách lúc bấy giờ đã thực sự truyền tải đi những thông điệp quý báu cho muôn đời sau, góp phần soi sáng nền ngoại giao thời bình của dân tộc trong bối cảnh mới.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Từ những đóng góp ngoại giao trong thời bình của Trần Nhân Tông

* Những hoạt động ngoại giao tiếp nối truyền thống của các triều đại đi trước

Dưới thời phong kiến của Việt Nam, hoạt động cầu phong và triều cống được xem là hai hoạt động ngoại giao quan trọng bậc nhất trong mối bang giao Việt - Trung thời bình. Dưới thời Trần Nhân Tông, điều này cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, năm 1278, thời điểm Trần Nhân Tông lên nối ngôi thay vua cha lại là thời điểm vô cùng đặc biệt. Bấy giờ, Đại Việt vừa giành chiến thắng vang dội sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên - đội quân từng bách chiến bách thắng trên khắp Á - Âu. Phải chăng vì thế mà khi lên nối ngôi, Trần Nhân Tông “chưa từng cầu phong Trung Quốc”[1].

Song, không phải vì vậy mà Trần Nhân Tông chủ quan, không duy trì mối quan hệ hòa hiếu với đại quốc Trung Hoa bởi hơn ai hết, Người am tường đối phương, hiểu được mưu đồ và tham vọng của họ và khát khao một nền hòa bình, an lạc cho muôn dân. Do đó, nối tiếp các triều đại phong kiến đi trước, trong thời gian cầm quyền của mình, Trần Nhân Tông đã nhún nhường nhận mình là “ngộ tiếm”[2] với Hoàng đế phương Bắc và nhiều lần cử sứ thần sang triều cống nước này. Cụ thể:

Vào năm 1291, vua Trần Nhân Tông sai Đại phu Nghiêm Trọng Duy và Trần Tử Trường sang cống triều đình Trung Hoa và tạ tội không vào chầu[3].

Một năm sau đó, vào tháng 8 năm 1292, Trần Nhân Tông lại cử Lệnh công Nguyễn Đại Phạp và Trung tán Hà Duy Nghiêm[4] sang nhà Nguyên tiến cống[5].

Đến tháng 9 năm 1293, Trần Nhân Tông tiếp tục phái Tể tướng Đào Tử Kỳ và Đại phu Lê Văn Táo đi triều cống và dâng biểu tạ ơn nhân dịp lễ Vạn thọ được ban kim sách[6].

Đáng lưu ý, cũng như các triều vua trước đấy, dưới thời Trần Nhân Tông, số lượng cống phẩm mà Việt Nam tiến dâng Hoàng đế Trung Hoa qua các lần đi sứ nêu trên là không hề nhỏ. Ví dụ, trong lần triều cống tháng 9 năm 1293, sứ thần Đại Việt dâng lên vua Nguyên “một tấm gấm, hai tấm đoạn và 20 tấm lụa sợi nhỏ năm màu. Một tấm chiếu gấm dệt màu, 50 tấm lụa nhỏ năm màu và 100 tấm lãnh năm màu một hòm đựng biểu gỗ sơn đỏ mạ vàng bạc cả khóa, một bộ yên cả bành ngồi nạm vàng, phần nạm vàng nặng 10 lạng, 7 chiếc đạc đồng mạ vàng, 1 cái ghế bằng sừng linh dương, 1 mâm bằng đá hoa nạm bạc mạ vàng, 2 bình lưu ly có nắp bằng vàng (nặng tất cả 1 lạng 6 tiền), một đôi cọc đèn bằng vàng nặng 14 lạng, 1 mâm bằng sừng tê nạm bạc mạ vàng, 1 chén bằng trầm hương nạm vàng có cả nắp và đế, 1 cái đĩa lá sen vàng, nắp và đế nặng 3 lạng 7 tiền, đĩa lá sen vàng nặng 5 lạng, 1 đĩa hình quả dưa bằng vàng nặng 6 lạng 8 tiền, 1 quả bầu bằng vàng nặng 10 lạng, 1 đĩa bằng sừng tê cả đế nạm vàng, nặng 4 lạng, 1 chén bằng sừng tê nạm vàng năng 5 tiền, một đĩa vàng nặng 4 lạng 3 tiền, một bộ thìa và đũa bằng vàng nặng 6 lạng,  thìa vàng 4 lạng, đũa vàng 1 lạng 3 tiền, một cái nỉa xóc thịt bằng vàng, 4 tua rũ bằng vàng tốt (chân kim), một bàn cờ bằng gỗ có vân và xương voi có nạm bạc mạ vàng, dây vàng 3 lạng, 1 tráp bạc mạ vàng nặng 10 lạng 8 tiền, 5 cái sừng tê màu đen với 5 cái ghế bằng gỗ vẽ, 5 cái chiêng vàng nặng tất cả 100 lạng, 10 cái chiêng bạc nặng tất cả 300 lạng, hai cái bình bạc đựng dầu tô hợp hương, dầu nặng tất cả 163 lạng, bình nặng tất cả 79 lạng”[7].

Rõ ràng, việc cống phẩm lúc này không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt chính trị và mang tính tượng trưng mà còn chứa đựng giá trị kinh tế trong đó. Điều này cũng thể hiện sự nhún nhường, mềm dẻo của nhà Trần, đặc biệt là của Trần Nhân Tông với tư cách là người đứng đầu đất nước, trong nỗ lực duy trì mối quan hệ bang giao hòa hảo với đại quốc Trung Hoa. Do đó, có thể nói, hành động ấy xét “về danh nghĩa, nó biểu thị thái độ nước nhỏ phải kính trọng nước lớn. Về thực chất, nó là cái giả phải trả cho quyền độc lập, tự do, thứ mà người Việt Nam không bao giờ muốn mất”[8].

Bên cạnh hoạt động triều cống theo định kỳ, Trần Nhân Tông còn nhiều lần cho lễ sính Trung Hoa hoặc sang xin kinh Đại Tạng như là một phương cách để gia tăng mối giao hảo giữa hai bên.

Đó là vào năm 1290, khi Trần Thánh Tông chết, Trần Nhân Tông đã cử Ngô Đình Giới sang nhà Nguyên báo tang. Tiếp đó, vào tháng 3 năm 1293, sau khi đoàn sứ thần Trung Quốc Lương Tăng Trần Phu trở về, Nhân Tông sai bồi thần là Đào Tử Kỳ sang Trung Quốc lễ sính. Đào Tứ Kỳ không may đã bị nhà Nguyên lưu lại Giang Lăng để chuẩn bị cho kế hoạch tiến đánh Đại Việt. Rất may, Hốt Tất Liệt chết nên kế hoạch đó đã bị hủy bỏ[9]. Đến năm 1295, Trần Nhân Tông còn cử Nội viên ngoại lang Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo đem quốc thư sang Trung Quốc xin Kinh Đại Tạng nữa. Trong bức quốc thư, Trần Nhân Tông đã viết: “Thần ở cõi viêm bang hoang vu, sớm đã quy y Phật pháp, chuộng kinh lá bối truyền tự Trung Hoa. Thời Đường - Tống trước đây, chở kinh sang bằng đàn ngựa trắng. Ngày đại binh kéo đến, lửa thiêu hóa đống tro tàn”, nay nhân dịp “Mùa xuân tháng Hai, ngày mồng 1, sứ Nguyên là Tiêu Thái Đăng sang, vua sai Nội viên lang Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo cùng đi với, thu được bộ kinh Đại tạng đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hành”[10]. Có thể nói, với hành động này, một lần nữa, Trần Nhân Tông đã làm dịu lắng những bất đồng, căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước, tỏ rõ sự tôn trọng, ngưỡng mộ của mình đối với nền văn hóa lâu đời của đối phương. Hành động ấy cũng đã toát lên sự khéo kéo, tinh tế, mềm dẻo trong ứng xử ngoại giao của Người.

- Trần Nhân Tông với hoạt động đón tiếp sứ thần trong thời bình

Bên cạnh hoạt động cử sứ thần sang Trung Quốc cống - sính, suốt hơn 15 năm trị vì của mình, đặc biệt trong khoảng thời gian hòa bình giữa hai quốc gia, Trần Nhân Tông nhiều lần tiếp đón sứ thần Trung Quốc sang Đại Việt và lần nào sứ thần nước bạn cũng đưa ra nhiều yêu sách phi lý dành cho vua quan nhà Trần nói chung và Trần Nhân Tông nói riêng, từ việc mượn quân lương đi đánh Chiêm Thành đến việc yêu cầu Trần Nhân Tông phải đích thân sang chầu để tỏ rõ sự “thần phục” với “Thiên tử” đại quốc. Dù lần nào Trần Nhân Tông cũng cho tiếp đãi sứ thần đại quốc rất trọng thị, thể hiện thiện chí, sự tôn trọng và tinh thần hiếu khách hết mực, song, lần nào Người cũng khéo léo chối từ những yêu cầu ngang ngược, vô lí của đối phương, trước sau như một giữ vững thể diện của dân tộc, khiến đối phương không thể khinh nhờn.

Bấy giờ, vào cuối năm 1283, Triệu Chữ đã sang Đại Việt theo lệnh của nhà Nguyên. Đến nơi, Triệu Chữ yêu cầu vua Trần giúp quân lương để tấn công Chiêm Thành và sang Trung Quốc vào chầu “Thiên tử”[11]. Song, Trần Nhân Tông đã khéo léo đưa thư chối từ cả 3 yêu cầu ấy khi viện dẫn những khó khăn mà đất nước và bản thân mình đang gặp phải: “Về việc giúp quân... Từ khi cha tôi quy thuận Thiên triều đến nay đã 30 năm, vũ khí không dùng nữa, quân lính được về làm dân. Như thế là một phần để giúp vào việc dâng cống thiên triều, một phần để tỏ ra không có ý gì khác... Về việc giúp lương thì nước mọn chúng tôi địa thế giáp biển, ngũ cốc không nhiều. Từ sau khi đại quân đi rồi trăm họ xiêu dạt. Thêm vào đó lại bị hạn hán, lụt lội, sáng no chiều đói, ăn uống không đủ... Còn về lời truyền bảo kẻ côi cút này tự mình đến nơi cửa khuyết để vâng lời giáo huấn, như lúc cha già còn sống thiên triều đã xót thương mà cho được ngoài quy định. Nay cha già đã mất, kẻ côi cút này đang chịu tang, nhiễm bệnh đến nay còn chưa hồi phục. Huống hồ kẻ côi cút này sinh trưởng ở nơi hẻo lánh, chẳng chịu được nóng lạnh, không quen thủy thổ, đường sá gian lao, e phơi xương trắng. Đến bọn bồi thần của nước mọn chúng tôi qua lại còn bị khí độc xâm hại, hoặc chỉ sống được năm sáu phần, hoặc chết đến quá nửa, các hạ cũng đã biết rõ điều đó; chỉ mong thương giúp mà tâu bày với thiên triều, ngõ hầu thiên triều hiểu cái ý tham sống sợ chết của kẻ côi cút này cùng hết thảy tông tộc quan lại”[12].

Sáu năm sau đó (1289), An Nam chí lược chép thêm sự kiện Sơn Bắc Lưu Đông Đạo Đề hình Án sát sứ Lưu Đình Trực, Lễ bộ Thị lang Lý Tư Diễn, Binh bộ Thị lang Vạn Nô, được lệnh đi sứ An Nam, một lần nữa đem chiếu vừa đe dọa vừa dụ dỗ Trần Nhân Tông vào chầu và thả hết các tù binh nhà Nguyên về nước, trong đó bao gồm Ô Mã Nhi[13]. Đây là một vài đoạn trong bức thư của Hốt Tất Liệt gửi vua Trần Nhân Tông thông qua sứ đoàn do Lưu Đình Trực dẫn đầu: “Ta coi muôn nước, cả đức lẫn uy đều dùng. Ngươi tiếng là hướng theo, nhưng thực chưa đến chầu. Nhiều lần có thư mời lại lấy cớ đau mà từ chối. Đến khi sai chú ngươi tạm giữ nước thì ngươi công nhiên chống trái, dám làm chuyện chuyên giết. Còn đến việc A Lý Thái Nha đi đánh Chiêm Thành, tới nước ngươi mượn đường truyền sửa đến cầu, chuyển vận cỏ thóc, ngươi không những thất tín mà còn cự lại quân ta. Việc như thế, nếu không đánh, phép vua còn đâu? Dân nát nước tan, thực sự ngươi gây lấy”. Không chỉ đổ lỗi gây ra chiến tranh do phía nhà Trần, Hốt Tất Liệt còn đe dọa Trần Nhân Tông để buộc nhà vua phải sang chầu “Thiên Tử” Trung Hoa: “Nếu quả có lòng thành, sao không đến đây gặp mặt bày tỏ? Sao có chuyện nghe sai tướng đến thì lại lo trốn chạy. Hễ thấy rút quân thì lại lên tiếng vào cống. Lấy chuyện ấy mà thờ kẻ trên, lòng giả dối có thể biết được. Ngươi thử nghĩ nếu cứ sống lẻn lút trên non, dưới biển lúc nào cũng lo tai họa bị quân tiến đánh, thì sao bằng vào sân vua chịu mệnh để hưởng ân sủng quang vinh mà trở về. Trong hai chước đó, chước nào hay chước nào dở? (...) nếu ngươi sửa soạn sang ngay, tỏ đủ nghĩa bề tôi, thì ta sẽ tha hết lỗi trước, phục hồi cho ngươi các tước phong cũ. Nếu còn chần chừ nghi ngại thì dứt khoát khó mà tha thứ. Hãy sửa sang thành quách ngươi, mài giũa binh giáp ngươi, cho các ngươi tự ý làm, chờ ta đưa quân tới”. Cũng trong bức thư, Hốt Tất Liệt còn lớn tiếng ra lệnh cho Trần Nhân Tông trả lại tù binh để nhà Nguyên xử lí, trong đó theo Hốt Tất Liệt, cả bọn quan quân Ô Mã Nhi, Toa Đô cũng phải được trả về “như thế mới tỏ được lòng trung thuận… Bọn ấy nếu có việc gì cần xử lý, ta sẽ xử lý hoàn bị. Ngươi hãy đưa trả bọn họ về đầy đủ”[14].

Đứng trước những lời lẽ cương cường cao ngạo và đầy tính đe dọa như vậy, Trần Nhân Tông vẫn vượt thắng được cơn giận thường tình mà bĩnh tĩnh, nhẹ nhàng, vui vẻ tiếp đãi sứ thần nhà Nguyên. Chính Từ Minh Thiện đã ghi lại trong Thiên nam hành ký về việc đón tiếp sứ thần Trung Hoa của nhà Trần lúc bấy giờ như sau: “Ngày 28 tháng 2 năm Kỷ Sửu (Chí Nguyên) 26 (1289) đến cửa thành nước ấy, em thế tử là thái sư ra đón..., rồi lên ngựa về quán dịch. Ngày 29, thế tử và sứ giả gặp nhau. Sau quán dịch có nhà lầu, Thế tử đi cửa sau vào trước trong nhà, mở cửa giữa mời sứ vào, chào hỏi chúc mừng nhà vua muôn tuổi, sứ giả đi đường bình yên. Ngày mồng 1 tháng 3, đem đủ cờ xí, tán vàng, kèn trống, đón chiếu thư vào vương thành. Đến cửa điện thì xuống ngựa rồi vào. Đó là điện Tập Hiền, làm lễ xong đãi yến sứ giả hai ngày”[15]. Đó là chưa kể vua Trần Nhân Tông còn tặng biếu vàng bạc cho đoàn sứ giả này. Dù vậy, mọi yêu sách ngang ngược, vô lý của Hốt Tất Liệt đều bị khước từ.

Không dừng lại ở đó, đến năm sau (1289), vua nhà Nguyên sai Lý Tư Diễn sang Đại Việt ban dụ chiếu “tha tội”, phong cho vua Trần Nhân Tông là An Nam Quốc vương và không quên yêu cầu vua tôi nhà Trần trả lại các tướng lĩnh bị bắt làm tù binh, thả họ về nước. Trần Nhân Tông dành tặng Lý Tư Diên bài thơ, vừa bày tỏ sự biết ơn của mình đối với đại quốc:

“Ơn nhà Hán như mưa móc tràn trề khắp nơi,

Chim phượng ngậm tờ chiếu đỏ xuất hiện nơi đám mây hồng”.

Đồng thời, Người còn thể hiện niềm mong ước về một nền hòa bình lâu dài cho cả hai dân tộc, ngầm khẳng định sự bình đẳng của hai bên dưới “trời đất” này.

Mảnh đất mới mở rộng cũng có hòa khí,

Kéo sông Ngân Hà rửa sạch bụi chiến tranh.

Trời đất vốn một lòng yêu thương không phân biệt Nam, Bắc,

Còn lo gì gặp bước gian truân gió mưa sấm sét![16]

Đến năm 1291, Trần Nhân Tông lại tiếp tục đón tiếp sứ thần Trung Quốc - Trương Lập Đạo[17]. Đây là viên sứ thần có nhiều kinh nghiệm đi sứ nước Nam, đã từng hai lần sang sứ Đại Việt vào các năm 1267, 1271. Cũng như những lần trước, thông qua đoàn sứ giả của mình, vua Nguyên đã gửi chiếu thư dọa nạt vương triều Trần với lời lẽ trịnh thượng của nước lớn: “nước nào kháng cự không phục tùng thì bị tiêu diệt” và đồng thời không quên dụ dỗ vua Trần Nhân Tông sang chầu như nhữg lần trước đó: “Khanh như biết thân hành sang chầu triều, thì những phù ấy về tước vua, ta sẽ cho cả không tiếc gì, đất đai và nhân dân ngõ hầu được bảo tồn vĩnh viễn”[18]. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều lần sứ thần Trung Quốc sang Đại Việt đều thay mặt hoàng đế Trung Hoa yêu cầu vua Trần Nhân Tông sang chầu như vậy, bởi với Trung Quốc hiện giờ thì “duy có Nhật Nam là nước nhỏ bé, bề ngoài tuy làm chư hầu, chịu lễ cống tiến, không hề thiếu, chưa hết lòng thành”[19], còn Vua của các nước nhỏ bé khác đều đã đích thân sang chầu “Thiên tử”. Dù lần này, Trương Lập Đạo đã dùng những lời lẽ mềm mỏng hơn để yêu cầu vua Trần Nhân Tông sang chầu và bản thân Trần Nhân Tông đã tổ chức tiếp đón sứ thần Trương Lập Đạo rất ân cần “có đại nhạc tấu ở điện hạ, tiểu nhạc tấu ở điện thượng, la liệt các thứ rượu, các loại trái cây quý lạ và các món ăn cá thịt, hải vị đãi đủ tám bàn, thỉnh thoảng mời ăn cau trầu têm với vôi hàu. Vua luôn luôn tiếp lời, làm thơ để tặng. Lập Đạo ngay tại bàn tiệc làm thơ đáp lại”, song rốt cục, Trần Nhân Tông vẫn từ chối sang chầu “Thiên tử” Trung Hoa: “Nước tôi quy phụ Thiên triều đã ba mươi năm, lòng thờ nước trên, không khi nào quên lãng, thường năm dâng lễ vật, không hề bỏ thiếu, kể từ đời ông đời cha cho đến ngày nay, trước sau đi một con đường… Duy có việc không đi chầu, cũng chẳng có cớ gì khác, thật chỉ vì ham sống sợ chết, thấy đường sá xa xôi hiểm trở, khí núi rất độc, đi ngoài muôn dặm mà bất phục thủy thổ, nếu chết ở giữa đường, thì có ích gì cho Thượng quốc không?”[20]. Khước từ như vậy nhưng Người cũng đã khéo léo bày tỏ niềm kính trọng của mình đối với Hoàng đế đại quốc để xoa dịu sự bất mãn của đối phương: “Chúng tôi nghĩ rằng ở dưới trời, chỗ nào cũng đất của vua, ở trên bờ đất, ai ai cũng phục tùng nhà vua. Nước An Nam đã làm nhân dân của Thiên Tử, không có chí hướng gì khác nữa, đức Thiên Tử lấy bốn bể làm nhà, tuy nước tôi không tới chầu, nhưng ở trong cảnh thổ, thì cũng là một hạ thần của xã tắc vậy”[21]. Dù vậy, mục tiêu cuối cùng của đoàn sứ thần giàu kinh nghiệm do Trương Lập Đạo dẫn đầu một lần nữa lại thất bại trên đất Việt. Trần Nhân Tông nhất định không sang chầu “Thiên Tử” Trung Hoa.

Đến tháng 9/1292, sau khi sứ đoàn Trương Lập Đạo thất bại trở về, nhà Nguyên tiếp tục cử Lương Tăng (cũng phiên âm là Lương Tằng), Trần Phu đi sứ Đại Việt. Đây là lần thứ tư vua Nguyên yêu cầu vua Trần Nhân Tông phải sang chầu với những lời lẽ mang tính đe dọa: “Nếu nói con côi đang để tang và sợ chết dọc đường mà không dám vào chầu thì trong loài hữu sinh có loài nào an toàn trường cửu được chăng? Trong thiên hạ có chốn nào bất tử chăng?”[22]. Song, lại thêm một lần nữa, vua Trần Nhân Tông viện lí do để chối từ yêu cầu ấy: “…Trong đời thân phụ tôi, không may quân tướng ở biên giới làm loạn, nhưng đối với việc phụng sự thượng quốc vẫn thủy chung như một. Khi đến đời tôi, tự thay cha tôi giữ bờ cõi, may được Thiên triều thương đến; hơn nữa lại biết tôi sinh trưởng ở xứ xa ngút, không phục thủy thổ, không quen nắng mưa, các sứ thần ở tiểu quốc qua lại, thường thường trong mười người, vì lam chướng mà chết sáu bảy người. Nếu không biết tự lượng sức mình, thì chỉ chết dọc đường, rốt lại không ích lợi gì cả. Vả lại, tiểu quốc là một nước mọi rợ, phong tục bạc ác, hễ một ngày xa cách, thì anh em mặc dầu, cũng không dung thứ cho nhau. Thánh Thiên Tử nhân nuôi loài vật, thương kẻ cô đơn, tuy một người tôi ở tiểu quốc, cũng không nỡ bỏ sót, huống chi ông cha tôi đời đời phụng sự triều đình, không nỡ nào khiến tôi liều phơi thịt xương, bỏ hoang xã tắc”[23]. Không chỉ khi đang làm Vua, ngay khi đã lui về làm Thái Thượng Hoàng, Trần Nhân Tông vẫn đích thân chỉ huy việc đón tiếp sứ thần phương Bắc nhân dịp đoàn sứ thần sang Đại Việt vào tháng 2 năm 1295. Bấy giờ, sứ đoàn nhà Nguyên dẫn đầu là Lý Hành và Tiêu Thái Đăng đã được cử sang Đại Việt thông báo việc vua Thành Tông nhà Nguyên lên ngôi và đã cho bãi binh. Trong lần đón tiếp này, không những chỉ đạo việc đón tiếp sứ thần Trung Quốc chu đáo mà khi sứ thần ra về, chính thượng hoàng Trần Nhân Tông còn trực tiếp viết thư phúc đáp gửi cho Nguyên Thành Tông tỏ rõ sự tôn trọng của mình đối với Hoàng đế đại quốc, bày tỏ mong muốn duy trì mối quan hệ hòa hảo giữa hai bên.

Như vậy, dù sứ thần Trung Hoa sang Đại Việt luôn tỏ thái độ cao ngạo và đưa ra nhiều yêu sách vô lí, song chưa lúc nào Trần Nhân Tông không ân cần tiếp đón họ. Người đã lấy lòng từ và lễ nghĩa để đối đãi, đồng thời cũng mềm dẻo, khéo léo khước từ những yêu sách phi lí của đối phương ảnh hưởng đến thể diện của cả dân tộc.

- Ứng xử ngoại giao của Trần Nhân Tông sau khi chiến tranh khép lại

Vào năm 1288, ngay khi chiến tranh vừa kết thúc với thắng lợi vang dội, vua Trần Nhân Tông đã tích cực, chủ động cử Trần Khắc Dụng đi sứ nhà Nguyên. Trong tờ biểu dâng hoàng đế nhà Nguyên năm ấy, Trần Nhân Tông đã khéo léo chỉ ra tội ác của giặc với những lời lẽ mềm mỏng nhưng không kém phần cương cường, thẳng thắn: “Đến năm Chí Nguyên thứ 23 (1286) Bình chương A Lý Hải Nha ham lập công nơi biên viễn, làm trái thánh chiếu. Vì vậy làm cho sinh linh nước mọn một phương phải chịu cảnh lầm than...

Mùa đông năm Chí Nguyên thứ 24 (1287) lại thấy đại quân theo hai đường thủy bộ tiến sang, thiêu hủy chùa chiền trong nước, khai quật phần mộ tổ tiên của chúng thần, sát hại già trẻ chúng dân, đập phá sản nghiệp của trăm họ, không việc tàn hại nào là không làm. Tham chính Ô Mã Nhi thống lĩnh binh thuyền đã lâu, nay lại riêng ở nơi biển cả, bắt hết dân ven biển, kẻ lớn thì bị giết chết, kẻ nhỏ thì bị bắt đi, thậm chí treo ngược róc thịt, thân một nơi đầu một nẻo; trăm họ bị bức đến chỗ chết, bèn dấy lên cái họa của con thú cùng đường. Vi thần sợ lụy đến mình nên đích thân đến ngăn lại, ngặt nỗi đường xa nên không kịp”.

Mặt khác, vua trần Nhân Tông còn bày tỏ thiện chí hòa bình của mình thông qua việc bàn luận về vấn đề trao trả tù binh và các tướng giặc bị bắt. Tờ biểu có đoạn viết: “…Thấy bách tính đưa đến một người là đại vương Tích Lệ Cơ, nói là bậc quý thích của đại quốc. Thần từ hôm đó đã lấy lễ đối đãi rất thận trọng, kính hay không kính thì đại vương tất rõ. Còn những hành vi tàn bạo của Ô Mã Nhi, đại vương trông thấy tận mắt, thần không dám nói dối. Tiểu quốc thủy thổ độc, viêm chướng nhiều, thần lo ở lại lâu ngày tướng và lính của đại vương sẽ sinh ra bệnh tật, tuy thần có hết sức phụng dưỡng cũng không khỏi bị bọn tham công ngoài biên cương vu tấu đặt điều cho mang tội. Vì vậy thần xin sắm đủ lễ vật đi đường, sai người đưa đại vương lên biên giới để về quý quốc… Ngoài ra đại quân cũng rớt lại (!) hơn nghìn người, thần đã ra lệnh cho về nước hết, sau này nếu còn tìm được người nào, thần cũng sẽ cho về nước hết”[24].

Căn cứ theo tờ biểu nêu trên, hơn 1000 tù binh giặc bị bắt sẽ được trả về nước. Hành động này của Trần Nhân Tông đã thể hiện sinh động tấc lòng từ bi độ lượng với những người đã quy hàng, hối cải. Người đã không sân si thù ghét những kẻ gây ra bao tội lỗi mà đã nỗ lực khai mở cho họ một con đường sống. Và con đường ngoại giao mềm mỏng ấy ắt hẳn đã làm dịu đi tư tưởng “phục thù” của đối phương, gỡ lại phần nào “thể diện” cho nước lớn Trung Hoa sau thất bại ê chề ở nước Nam. Lối hành xử ngoại giao ấy đã thêm một lần nữa tôn lên chiến thắng quân sự vẻ vang trước đấy của toàn dân tộc, khiến cho những kẻ nợ máu với dân phải nghiêng mình nể phục - sự nể phục đến từ trong Tâm.

Không chỉ nỗ lực duy trì hòa khí với nước lớn Trung Quốc, mà với nước nhỏ hơn như Chiêm Thành, Trần Nhân Tông cũng có hành động tương tự như vậy. Sau chiến thắng chống quân Nguyên xâm lược, Trần Nhân Tông đã tiến hành một đợt trao trả “các tù binh Chiêm Thành từng theo Toa Đô như bọn Ba Lậu Kê Na Liên”[25], khoan dung độ lượng với những kẻ lầm đường lạc lối. Cách hành xử đó cũng như sự khước từ cấp lương, binh cho nhà Nguyên, không cho nhà Nguyên mượn đường đánh Champa, mà lại cung cấp thêm binh lương cho Champa[26] của Trần Nhân Tông trong khoảng thời gian diễn ra chiến tranh trước đó, đã thể hiện sự nhất quán trước sau như một trong mục tiêu hòa bình, “nhân quần hòa hợp, chúng sinh an lạc” của Người. Cũng chính tư tưởng này đã thôi thúc Người mở cuộc vân du Champa trong một thời gian dài suốt 9 tháng, bắt đầu từ tháng 3 năm 1301. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, có một vị nguyên thủ đã tự thân hành đặt chân sang nước bạn để “hóa độ cho nước lân bang”. Chính vì lẽ ấy, khi “Vua nước Champa biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước”[27]. Điều đáng nói, để tạo dựng mối quan hệ hòa hợp bền vững hơn giữa hai dân tộc Việt - Chăm, Trần Nhân Tông vượt qua được trở lực khó khăn nhất để chiến thắng “cái tự ngã” của mình nhằm xây đắp nên một cuộc hôn nhân kì thú giữa Huyền Trân công chúa và vua Champa - Chế Mân. Đặt trong bối cảnh phải gửi con gái lấy chồng phương xa, bị giới quan lại dị nghị “đều cho là không nên”[28], thậm chí nhiều người còn mỉa mai, chê cười[29], Trần Nhân Tông đã bứt phá khỏi sự kì thị chủng tộc đang phổ biến trong giới triều thần Đại Việt, thấm nhuần sâu sắc tinh thần bình đẳng chứa đựng trong tư tưởng đạo Phật “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ; không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn”[30] để xây đắp nên cuộc hôn nhân đặc biệt này. Điều đáng nói, hai châu Ô, Lý đã được sáp nhập vào Đại Việt bằng chính con đường hòa bình, không phải bằng chiến tranh, đổ máu. Tinh thần hòa bình, tôn trọng nguời dân nước bạn, đặt hai dân tộc Việt - Chăm trong thế bình đẳng ấy đã tiếp tục được phát huy trong các chính sách an dân ở vùng đất mới của vua quan triều Trần trong giai đoạn tiếp sau.

2.1. Đến những thông điệp của Trần Nhân Tông cho nền ngoại giao thời

bình hiện nay

- Nền ngoại giao của nhân dân và vì nhân dân

Là người vừa hiểu rõ những gì cốt tủy nhất của giáo lý đạo Phật, cũng là người suốt một nửa cuộc đời xông pha trên chiến trường, mang lại an lạc cho muôn dân, hơn ai hết, Trần Nhân Tông nhận thức rất sâu sắc vai trò của dân trong công cuộc ngoại giao. Với Trần Nhân Tông, một nền ngoại giao muốn mạnh phải dựa trên sức mạnh của nhân dân và đến lượt mình, nền ngoại giao ấy cũng vì nhân dân mà hành động. Vì nhân dân, Trần Nhân Tông đã vượt qua được trở lực lớn nhất là chính mình, chiến thắng được cái “tự ngã” của mình để bao lần nhún nhường, mềm mỏng trước thái độ cương cường cao ngạo của vua quan Trung Quốc. Hành động Người nhún nhường tự nhận việc nối ngôi của mình là “ngộ tiếm”[31] và không ít lần cử sứ thần sang triều cống, lễ sính Trung Hoa trong thời bình để “xoa dịu” “Thiên tử” đại quốc là minh chứng sinh động cho tư tưởng “hòa hợp nhân quần” ở vị Vua - Phật Trần Nhân Tông.

Tư tưởng hòa hợp để an dân ấy cũng khiến Trần Nhân Tông lựa chọn cho mình một con đường hòa bình trên hành trình mở cõi phương Nam dẫu bản thân phải chịu bao áp lực và sự chống đối từ nhiều phía. Có thể nói, nguyên lý ngoại giao nhân dân ấy đã thực sự trở thành nguyên lý tảng nền và chi phối đến mọi hoạt động ngoại giao của Trần Nhân Tông thời bấy giờ.

- Từ ngoại giao nhân dân đến ngoại giao tâm công

Nhắc đến tâm công là nhắc đến phương pháp thu phục lòng người bằng chính nghĩa, bằng nhân tình, thuyết phục con người bằng chính lẽ phải và đạo lý. Với Trần Nhân Tông - một con người mang tâm đức Phật, thì mỗi người đều vốn có thiện lương, chỉ cần buông dao bỏ xuống thì ai cũng có thể tu hành thành Phật. Hết thảy mọi tội ác con người gây ra đều là do nơi vô tri (Phật giáo gọi là vô minh) dẫn dắt mà sinh ra. Do vậy, hơn ai hết, Người hiểu rằng: Nếu hết lòng khuyên bảo, đêm ngày khai đạo chỉ bảo cho chúng sinh thay đổi tâm tính thì thiện tâm trong mỗi người sẽ được khơi dậy. Phải chăng đó chính là căn nguyên của lối hành xử đầy thiện chí hòa bình của Trần Nhân Tông trong những lần tiếp sứ phương Bắc hay với tù binh sau chiến tranh. Qua diễn biến những lần đón tiếp sứ thần phương Bắc, chúng ta thấy luôn tồn tại hai thái cực trong thái độ ứng xử của hai bên. Nếu sứ thần phương Bắc mang theo cái cương cường cao ngạo của “Thiên triều” Trung Hoa sang Việt Nam, đặt ra nhiều yêu sách ngang ngược, phi lý, thậm chí là dùng lời lẽ đe dọa để vua Trần Nhân Tông phải sang chầu, thì Trần Nhân Tông lại luôn khéo léo, nhẹ nhàng, mềm mỏng trong ứng đáp và vẫn nhiệt tình, chu đáo hậu đãi sứ đoàn đại quốc. Những vần thơ đề tặng sứ giả Trương Hiển Khanh, họa lại thơ của sứ thần Kiều Nguyên Lãng hay tiễn biệt Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai…; những bữa tiệc chiêu đãi sứ thần một cách ân cần, chu đáo; những tặng vật được chuẩn bị kĩ càng dành cho sứ đoàn… tất cả đều chứa đựng trong đó một thông điệp hòa bình. Trần Nhân Tông đã lấy lòng từ để đối đãi, lấy sự mềm mỏng, nhẹ nhàng để đáp lại sự cao ngạo của đối phương và dẫu ít hay nhiều, nó cũng đánh thức cái tâm thiện lương vốn có trong mỗi một con người.

Đặc biệt, lòng từ bi, nhân ái ấy được kết tinh trong nghĩa cử tuyệt đẹp trao trả tù binh sau chiến tranh. Người đã phóng thích 5 vạn tù binh sau chiến thắng Tây Kết, không những với quân lính mà ngay đến các tướng lĩnh cao cấp của nhà Nguyên như Sầm Đoạn, Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ… cũng được mở ra một con đường sống. Hành động ấy của Trần Nhân Tông đã thể hiện một cách chân thực và trọn vẹn nhất đức từ bi hiếm có của vị Vua - Phật. Chính tâm từ bi ấy đã cảm hóa được lòng người, nhiếp phục được tinh thần hiếu chiến của triều đình phong kiến Trung Hoa. Chính tâm từ bi ấy đã khiến cho nền hòa bình của nhân dân thêm trọn vẹn. Rõ ràng, trong nguyên lý ngoại giao tâm công ấy của Người bừng sáng lên tinh thần hòa giải - yêu thương - hướng thiện và nguyên tắc không truy tầm của một vị vua mang tâm đức Phật.

- Tùy duyên bất biến - nguyên tắc được Trần Nhân Tộng vận dụng xuyên suốt trong ứng xử ngoại giao

Chính tư tưởng “Tùy duyên bất biến” này đã mang đến sự linh hoạt trong ứng xử ngoại giao của Trần Nhân Tông. Đặt độc lập dân tộc, nhân quần hòa hợp và chúng sinh an lạc thành mục tiêu bất biến, Trần Nhân Tông đã mềm dẻo, thiên biến vạn hóa tùy vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Lúc cần thiết, người sẵn sàng mềm mỏng, lấy nhu thắng cương mà triều cống, lễ sính Trung Quốc. Song, khi đứng trước những yêu sách ngang ngược, phi lí của giặc, đe dọa đến thể diện của dân tộc, Trần Nhân Tông sẵn sàng khước từ. Bởi thế, dẫu nhà Nguyên 4 lần cho sứ thần yêu cầu Trần Nhân Tông sang chầu để thể hiện sự “quy thuận” với “Thiên tử” đại quốc, song cả 4 lần Trần Nhân Tông đều đưa ra lí do hợp lý để từ chối yêu cầu ấy. Hay, khi nhà Nguyên viện cớ nước lớn mà đề đạt Đại Việt phải cho mượn đường, mượn lương, binh để đánh Champa, Trần Nhân Tông đã kiên quyết không đồng ý bởi hơn ai hết, Người hiểu: Điều này sẽ đe dọa đến cái bất biến là hòa bình, độc lập của muôn dân. Đó chính là sự cụ thể hóa tư tưởng: trước sau không chấp nhận “trì giới và nhẫn nhục” - một tư tưởng mang đậm dấu ấn của phái Thiền Trúc Lâm do chính Trần Nhân Tông sáng lập. Rõ ràng, với tư cách là một nước nhỏ, Trần Nhân Tông thấu hiểu cần phải có sự mềm mỏng, nhún nhường với đại quốc ở sát cạnh, nhất là khi đại quốc thường xuyên có mưu đồ bành trướng, xâm lăng. Song điều đáng nói, Người biết xác định giới hạn của sự nhân nhượng ấy - cái giới hạn mà nếu vượt qua nó thì tính bất biến sẽ mất đi. Hay nói cách khác, đó chính là sự nhân nhượng có nguyên tắc, kính mà không hèn, nhịn mà không thua, bằng mọi giá không để đánh mất chính mình. Cách hành xử ấy của Người chính là biểu hiện cụ thể, đầy sinh động của tư tưởng “tùy duyên bất biến” giản dị nhưng gói trọn cái tinh yếu của dòng Phật Đại Việt đương thời.

3. Kết luận

Hơn 700 đã trôi qua nhưng những thông điệp ngoại giao của Trần Nhân Tông vẫn còn vẹn nguyên giá trị, bởi xét đến cùng, mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc hay giữa Việt Nam và các nước lân cận xưa cũng như nay đều thuộc quỹ đạo chung của mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ, giữa các nước láng giềng cùng chung đường biên giới, cho dù ở mỗi thời đoạn lịch sử thì những mối quan hệ ấy sẽ mang những sắc thái riêng, dấu ấn riêng. Xưa cũng như nay, một nền hòa bình bền vững, một cuộc sống an lạc cho muôn dân luôn là đích đến của những những nhà lãnh đạo đất nước có Tài - Đức, và mục tiêu ấy chỉ có được khi dựa trên hạt nhân tư tưởng Hòa giải - Yêu thương - Hướng thiện mà Trần Nhân Tông đã từng theo đuổi suốt cuộc đời mình. Trên hạt nhân tư tưởng ấy, Trần Nhân Tông đã đạt đến “đáp án” tràn đầy của “sự thành thục nhân tính”. Đáp án đó không chỉ dành riêng cho nền ngoại giao của Việt Nam hiện nay và trong tương lai mà còn là thông điệp chung cho mọi dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Nếu như Trần Nhân Tông đã từng tái dựng lại quá khứ huy hoàng của dân tộc bằng việc phong thần cho biết bao người có công với đất nước như: Phù Đổng Thiên Vương, Triệu Quang Phục, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Lý Thường Kiệt,... thì đến luợt mình, tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của Người lại được lịch sử dân tộc khắc ghi và không biết từ khi nào, chính Người cũng đã hóa thành vị “Thánh” thiêng liêng, bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Thời gian càng trôi qua thì tư tưởng của Người càng ngời sáng và những giá trị cốt tủy của tư tưởng ấy không chỉ gói trọn trong phạm vi quốc gia mà đã vươn ra khỏi biên giới Việt Nam để chạm đến trái tim của toàn nhân loại, trở thành biểu tượng tuyệt đẹp cho nhân cách và tấm lòng yêu thương, hòa giải, hướng thiện.

Tài liệu tham khảo

1. Phan Huy Chú (1992). Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Lê Tắc (2001), An Nam chí lược, NXB Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.

3. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

4. Tạ Ngọc Liễn (1995), Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đầu thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5. Phạm Văn Ánh (2010), Văn thư ngoại giao thời Trần: Nội dung và nghệ thuật, Thông báo Hán Nôm năm 2009, NXB Thế giới, Hà Nội, tr.99-127.

6. Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn (1963), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội.

7. Tặng sứ Bắc Lý Tư Diễn, http://www.vanhien.vn/news/vua-tran-nhantong-va-nghe-thuat-ngoai-giao-bang-tho-53757

8. Đặng Xuân Bảng (2000), Việt sử cương mục tiết yếu. Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

9. Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm (1972), Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII (in lần 3). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

10. Lê Mạnh Thát (1999), Trần Nhân Tông - con người và tác phẩm, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, chương V.

11. Lê Cung (2006), “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, nghĩ về sự nghiệp của Trần Nhân Tông”. Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 175, tháng 7.



[1] Phan Huy Chú (1992). Lịch triều hiến chương loại chí, Bang giao chí. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.190.

[2] Lê Tắc (2001). An Nam chí lược, NXB Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tr.143.

[3] Lê Tắc, Sđd, tr.262.

[4] Phan Huy Chú, Sđd, tr.221 thì là Hà Duy Nham.

[5] Lê Tắc, Sđd, tr.262.

[6] Lê Tắc, Sđd, tr.262 hay Phan Huy Chú, Sđd, tr.221.

[7] Từ Minh Thiện. Thiên Nam hành ký. Dẫn theo: Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn (1963). Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr.288.

[8] Tạ Ngọc Liễn (1995). Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đầu thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.81.

[9] Phạm Văn Ánh (2010), Văn thư ngoại giao thời Trần: Nội dung và nghệ thuật, Thông báo Hán Nôm năm 2009, NXB Thế giới, Hà Nội, tr.99-127.

[10] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội., tr.73.

[11] Lê Tắc, Sđd, tr.94.

[12] Phạm Văn Ánh, Sđd, tr.99-127.

[13] Lê Tắc, Sđd, tr.94.

[14] Lê Mạnh Thát (1999), Trần Nhân Tông: con người và tác phẩm, NXB TP. Hồ Chí Minh, chương V. Có thể xem tại: http://www.tuvienquangduc.com.au/lichsu/05tntong05.html

[15] Lê Mạnh Thát (1999), tlđd.

[16] Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn, Xem thêm các bản dịch của Trần Lê Văn và Vũ Bình Lục tại  http://www.vanhien.vn/news/vua-tran-nhan-tong-va-nghe-thuat-ngoai-giao-bangtho-53757

[17] Trương Lập Đạo đã từng 2 lần sang sứ Việt Nam vào các năm 1267, 1271.

[18] Lê Tắc, Sđd, tr.95-97.

[19] Lê Tắc, Sđd, tr.122

[20] Lê Tắc, Sđd, tr.97-98.

[21] Lê Tắc, Sđd, tr.98.

[22] Phạm Văn Ánh (2010), Tlđd.

[23] Lê Tắc, Sđd, tr.144.

[24] Trần Quốc Vượng – Hà Văn Tấn, Sđd, tr.296.

[25] Đặng Xuân Bảng (2000), Việt sử cương mục tiết yếu. Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải.

[26] Hà Văn Tấn. Phạm Thị Tâm (1972), Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thếkỷ XIII (in lần 3). NXB Khoa học Xã hội. H. tr.119, 162.

[27] Lê Mạnh Thát (1999). Trần Nhân Tông – con người và tác phẩm, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.202.

[28] Ngô Sĩ Liên, Sđd, tr.90

[29] Ngô Sĩ Liên, Sđd, tr.90.

[30] Lê Cung (2006), “700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế, nghĩ về sự nghiệp của Trần Nhân Tông”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 175, tháng 7.

[31] Lê Tắc, Sđd, tr. 143.

 

  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực