Những Đền, Miếu tiêu biểu thờ các vua
Từ những ấn tượng tốt đẹp đối với một đế chiều nên dân gian nhiều nơi lập đền thờ ghi công đức, một số đền lớn được lập từ lâu đời thờ các vua như sau:
- Miếu vua Trần Thái Tông ở 2 xã Yên Mô và Trường Khê, tỉnh Ninh Bình.
- Đền thờ vua Trần Thái Tông ở xã Trung Thu và Trình Xuyên, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định.
- Đền thờ vua Trần Thái Tông ở thôn Phù Nghĩa, tỉnh Nam Định.
- Đền thờ vua Trần Thái Tông ở xã Thái Vi, tỉnh Ninh Bình.
- Đền thờ vua Trần Thái Tông ở làng Vọc, huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam.
- Đền thờ vua Trần Thái Tông và các vua ở Thâm Động, tỉnh Thái Bình.
- Đền thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông ở xã Tiến Đức, huyện Long Hưng, tỉnh Thái Bình.
- Đền thờ 14 vị vua Trần ở xã Tức Mặc, huyện Thiên Trường, tỉnh Nam Định.
- Đền thờ vua Trần Nhân Tông ở xã Dương hồi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
- Đền thờ vua Trần Nhân Tông ở xã Diên Lão, huyện Tiên Minh, tỉnh Hải Dương.
- Đền thờ vua Trần Nhân Tông ở xã An Lão, huyện Thành Hà, tỉnh Hải Dương.
- Các chùa Yên Tử, Côn Sơn, Phổ Minh, Dương Chính, Huyền Đô… ở các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương thờ Trúc Lâm tam tổ.
- Miếu Tu Cổ ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định thờ vua Trần Anh Tông.
- Miếu, chùa Vạn Diệp ở tỉnh Nam Định thờ vua Trần Minh Tông.
- Miếu thôn La Phù, huyện Yên Mỗ, tỉnh Ninh Bình thờ vua Trần Giản Định và vua Trần Trùng Quang
Điện Thái Vi (tỉnh Ninh Bình)
Điện Thái Vi thuộc Văn Lâm và Vũ Lâm, tỉnh Ninh Bình là nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông. Công trình được xây dựng từ nửa thế kỷ XIII, ban đầu chỉ là am nhỏ để vua tu, sau được mở mang. Theo truyền thuyết địa phương thì vua Trần Thái Tông về đây giúp dân khai khẩn, lập ấp, tạo cuộc sống ấm no và đời sống tinh thần lành mạnh, nên nhân dân ca ngợi:
Địa đầu mở một ngôi chiền
Mỹ Lâm chùa Sở còn truyền đến nay
Non sông may khéo là may
Nên dân Nghiêu Thuấn vui ngày Đường Ngu.
Sau này, dần dần xây dựng ở Văn Lâm - Vũ Lâm các công trình hành cung, đình và điện thờ. Theo ngọc phả thì vua Trần Thái Tông về đây giúp dân lập ấp. Vua Trần Thái Tông còn bảo các phụ lão: “Trẫm muốn kiếp sau ở giang sơn này, vui phong tục này nên mong dân mỗi ngày một đông, ruộng ngày càng được mở rộng để cho con cháu. Các người nên chăm chỉ cày cấy chớ phụ lòng Trẫm”.
Sau khi vua Trần Thái Tông mất, dân thôn chuyển an thành viên thờ vua và đây cũng là nơi sau này vua Trần Nhân Tông cùng thiền sư Pháp Loa xuất gia và xem lại chân kinh mà thượng hoàng Trần Thái Tông để lại.
Qua khảo sát và truyền thuyết thì trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ III, khu vực này còn là căn cứ của đội quân nhà Trần dựa vào thế hiểm núi rừng, quân Trần dùng đây làm hậu cứ để huấn luyện, chú quân chờ thời phản công.
Thời gian đã làm cho dấu xưa phai mờ, ngôi đền thờ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Hiển Từ thái hậu đã qua nhiều lần tu sửa và ngày càng được nâng lên, do vậy đây trở thành nơi sáng giá đón tiếp khách hành hương trong và ngoài nước. Du khách về đây còn được xem cảnh quan thiên nhiên Tam Cốc quyến rũ vãn cảnh chùa Bích Động nổi tiếng một thời “Nam thiên đệ nhị động” và bởi cả cảnh thú thiên nhiên quyến rũ Vũ Lâm - Văn Lâm khá hấp dẫn đối với những ai hoài cổ, mến cảnh đẹp Ninh Bình.
Tam Đường (tỉnh Thái Binh)
Tam Đường thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là nơi có các lăng mộ của các hoàng đế nhà trần, cùng với mộ hoàng thái hậu. Khu lăng mộ quan trọng bậc nhất này còn liên quan đến Tông miếu nhà Trần, do vậy Tam Đường có vị trí hết sức trọng yếu đối với đế nghiệp nhà Trần.
Xưa kia, con cháu họ Trần đã lập cư làm nghề chài lưới kiếm sống, đồng thời làm nghề nông và qua bao nhiêu đời coi phần mộ, tẩm miếu nơi đây là rất hệ trọng. Truyền thuyết cho biết, khu vườn lăng xưa kia kiến trúc quy mô, có voi đá, ngựa đá chầu uy nghiêm. Điện thờ được xây dựng kỳ công, đẹp đẽ và hằng năm triều đình cử các quan về cúng tế, lại để hàng chục mẫu ruộng làm lệ phí nhang đăng… Do chiến tranh cũng như thời gian nên lăng tẩm bị mai một. Hiện nay, UBND tỉnh Thái Bình, UBND huyện Hưng Hà cùng các ngành, các cấp quan tâm, tu sửa, phục hồi đền thờ lấy nơi hương khói phụng sự.
Đền được phục hồi theo kiểu mái cong gồm 5 tòa lớn nhỏ mềm mại, duyên dáng lại không kém vẻ đồ sộ. Trong đền, đồ tế tự được chạm khắc công phu, sơn son, thiếp vàng lộng lẫy. Đặc biệt, còn bảo lưu được các bài vị từ thời Hậu Lê. Đây là những bài vị ghi thần hiệu của tứ vị hoàng đế, do vậy tổng thể công trình khá hoành tráng, uy nghiêm, hài lòng du khách trong nước, ngoài nước cũng như nhân dân địa phương.
Tuy đền mới được phục hồi, nhưng ngành văn hóa tỉnh Thái Bình, nhất là Bảo tàng tỉnh đã khéo léo chọn các hiệp thợ nề, ngõa cùng điêu khắc tạo nên những bộ cửa võng, những đồ thờ phù hợp cho việc trang trí nội thất.
Một số câu đối trong đền có nội dung liên quan đến sự nghiệp, cũng như mảnh đất có lăng tẩm hoàng đế.
“Trần sử diễm truyền kim thắng địa
Nam thiên thắng nghĩa đức trường minh”
(Sử nhà Trần rạng rỡ nay còn lưu trên đất đẹp
Trời Nam tươi tốt mãi đức vua Trần)
(Ý các già làng tiến đức)
Trong dân gian Tam Đường còn truyền câu đối, cũng như lời dịch dân gian:
“Nam quốc sơn hà, Nam quốc đế
Thái Bình thiên tử, Thái Bình dân”
(Giang sơn nước Nam của hoàng đế Nam quốc
Đất Thái Bình của vua, dân mong được thái bình)
Đơn cử một vài câu đối hiện treo tại đền hoặc trong ký ức dân gian Tam Đường. Có thể câu cú còn chưa được thoát nghĩa. Song, đây là suy tư, tâm niệm mà nhân dân địa phương tự hào, hoài bão về một vùng quê mang nặng dấu ấn lịch sử triều Trần.
Đền Trần (Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định)
Đền Trần gọi chung cho cả hai ngôi đền thờ Vua, thờ thánh và dòng họ Trần ở Tức Mặc (Mỹ Lộc - Nam Định). Đó là đền Thiên Trường và đền Cố Trạch. Đền Thiên Trường thờ tiên tổ nhà Trần, cùng các vị đế hậu (hoàng hậu), đế phi (phi tần của vua). Trong tẩm điện này có đại tự: “Triệu cơ vương tích” - (Dấu vết ban đầu về xây dựng đế vương).
Tại tòa chính tẩm có ba bàn thờ, trên có ngai, bài vị thờ. Ban tại siêu hương có vài vị “Trần triều liệt miếu tiên hoàng đế thần vị” là bài vị chung cho cả các vị hoàng đế triều Trần. Tại ban chính giữa chính tẩm có ngai, bài vị thờ các hoàng đế Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, là tứ vị hoàng đế công đức to lớn, anh minh nhất của đế triều Trần.
Hai bên có bệ thờ cùng ngai, bài vị đức vua Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông cùng các vị vua Trần Xương Phù (Phế Đế), Trần Thuận Tông, Trần Kiếm Tân (Thiếu Đế) và hai vị Hậu Trần là Trần Hưng Khánh (Giản Định Đế), Trần Quý Khoáng (Trùng Quang Đế).
Đền Thiên Trường còn lưu giữ được nhiều câu đối, đại tự, đặc biệt là biểu hoành khắc ghi các bài ngự chế của các vị hoàng đế.
Đơn cử hai câu đối nhấn vữa tại trụ cột cổng (chung cho hai đền):
“Liệt thánh anh hùng, cố lý miếu đường ưng phục cựu.
Tài nhân công đức, tân niên hương hỏa bất vong sơ.”
(Các bậc vua, thánh anh hùng, đền miếu quê hương theo nếp cũ.
Công lớn cho dân, năm mới khói hương, không quên đức người xưa).
Câu đối ghi tại cửa đền vua:
“Miếu tại hương thôn kim khuyết cựu,
Từ tiêu công nghiệp sử kinh tân.”
(Miếu tại hương thôn cung vua cũ,
Đền ghi công đức sử nêu gương).
Mùa hè năm Đinh Mùi (1907), tổng đốc Nam Định, Phạm Văn Toán dâng bài thơ treo tại đền lưu ý:
Nghiệp lớn trời trao đẹp trước sau,
Lẫy lừng đệ nhất, cảnh Tiên Châu
Khí thiêng Nam Mặc mây mù cuốn,
Bóng nhật Đông A rực rỡ màu,
Đài cao Tức Mặc nay còn thấy
Vạc báu Thiên Trường[1] đâu bóng xưa,
Thái Đường, Quất quốc nơi tôn kính
Trước sau, giữ nghĩa nhớ phụng thờ.
Đền Thiên Trường cùng với quần thể di tích xung quanh cung điện Thái thượng hoàng nhà Trần còn nhiều tư liệu sắc phong, nhiều câu đối, thơ văn mà các cụ già làng Tức Mặc, ngành văn hóa, văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định đang còn tâm đắc, muốn được bình luận, suy nghĩ về các vị hoàng đế thuộc triều đại anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Bên cạnh đền Thiên Trường là đền Cố Trạch, thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và gia quyến, cùng các tướng tâm phúc của ông.
Đây là ngôi đền nằm trong tổng thể khu di tích đền Trần, không chỉ làm tăng giá trị thẩm mỹ bởi cảnh quan hấp dẫn và phong phú ở đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật cao, mà giá trị lịch sử, tín ngưỡng dân gian, lòng sùng kính của thập phương đối với đền Cố Trạch cũng rất cao, khiến cho đền thờ vua, cùng đền thờ Thánh hài hòa cảnh quan cũng như văn hóa phi vật thể, làm cho du khách trong nước ngoài nước bà con dòng họ Trần hài lòng mỗi khi về chiêm ngưỡng, vãn cảnh.
Chùa Tháp Tức Mặc
Phía tây đền Trần còn có chùa Tháp, tên chữ là Phổ Minh tự, Đây là ngôi chùa thờ Phật, thờ nhị vị Vương cô thời Trần, thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Chùa được xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần mở mang, sau này thời Mạc, Lê, Nguyễn và thời Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không ngừng có sự tu sửa, tôn tạo nên chùa ngày càng khang trang, u tịch đượm vẻ thiền.
Đặc biệt, chùa Tháp ở Nam Định còn thờ Trúc Lâm tam tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang và có cây tháp cổ cao vài chục mét, thượng pháp đặt hộp xá lỵ Điều Ngự giác hoàng, đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Cây tháp cổ này có niên đại từ đầu thế kỷ XIV gồm 14 tầng kiến tạo khoa học, nghệ thuật khiến quần thể chùa Tháp - đền Trần có sức thuyết phục đối với khách hành trong và ngoài nước.
Xung quanh khu vực đền Trần - chùa Tháp còn có đền Bảo Lộc là nơi thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, đền Lựu Phố thờ Thái sư Trần Thủ Độ, Linh Từ Quốc mẫu và các đền, chùa thuộc các thôn Mai Xá, Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, Phù Nghĩa, Tức Mặc… thờ hoàng đế Trần Thái Tông và các vương phi nhà Trần, các tướng lĩnh Như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Cao Mang đại vương, Phạm Ngộ, Uy Minh, Trấn Quốc, Lê Tần… là những tướng lĩnh quan trọng, công lao to lớn trong sự nghiệp bình Nguyên dưới đế triều Trần.
Lễ hội dân gian
Di tích thời Trần ở Tức Mặc nằm trên địa bàn cung điện Thái thượng hoàng với hoàng thành và cả một vành đai có phủ đệ thân vương, hoàng tộc, cũng như tướng lĩnh đương thời. Do vậy, lễ hội, tín ngưỡng trên vùng đất địa linh này thật đa dạng và cũng rất phong phú.
Hằng năm, các ngày kỵ nhật hoàng đế, nhân dân địa phương cũng như thập phương đều sửa lễ chu đáo. Dưới đây là các ngày giỗ trong năm:
Trần Thái Tông
|
01/4 âm lịch
|
Trần Thánh Tông
|
25/5 âm lịch
|
Trần Nhân Tông
|
03/11 âm lịch
|
Trần Anh Tông
|
16/3 âm lịch
|
Trần Minh Tông
|
19/2 âm lịch
|
Trần Hiến Tông
|
11/6 âm lịch
|
Trần Dụ Tông
|
25/4 âm lịch
|
Trần Nghệ Tông
|
15/12 âm lịch
|
Trần Duệ Tông
|
24/1 âm lịch
|
Trần Phế Đế
|
22/12 âm lịch
|
Trần Thuận Tông
|
01/4 âm lịch
|
Trần Thiếu Đế
|
22/12 âm lịch
|
Trần Giản Định
|
22/12 âm lịch
|
Trần Trùng Quang
|
14/4 âm lịch
|
[1] Vạc chùa Phổ Minh là một trong tứ đại khí của Việt Nam, bị quân Minh cướp phá.
Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018