|
|
Doanh nhân Trần Lê Tân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phương Nam luôn định hướng tầm nhìn chiến lược, không ngừng kết nối, vươn ra các nước trong khu vực và quốc tế |
Công ty Cổ phần Phương Nam do Doanh nhân Trần Lê Tân làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị hiện có 10 doanh nghiệp thành viên, hoạt động tại địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương… Hiện, Công ty Cổ phần Phương Nam là một trong những đơn vị khai thác và chế biến đá, cung cấp vật liệu xây dựng để thi công các công trình lớn của đất nước như: Cầu Bãi Cháy, Cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, Nhà ga T1 Sân bay Quốc tế Nội Bài, sân bay Cát Bi, cao tốc Móng Cái - Vân Đồn và rất nhiều công trình dân dụng khác… Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn với ông Trần Lê Tân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Phương Nam.
KHỞI NGHIỆP VÀ KINH DOANH VỚI TINH THẦN CỦA NGƯỜI LÍNH “CỤ HỒ”
Phóng viên: Ông có thể tâm sự về kỷ niệm đáng nhớ nhất của bản thân khi còn trong quân ngũ?
Doanh nhân Trần Lê Tân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phương Nam: Thực ra nói thế này, xuất phát điểm của tôi là người nông dân đi bộ đội. Khi đó, tôi quan sát xã hội và nhận ra rằng người Việt Nam rất thông minh nhưng bị hạn chế nhiều bởi chế độ bao cấp. Nhìn xã hội thấy biết bao cơ hội làm ăn mà không vận dụng được để làm ra tiền của nuôi sống bản thân, gia đình và nhiều người khác thì vô cùng đáng tiếc. Nhiều lần tôi tự hỏi, sao cứ phải bó hẹp trong việc chấm công, chấm điểm? Sao không tổ chức một nhóm người để phát triển sản xuất, để làm kinh tế? Phải nói thêm là thời gian ở trong quân ngũ, tôi đã từng tổ chức sản xuất, tổ chức trồng cấy lúa để cải thiện đời sống anh em bộ đội; từng buôn củi để đốt lò, đốt gạch; buôn gỗ để đóng giường, tủ; rồi buôn muối, mua trâu, bò cho bộ đội chăm để làm sức kéo…
Tất nhiên, tất cả những việc làm đó của tôi phải được sự đồng ý của cấp trên và không vi phạm kỷ luật Quân đội. Những việc đó góp phần cải thiện đời sống cho bộ đội trong đơn vị. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời quân ngũ của tôi và cũng cho tôi những kinh nghiệm quý để bước vào thương trường sau khi rời quân ngũ.
Phóng viên: Rời quân ngũ với mức độ thương binh hạng 4/4, lý do nào hoặc động lực nào đưa đẩy ông tiếp tục lựa chọn con đường kinh doanh?
Doanh nhân Trần Lê Tân: Trải qua rất nhiều nghề trong thời gian đi bộ đội, sau khi rời Quân đội, tôi luôn tự hỏi: “Ô! Tại sao tôi và mọi người nghèo thế? Bản thân là Đại úy, tháng lương có trăm đồng, tuy cao hơn nhiều người nhưng không đủ trang trải cuộc sống”. Tôi tự nhủ “phải chiến đấu thôi !”.
Năm 1987, rời quân ngũ khi đất nước vừa bắt đầu bước vào công cuộc Đổi Mới, tôi nhận thấy, dư địa phát triển kinh tế của Việt Nam quá rộng, quá sâu, quá nhiều. Tuy nhiên, muốn thành công thì phải khai thác đúng dư địa, phải đi tắt đón đầu. Tôi mà làm những việc người khác đã, đang làm rồi thì chỉ có thua, vì tôi không có kinh nghiệm, không có vốn, không có thị trường bằng người ta. Cho nên phải làm những việc mà người khác chưa làm. Việc khó đến mấy, nhưng nếu quyết tâm thì ắt sẽ thành công.
Sau chiến tranh, phế liệu sắt thép chất đống, để han gỉ chứ không hiếm như bây giờ, thậm chí phải đem san lấp vì khi đó chỉ một Nhà máy Gang thép Thái Nguyên không thể xử lý hết. Tiếc của, tôi nghĩ phải tìm cách xuất khẩu phế liệu để lấy ngoại tệ. Nghĩ là quyết tâm làm. Và tôi bắt đầu khởi nghiệp từ việc mua bán phế liệu. Tôi xin gặp ông Đoàn Duy Thành - nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại (nay là Bộ Công thương) xin quota xuất khẩu 500 nghìn tấn phế liệu. Có quota, tôi hợp đồng với Công ty xuất nhập khẩu Hà Nam Ninh, Hoàng Liên Sơn, Hải Phòng, hễ công ty nào có khách hàng nước ngoài thì thuê làm dịch vụ xuất khẩu với chi phí 1 USD/tấn. Tôi thuê ở Cảng Hải Phòng 5 năm để làm việc xuất khẩu phế liệu. Công việc làm ăn cứ thế thuận buồm xuôi gió.
Vài năm làm nghề thu gom phế liệu, tôi đã tích cóp được gần chục triệu USD để nhập khẩu xe máy, phân đạm, các thiết bị khác… phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Thời điểm đó, các nước Đông Âu bắt đầu tan rã, không viện trợ cho Việt Nam nữa. Vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp còn không có, nói gì đến sản xuất công nghiệp. Cái gì cũng phải nhập khẩu nên doanh nghiệp của tôi càng có cơ hội phát triển. Trên đà phát triển, doanh nghiệp của tôi được phép xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản, có những chuyến tàu trị giá 2,2 - 2,3 triệu USD, mỗi chuyến lãi vài trăm nghìn USD là chuyện hết sức bình thường.
DÙNG TIN THẦN THÉP VƯỢT GIÔNG BÃO ĐỂ TỒN TẠI VÀ KHÔNG NGỪNG TẠO SỰ KHÁC BIỆT
Phóng viên: Được biết, ông đã từng vươn lên trở thành “Vua sắt vụn” của miền Bắc. Sau đó, doanh nghiệp phá sản, buộc phải một lần nữa cưỡi sóng, đạp gió để đi đến thành công như ngày hôm nay. Liệu có phải những năm tháng trui rèn trong quân ngũ đã giúp ông có bản lĩnh và kinh nghiệm để chèo lái doanh nghiệp vượt qua giông bão, thử thách? Ông có thể cho biết quá trình vượt khó đó đã để lại những bài học kinh nghiệm gì cho bản thân và doanh nghiệp?
Doanh nhân Trần Lê Tân: Nói thật nhé, tôi từng làm quân nhân nhưng bản tính thích độc lập. Vì thế tôi ra ngoài làm kinh tế. Năm nay cũng đã ngót 40 năm làm kinh tế rồi. Đã có thời gian tôi rất thành công, một phần nhờ yếu tố may mắn. Có những thời điểm tự nhiên cảm thấy như tôi được khai sáng, tôi quyết tâm thực hiện và việc gì cũng thành công. Nhưng cũng có giai đoạn, do hiểu biết chưa đầy đủ và thiếu cả sự may mắn nên thất bại nặng nề, thậm chí phá sản, tay trắng.
|
|
Doanh nhân Trần Lê Tân là chủ hàng chục công ty, đồng thời đảm nhận nhiều chức danh lãnh đạo, quản lý (Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân họ Trần Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cựu chiến binh Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh...) nhưng vẫn luôn sâu sát, chỉ đạo tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả. |
Năm 1987, tôi chọn khởi nghiệp bằng việc thu mua phế liệu. Tuy chưa bao giờ công bố nhưng ở miền Bắc, tôi gần như là số 1. Những người biết tôi từng phong danh “Vua sắt vụn” là như thế đấy.
Ra khỏi Quân đội, tôi là 1 trong 4 người Việt Nam đầu tiên thành lập doanh nghiệp tư nhân. Lúc bấy giờ còn chưa có Luật Doanh nghiệp. Những năm đầu sau Đổi Mới, xã hội có không ít hoài nghi, thậm chí ác cảm với doanh nghiệp tư nhân, “hình sự hóa” quan hệ kinh tế, dân sự. Thứ nữa, doanh nghiệp của tôi bị lừa đảo mất 5 tỷ đồng. Số tiền này thời điểm lúc bấy giờ bằng mấy triệu USD. Khó khăn chồng chất khó khăn và tôi bị phá sản.
10 năm sau đó, tôi làm đủ nghề, từ khai thác cát, phá dỡ tàu cũ, làm đường… nhưng việc gì cũng thất bại. Bạn thử tưởng tượng, một người đang trên không trung bị rơi thẳng đứng xuống tận tầng âm. Những năm đầu Đổi Mới, khi mọi người còn đang đi xe đạp thì tôi đã có ô tô Nhật. Cả Hà Nội bấy giờ chỉ có vài cái. Khi tôi có tiền, người đời gọi là “ông Tân”. Lúc sa cơ lỡ vận, khối kẻ gọi là “thằng Tân”. Vật đổi sao dời, nhân tình thế thái đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của tôi và gia đình…
Khó khăn, nhưng tôi không bỏ cuộc. Năm 47 tuổi, tôi làm lại từ đầu với nghề khai khoáng ở Uông Bí (Quảng Ninh). Tôi lại đi xin cấp phép khai thác mỏ đá, vay tiền để đầu tư máy móc, thiết bị, làm đường, kéo điện… Loay hoay suốt từ 2002 - 2007 mới hồi phục trở lại, vì đầu tư xây dựng cơ bản ở mỏ đá rất tốn kém.
15 năm đã trôi qua, bây giờ thì công việc đã đi vào nền nếp và có bước phát triển mới. Việc khai thác mỏ ở Uông Bí đã tạo bàn đạp cho doanh nghiệp mở rộng địa bàn sang các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương…
Trải qua bao thăng trầm, tôi rút ra bài học là doanh nghiệp muốn đứng vững và phát triển thì phải tạo ra những giá trị khác biệt. Đối với ngành công nghiệp khai khoáng, giá trị khác biệt chính là phải chế biến sâu. Nếu chỉ biết múc tài nguyên lên bán thô thì đó là sự lãng phí vô cùng lớn, doanh nghiệp không thể phát triển bền vững. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của tôi đều phải tham gia vào quy trình chế biến sâu từ đá thô thành các sản phẩm cao cấp hơn như: phụ gia công nghiệp, nghiền đá thành cát xây, cát trát, vật liệu làm đường áp phan...
Chỉ khi chế biến sâu, đa dạng mặt hàng, trên nguyên tắc “Sản xuất mặt hàng thị trường cần chứ không phải sản xuất cái thị trường đang có” thì mới tạo ra những khách hàng chiến lược và chiếm lĩnh thị phần. Giờ thì doanh nghiệp của tôi không phải đi tìm khách hàng mà khách hàng tự tìm đến với tôi, bởi doanh nghiệp đã có thương hiệu, giờ tôi không bán nợ mà cũng không ai nợ tôi.
Bên cạnh đó, thành công còn đến từ đủ các loại kỹ năng quản trị như quản trị hành chính, quản trị tài chính, quản trị nhân sự… Lãnh đạo doanh nghiệp phải xây dựng được kỹ năng cho tất cả những người dưới quyền để vận hành bộ máy trơn tru. Vì công nghiệp khai khoáng sử dụng vật liệu nổ, tức là liên quan đến nhân mạng; rồi công nhân phải leo cao, tức là liên quan đến an toàn lao động trên cao… Tóm lại là có rất nhiều yếu tố liên quan. Tôi vẫn nói với anh em, theo đuổi công nghiệp khai khoáng là phải có thần kinh thép.
Phóng viên: Người ta vẫn nói là làm nghề khai khoáng tức là đang lấy của đất, của trời những cái tinh túy nhất. Muốn thành công phải có cơ duyên và cần cái tâm rất cao bởi con người lấy cái gì của tự nhiên thì con người phải có trách nhiệm tái tạo. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Doanh nhân Trần Lê Tân: Có ý kiến cho rằng ai chiếm được tài nguyên thiên nhiên người đó chiếm được đỉnh cao. Tài nguyên càng giá trị thì đỉnh càng cao. Nói vậy thôi nhưng trên thực tế, “quý nhân đi tìm quý vật nhưng cũng có khi quý vật tìm quý nhân”.
Tài nguyên là của thiên nhiên ban tặng cho đời, cho bản thân mỗi người. Đã là ban tặng thì phải có cơ duyên mới được nhận. Quý vật đi tìm quý nhân là ở chỗ đó. Cùng làm nghề khai khoáng nhưng có khi múc lên thì trữ lượng và hàm lượng không tốt như khi khoan khảo sát thăm dò và ngược lại. Cũng như trong cuộc sống, có người học rất giỏi nhưng cuộc sống lận đận, khó khăn; lại có những người lúc đi học rất bình thường nhưng trong cuộc đời rất thành công. Tuy nhiên, nói gì thì nói, làm gì cũng phải có tâm, có tầm, có sự may mắn. Trong làm ăn kinh tế, có những lúc yếu tố may mắn chiếm 50% - 60%, còn lại là do các yếu tố khác như ý chí, trí tuệ, sự quyết tâm, tiềm năng, tiềm lực…
|
|
Một trong số nhiều công trường khai thác mỏ thuộc Công ty Cổ phần Phương Nam |
Phóng viên: Thực tế đã cho thấy mô hình doanh nghiệp của ông đang hoạt động rất đúng với xu hướng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ (theo Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị khóa XI). Nhưng có câu “công nghiệp, du lịch đi lên thì môi trường đi xuống!” Vậy trong hệ sinh thái doanh nghiệp của mình, ông làm thế nào để giải quyết vấn đề đó?
Doanh nhân Trần Lê Tân: Doanh nghiệp khai khoáng chúng tôi cũng hiểu rất rõ và ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế.
Khi tôi mua mỏ, buộc phải đánh giá tác động môi trường. Từng chi tiết trong quy trình phải chuẩn hóa và được nghiệm thu. Khai thác đến đâu phải trồng cây và hoàn nguyên đến đó; phải có giải pháp giảm thiểu bụi phát tán vào môi trường. Theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chức năng, xe chở đá của Công ty Phương Nam trước khi ra quốc lộ đều được phun nước rửa bánh; khi lưu thông đều che bạt chứ không làm bừa, làm ẩu được. Rồi nộp phí bảo vệ môi trường nước mặt, phí nước thải công nghiệp.
Trong đánh giá tác động môi trường chỉ ra cần phải chi bao nhiêu tiền để đảm bảo môi trường thì doanh nghiệp phải chuyển bằng đó vào Kho bạc Nhà nước. Quá trình khai thác, nếu doanh nghiệp không thực hiện việc hoàn nguyên thì Nhà nước sẽ sử dụng tiền đặt cọc đó để thực hiện. Còn nếu doanh nghiệp thực hiện thì sẽ được rút lại khi hoàn thành khai thác.
Bên cạnh đó, bây giờ doanh nghiệp làm gì cũng chịu sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, công nhân và xã hội. Từ việc có đóng bảo hiểm xã hội không, có chăm lo đời sống cán bộ, công nhân không? Bảo hộ lao động như thế nào?... Thậm chí còn có cả giám sát của Đảng vì công ty có chi bộ Đảng. Tóm lại, tất cả đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật, không thể làm sai được.
Phóng viên: Bây giờ, hệ thống các doanh nghiệp của ông có tới hàng nghìn công nhân. Quan điểm của ông về chăm lo đời sống cho người lao động như thế nào?
Doanh nhân Trần Lê Tân: Khai thác mỏ là ngành đặc thù, rất khó để thu hút người tài. Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường cạnh tranh rất cao. Vì thế trong quá trình lãnh đạo doanh nghiệp, tôi luôn giảm thiểu thủ tục hành chính để tập trung cho sản xuất. Đầu tiên là khoán từng khâu, từng việc đến các tổ, đội, nhóm, phân xưởng. Thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, công nhân có thể tự tính được lương của mình hàng tháng là bao nhiêu.
Tôi có quan điểm khoán cao một chút để anh em có động lực phấn đấu. Ví dụ, lương công nhân ít nhất cũng phải 5 - 6 trăm nghìn/ngày công, kỹ thuật cao thì hơn 1 triệu đồng/ngày công. Khoán cao, thu nhập tốt thì đời sống gia đình công nhân sung túc, tư tưởng họ thoải mái, yên tâm làm việc. Đối với cán bộ chủ chốt thì được góp cổ phần mua máy móc, thiết bị. Nếu Giám đốc điều hành tích cực, Công ty có chính sách hỗ trợ mua nhà, mua xe trả góp để họ dốc sức cống hiến.
KẾT NỐI ĐỂ VƯƠN TẦM DOANH NGHIỆP
Phóng viên: Bây giờ ông kiêm nhiệm rất nhiều chức vụ, nào là Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân họ Trần Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cựu chiến binh Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh…, lại làm chủ cả chục công ty. Chức vụ nhiều nhưng quỹ thời gian cũng chỉ có hạn 24h/ngày như mọi người. Vậy ông sắp xếp công việc, cân đối thời gian như thế nào để đảm bảo ổn thỏa giữa việc xã hội với việc phát triển hệ sinh thái kinh doanh của mình?
Doanh nhân Trần Lê Tân: Hình như tôi có đam mê hoạt động xã hội ở trong máu. Lúc còn trẻ tôi đã từng làm Bí thư Đoàn của Lữ đoàn trong Quân đội. Khi đó tôi đã nghĩ và tổ chức làm những việc có thể mang lại lợi ích cho đời sống của cán bộ, chiến sỹ. Sau này chuyển ra làm doanh nghiệp tư nhân, tôi trao lại cơ hội cho lớp trẻ và tập trung vào việc cần làm là kết nối các doanh nghiệp với nhau để làm kinh tế. Hiện nay, ở Việt Nam, đa số doanh nghiệp chỉ thích đi một mình nên không cạnh tranh được. Cho nên cần phải có sự giao lưu, kết nối để tạo sức mạnh. Muốn đi xa phải đi nhiều người. Doanh nghiệp phải kết nối với nhau để nâng cao năng lực và vươn ra quốc tế.
|
|
Doanh nhân Trần Lê Tân và hệ sinh thái Công ty Cổ phần Phương Nam luôn khao khát vươn tới những tầm cao mới trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra chuỗi giá trị cao cho doanh nghiệp và cho xã hội. |
Tôi rất mong muốn đẩy mạnh kết nối để vươn tầm doanh nghiệp. Bất cứ việc gì có thể giúp cộng đồng doanh nghiệp thì tôi đều sẵn sàng tham gia. Khi kết nối được nhiều người, nhiều doanh nghiệp thì việc tự nhiên nó đến, nhiều tới mức có lúc cảm thấy mệt mỏi. Nhưng đã dấn thân thì phải làm thôi, cho nên bị khoác cái danh “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” là cũng phải thôi.
Rất khó nói là tôi phải dành bao nhiêu phần trăm thời gian cho việc này, bao nhiêu phần trăm thời gian cho việc kia, mà tôi chỉ cố gắng sao cho hài hòa, việc chưa hết thì cố gắng làm cả ngày lẫn đêm cho hết. Nhiều khi phải cùng lúc làm nhiều việc, phải tự phân thân ra mà làm việc, cố gắng sao cho không bị lẫn lộn việc này với việc kia. Được cái thuận lợi là bộ máy tổ chức của các công ty trong hệ sinh thái của tôi đã ổn định, nên tôi chủ yếu giải quyết những công việc ở tầm vĩ mô, có thêm nhiều thời gian cho việc xã hội.
Thời buổi ngày nay, công nghệ hiện đại phát triển, nếu biết khai thác, tận dụng để giải quyết, xử lý công việc thì cũng bớt mệt. Họp hành, giao ban, gặp gỡ, trao đổi, kết nối đều có thể qua online, qua điện thoại, trừ những trường hợp đặc biệt phải gặp mặt trực tiếp.
Điều đặc biệt hơn cả là tôi được vợ, con, bạn bè đồng cảm, thông cảm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và cùng đồng hành trong các hoạt động xã hội nên cũng đỡ mệt.
DÙNG GIÁ TRỊ MANG LẠI CHO CỘNG ĐỒNG ĐỂ ĐO ĐẾM ĐẲNG CẤP CỦA DOANH NHÂN
Phóng viên: Trong kinh doanh thì phải lấy lợi nhuận làm đầu. Nhưng quan tâm theo đuổi việc họ, việc xã hội thì phải phi lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Trong khi trách nhiệm của ông phải cùng lúc thực hiện thật tốt hai việc đó. Liệu như vậy có mâu thuẫn với nhau? Và ông xử lý mâu thuẫn đó như thế nào?
Doanh nhân Trần Lê Tân: Đúng đã làm kinh doanh thì phải lấy lợi nhuận làm đầu. Nhưng nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận thì chưa đủ, mà phải nhìn vào giá trị xã hội mà doanh nghiệp đó mang lại nữa. Theo tôi, đẳng cấp doanh nhân giờ không đo bằng tiền bạc mà phải tính bằng giá trị mang lại cho cộng đồng, cho xã hội.
Tôi đã trải qua nhiều khó khăn, giờ có thể tự bằng lòng là đã thành công. Song ngẫm lại vẫn thấy có những thứ tôi thừa, có những thứ tôi thiếu. Chính vì vậy, tôi tham gia nhiều hội này, hội nọ là để được góp phần kết nối các anh em lại với nhau, đó chính là kết nối các mảnh ghép thừa - thiếu để dần dần tạo thành bức tranh hoàn chỉnh.
Tôi cũng bắt đầu đã có tuổi. Giờ cũng muốn từng bước trao truyền lại cho các thế hệ sau những kinh nghiệm làm ăn, bầu nhiệt huyết, sự máu lửa trong kinh doanh để tập trung cho các công việc xã hội, việc của dòng họ. Các việc xã hội, tôi đều bỏ tiền túi ra để làm, không nề hà, tính toán, coi như có chút điều kiện thì làm phúc, làm được càng nhiều càng tốt. Có trường hợp doanh nghiệp trẻ gặp khó khăn, đứng bên bờ vực phá sản, tôi đến gặp, động viên, khuyến khích. Bằng kinh nghiệm đi trước phân tích nguyên nhân thất bại, rồi hỗ trợ việc này, việc nọ giúp anh em vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh… thì cảm thấy ý nghĩa lắm. Khi đó tôi không chỉ góp phần cứu một doanh nhân, cứu một doanh nghiệp, mà còn cứu hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn người làm công ăn lương và thân nhân của họ ở phía sau. Các cụ đã nói “Cứu một người phúc đẳng hà sa” mà. Thực ra tôi làm tất cả những việc đó không phải vì ai chỉ đạo, mà tôi coi đó như là sự dấn thân và trách nhiệm cá nhân thôi.
Phóng viên: Trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời để đi đến thành công như hôm nay, ông có thể chia sẻ triết lý kinh doanh của mình cũng như tầm nhìn, sứ mệnh và những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ, xã hội?
Doanh nhân Trần Lê Tân: Tôi ngẫm thấy rằng vạn vật từ khi sinh ra đã phải hành động, nếu không có hành động thì không thể tồn tại và phát triển được, con người cũng vậy. Có những hành động để tồn tại, có những hành động để phát triển, nhưng muốn phát triển thì trước hết phải tồn tại đã. Con người muốn tồn tại phải có đạo đức, đạo lý. Doanh nhân muốn tồn tại phải có đạo đức kinh doanh.
Con người nói chung, doanh nhân nói riêng còn phải rèn luyện khả năng tư duy, quan sát và phân tích. Đặc biệt phải rèn luyện khả năng tổ chức bộ máy và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh sao cho hiệu quả nhất. Ngoài ra, doanh nhân còn phải có đam mê và luôn tìm cách phát huy sở thích, sở trường của bản thân. Khi thành công rồi, doanh nhân, doanh nghiệp nên gia tăng giá trị của mình thông qua các công việc xã hội, chứ đừng bo bo giữ cho riêng mình.
Theo tôi, thành công chỉ thực sự có ý nghĩa nếu như thực hiện trao truyền được bài học kinh nghiệm, ý nghĩa của thành công đó cho các thế hệ sau. Một trong những giá trị đó là văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp. Nói cụ thể hơn, đó là đạo đức kinh doanh, là chữ tín.
|
|
Doanh nhân Trần Lê Tân (ngoài cùng bên trái) là người đã có ý tưởng tổ chức Chương trình "Giao lưu, kết nối Doanh nhân họ Trần Việt Nam báo công dâng lên Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông" và là một trong 4 nhà tài trợ Kim Cương cho Chương trình này, tổ chức ngày 3 - 4/12/2022 tại Hạ Long - Yên Tử (Quảng Ninh) |
Phóng viên: Ngày xưa các cụ dạy: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Như ông tự nhận, ông nay là đời thứ 4 và đang lặp lại chu kỳ của gia đình, vừa được lộc của tổ tiên, vừa được lộc của đất trời. Phải chăng vì thế ông luôn tâm nguyện làm điều gì đó cho cộng đồng?
Doanh nhân Trần Lê Tân: Cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội, cho dòng họ là tâm nguyện, là trách nhiệm tôi tự cảm thấy thôi thúc cần phải làm, tự tôi muốn gánh vác chứ không ai bắt buộc, cũng có nghĩa là tự tôi đặt ra sứ mệnh cho tôi.
Khi tự đặt ra cho mình sứ mệnh và bằng mọi cách thực hiện sứ mệnh đó thì cũng có nghĩa là đã vượt qua nỗi âu lo cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày. Chỉ cần làm được những việc có ích cho đời là tôi cảm thấy thỏa nguyện. Ưu tiên hàng đầu và cũng là mong muốn cháy bỏng của tôi là kết nối các doanh nhân với nhau để hợp tác, tương trợ, giúp nhau cùng giàu có.
Các việc xã hội tôi làm đều nhằm đến mục đích kết nối doanh nhân, cùng nhau xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Sản xuất, kinh doanh phải có tâm. Có tâm thì mới có tầm. Có tâm thì mới giữ được thành quả. Kinh doanh kiểu chộp giật thì trước sau cũng vướng vào rắc rối thôi. Luật Nhân - quả mà.
Trước đây, tôi tham gia công việc xã hội bằng cách xây nhà tình nghĩa, đóng góp ủng hộ các loại quỹ xóa đói giảm nghèo, người khuyết tật, bảo trợ xã hội… với số tiền nhiều tỷ đồng. Tôi cảm thấy những việc đó đã mang lại giá trị nhất định cho xã hội. Giờ, tôi muốn làm những điều lớn lao hơn nữa, tôi tiếp tục làm từ thiện cho xã hội bằng cách gặp gỡ, kết nối doanh nhân với nhau để cùng nhau phát triển, vì kết nối sẽ tạo nên sức mạnh mà.
Để tạo ra giá trị bền vững lớn hơn và giúp được nhiều người hơn, hiện nay, Hội đồng họ Trần Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân họ Trần Việt Nam đang có chủ trương tuyên truyền, vận động, khuyến khích Hội đồng họ Trần các tỉnh, thành phố thành lập Hội Doanh nhân họ Trần trên địa bàn để kết nối doanh nhân, doanh nghiệp. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chưa xúc tiến mạnh được việc này. Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế, xã hội đã trở lại nhịp sống bình thường mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phục hồi kinh tế sau đại dịch thì các tỉnh, thành phố cũng đang đẩy mạnh trở lại hoạt động này. Hy vọng trong thời gian tới, Hội Doanh nhân họ Trần ở các tỉnh, thành phố sẽ hình thành được mạng lưới rộng khắp trên cả nước.
Cũng phải nói thêm là hoạt động hội họ mang tính hoàn toàn tự nguyện nên công tác vận động sẽ khác với những hội nghề nghiệp - xã hội khác đang hoạt động theo Điều lệ được Bộ Nội vụ công nhận. Vì vậy, đòi hỏi cần có thời gian, tâm huyết, uy tín, khả năng tập hợp của những người lãnh đạo, dẫn dắt hoạt động của Hội… Bước đầu, Hiệp hội Doanh nhân họ Trần Việt Nam tập hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng nhau tổ chức các hoạt động có ý nghĩa để tạo sức lan tỏa. Qua đó, giúp các doanh nghiệp hiểu ra tôn chỉ, mục đích tốt đẹp của Hiệp hội và tự nguyện gia nhập. Chúng tôi chủ trương phát triển đến đâu vững chắc đến đó, tránh xô bồ, làm méo mó hình ảnh, tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội khi thành lập.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất thú vị này! Chúc ông và hệ thống các doanh nghiệp của ông ngày càng phát triển!