Về 3 bài thơ của Vua Trần Nhân Tông mới được phát hiện

Thứ ba, 07/06/2022 15:03
(HĐHTVN) - GS.TS. Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh có bài viết giới thiệu về 3 bài thơ của Vua Trần Nhân Tông mới được phát hiện.

Trong “Toàn tập Trần Nhân Tông”, chúng tôi đã công bố 32 bài thơ nguyên vẹn và 3 bài chỉ có một số câu với tổng cộng 35 bài. Tuy nhiên, khi làm nghiên cứu về các tác gia khác, chủ yếu là thiền sư Như Trừng Lân Giác (1696-1733) và thiền sư Tịch Tịch An Thiền Phúc Điền (1784-1863), qua tác phẩm của họ, chúng tôi tìm được thêm ba bài thơ mới, chỉ xuất hiện trong các tác phẩm của các tác gia này.

I. Về hai bài thơ trong Phật tâm luận của Như Trừng

Tác phẩm Phật tâm luận hiện được lưu hành thông qua bản khắc của Hòa thượng Tuệ Không với câu đề “Bổ Đà sơn Tứ Ân thiền tự Sa-môn tự Tuệ Không kính san”. Căn cứ theo lời dẫn ở cuối sách dưới tiêu đề Phụ san hiệu ký do đệ tử của Hòa thượng Tuệ Không là Tỷ-kheo Phổ Tiến, trụ trì chùa Tứ Ân, viết vào năm Tự Đức 34 (1881), khi san khắc bản Phật tâm luận này thì bản đáy được dùng đã mất lời Tựa dẫn và mất luôn tên tác giả. Thậm chí, một số trang, một số tờ đã mất luôn các chữ trong đó, mà thiền sư ghi lại cho chúng ta như sau: “Ở hàng cuối trang thứ nhất đã mất 13 chữ. Hàng thứ 9 trang 23 mất 13 chữ. Hàng thứ 7 trang 46 mất 9 chữ, còn các mặt chữ ngờ và sai thì khá nhiều. Đến cuối quyển thì không biết chấm dứt ở chỗ nào. Sau mượn được văn bản của sách này từ chùa Hồng Phúc ở Hòe Nhai của kinh đô (Hà Nội) thì hiệu đính được những chữ mất trước và trang cuối thêm được 72 chữ. Còn bao nhiêu nữa thì không thể khảo cứu được.” Bản khắc gỗ của bản in chúng ta có hiện nay vẫn còn nguyên vẹn tại chùa Bổ Đà. Trong số hơn 500 câu trích từ các tác giả khác nhau, chúng tôi nghĩ tác phẩm này nguyên là của thiền sư Như Trừng Lân Giác viết. Lý do cho đề xuất này sẽ được công bố trong Toàn tập Như Trừng Lân Giác sẽ xuất bản sắp tới. Trong số trên 500 trích dẫn này, chúng tôi phát hiện có khoảng 10% là từ các tác gia Việt Nam như Thiền uyển tập anh, Tuệ Trung thượng sĩ v.v.. đặc biệt có hai trích dẫn từ Phật hoàng Trần Nhân Tông dưới tên Điều Ngự và cả hai đều là các bài thơ.

1.1. Trích dẫn thứ nhất ở trang 12b2-4, đọc như sau:

“Điều Ngự vân:

Ngã niệm A Di Đà

Chỉ thị A Di Đà

Nhữ niệm A Di Đà

Di Đà khước thành ma

Như hà khước thành ma?

Vị liễu tát bà ha

Ngã liễu tát bà ha

Niệm niệm A Di Đà”

(Điều Ngự nói:

Ta niệm A Di Đà

Chỉ là A Di Đà

Ngươi niệm A Di Đà

Di Đà lại thành ma

Vì sao lại thành ma?

Chưa rõ tát bà ha

Ta hiểu tát bà ha

Niệm niệm thảy Di Đà)

Với bài thơ này, quan điểm niệm Phật A Di Đà của phái Tịnh độ trong học thuyết Phật giáo của Trần Nhân Tông càng trở nên rõ ràng hơn những gì đã phát biểu trong Cư trần lạc đạo phú. Ở câu 7 và 8 của Hội thứ hai trong bài phú này đề cao lý thuyết duy tâm Tịnh độ:

“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương

Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”

1.2. Trích dẫn thứ hai ở trang 27a3, đọc như sau:

“Điều Ngự vân:

Bất tư thiện

Bất tư ác

Xúc mục ngộ cơ

Vô phi viên giác”

(Điều Ngự nói:

Không nghĩ thiện,

Không nghĩ ác

Chạm mắt gặp cơ

Không gì chẳng viên giác)

Thiện và ác là hai phạm trù cơ bản của triết học đạo đức. Vượt lên thiện ác tức là đạt đến sự giác ngộ trọn vẹn. Vấn đề này trong tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông được nói đi nói lại nhiều lần.

II. Về bài thơ từ Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thời Nhiệm 

Trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, trước khi trình bày quan điểm của mình, Ngô Thời Nhiệm để dành một số trang viết về tiểu sử của ba vị Tổ Trúc Lâm là Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, kết thúc bởi tiểu sử của chính Ngô Thời Nhiệm, gọi là Đệ tứ tôn. Trong phần này, Ngô Thời Nhiệm đã chia thành hai bộ phận: bộ phận đầu gọi là Ngữ lục và bộ phận sau gọi là Hành trạng. Trong bộ phận Ngữ lục của Trần Nhân Tông, Ngô Thời Nhiệm đã kết thúc bằng một bài thơ:

“Cửu trùng pháp môn

Hoàng đế đại sĩ

Dục thức Điều Ngự

Bất thức giả thị’

(Pháp môn nhà vua

Hoàng đế đại sĩ

Muốn biết Điều Ngự

Không biết đúng thế).

Bài thơ này đến khi hòa thượng Phúc Điền viết Đại Nam Thiền uyển kế đăng lược lục tự Trần chư Tổ Lâm Tế Tào Động quyển hạ thì đã xếp vào như một bài kệ thị tịch. Hòa thượng Phúc Điền viết như sau: “Đến lúc nửa đêm, sao mai sáng chiếu, Ngài hỏi: ‘Bây giờ là giờ gì?’ [Đệ tử] thượng túc pháp danh Bảo Sát tâu: ‘Giờ tý ạ’. Tổ liền lấy tay mở cửa sổ xem, nói: ‘Đó là giờ của ta.’ Bèn viết bài kệ cùng y bát trao cho Pháp Loa, nói:

‘Cửu trùng pháp môn

Hoàng đế đại sĩ

Dục thức Điều Ngự

Bất thức giả thị’

Nói xong thì viên tịch ở chùa Vân Tiêu.”

Nếu căn cứ vào văn bản xưa nhất hiện còn, cụ thể là Thánh đăng ngữ lục, thì “ngày mồng 1 tháng 11 vào lúc nửa đêm, sao mai sáng rực, Thượng hoàng hỏi: ‘Lúc này mấy giờ rồi?’ Bảo Sát trả lời: ‘Giờ tý’. Thượng hoàng dùng tay mở cửa sổ ra nhìn rồi nói: ‘Đây là giờ ta đi.’ Bảo Sát hỏi: ‘Tôn đức đi đâu?’ Thượng hoàng nói:

‘Tất cả pháp không sanh

Tất cả pháp không diệt

Nếu hay hiểu như vậy

Chư Phật thường hiện tiền’

Bảo Sát đứng lên hỏi: ‘Nếu không sinh không diệt thì thế nào?’ Thượng hoàng bỗng nhiên lấy tay che miệng nói: ‘Đừng nói mớ.’ Nói xong, Thượng hoàng nằm theo thế sư tử rồi lặng lẽ ra đi.” Điều này có nghĩa là bài thơ trên không có trong Thánh đăng ngữ lục. Đại Việt sử ký toàn thư 6 tờ 23b4-24a4 khi viết về những giây phút cuối cùng của Phật hoàng cũng không thấy có bài thơ này mà kể chuyện Thượng hoàng  về thăm chị mình là Thiên Thụy công chúa đau nặng. Sau khi dặn dò, thì “Thượng hoàng trở về núi, dặn dò thị giả Pháp Loa về hậu sự, rồi lặng lẽ ngồi và mất.”

Vậy Ngô Thời Nhiệm đã lấy bài thơ này từ đâu? Theo chúng tôi, có khả năng trong tủ sách của gia đình Ngô Thời Nhiệm đã có một số văn bản xưa mà ta hiện nay không có. Cụ thể là khi thân phụ của Ngô Thời Nhiệm là Ngô Thì Sỹ viết Việt sử tiêu án 2, tờ 18b6-19a4, đã trích một đoạn đối đáp giữa vua Trần Thái Tông và thiền sư Đức Thành, mà ta hiện không tìm thấy ở bất kỳ bản Khóa hư lục nào hiện còn, cũng như Thánh đăng ngữ lục. Đoạn đó viết như sau: “Xét Thái Tông đã nhường ngôi, thường đi chơi các chùa Quỳnh Lâm, Hoa Yên, gặp Đức Thành nước Tống đi thuyền vượt biển mà đến, bèn mời cùng nói chuyện. Đức Thành hỏi về lý do đức Thích-ca độ người, vua trình bày bài kệ:

‘Ngàn sông có nước ngàn sông nguyệt

Muôn dặm không mây muôn dặm trời’

Tùy theo hỏi mà hưởng ứng đáp lại, bèn thành những vần thơ hay, có những câu

Mưa xuân không cao thấp

Cành hoa tự ngắn dài

Chớ bảo vô tâm, đó là đạo

Vô tâm còn cách một trùng quang’

Đức Thành lại hỏi:

‘Đế vương ngộ đạo nhân duyên thế nào?’

Vua trả lời: ‘Tôi với ông như hai cây cùng có lửa. Đạo chỉ một mà thôi. Phóng ra thì càn khôn vô cùng. Thu lại thì đầu lông cũng gọn hết. Mỗi người đều có ngọc minh châu trong thân mình. Mùa xuân đến thì hoa nở vậy.’

Đức Thành phục sự ngộ đạo của Vua.”

Đoạn trích này các bản hiện còn của Khóa hư lục không thấy, dù từng câu một có thể tìm ở chỗ này chỗ kia. Sự kiện này chứng tỏ trong tủ sách của gia đình họ Ngô Thì có khả năng đã lưu hành một văn bản liên hệ vua Trần Thái Tông ta hiện nay chưa biết. Từ đó có thể suy ra một trường hợp tương tự xảy ra với Trần Nhân Tông mà bài thơ vừa trích trên là một thí dụ. Bài thơ này cho ta một cái nhìn mới về pháp môn tu hành của Trần Nhân Tông. Đây là cửu trùng pháp môn, tức là pháp môn dành cho đấng cửu trùng, tức là cho những lãnh tụ chính trị. Thế thì trong quan điểm của Trần Nhân Tông, những lãnh tụ chính trị này phải có những phẩm chất gì? Dòng thơ tiếp theo là một câu trả lời rõ ràng, đó là vừa là hoàng đế vừa là đại sĩ. Chức năng hoàng đế là gì mọi người đều hiểu rõ nhưng bên cạch chức năng hoàng đế còn có chức năng đại sĩ, chức năng của một vị bồ-tát. Chính bài thơ này làm cho ta hiểu rõ hơn lối tu hành của Phật hoàng mà Ngài đã nêu lên trong Cư trần lạc đạo phú, đó là:

Dựng cầu đò, xây chiền tháp,

ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu

Săn hỷ xã, nhuyễn từ bi

nội tự tại kinh lòng hằng đọc.

Nó đồng thời cũng giải thích cho ta lý do tại sao trong buổi lễ trao y bát vào mồng một tết xuân Mậu Thân 1308 cho thiền sư Pháp Loa làm đệ nhị tổ của thiền phái Trúc Lâm, trong các món đồ trao truyền, đức Phật hoàng đã trao cho Pháp Loa 100 hộp kinh sách ngoài Phật giáo, còn đối với kinh sách Phật giáo thì chỉ có 20 hộp. Sự việc này nói lên rất rõ pháp môn tu hành của Phật hoàng. Nói thẳng ra, pháp môn đây là một pháp môn không chỉ thuần túy Phật giáo, càng không giới hạn trong kinh sách Phật giáo mà là một pháp môn dựa theo tinh thần kinh Kim cương, đó là tất cả các pháp đều là Phật pháp.

Ngoài ra ta cũng không thể bỏ qua những thông tin của chính hòa thượng Phúc Điền cung cấp liên hệ đến Phật hoàng và thiền phái Trúc Lâm. Chính vào giữa thế kỷ XIX khi viết Đại Nam Thiền uyển kế đăng lược lục tự Trần chư Tổ Lâm Tế Tào Động quyển hạ, tờ 7b2-9 và 11a1-b1, hòa thượng Phúc Điền nhắc đến trong số các tư liệu mình có, có một văn bản biết dưới tên Cúng Điều Ngự khoa mà hòa thượng đã ghi nhận ở trang 1b5. Hiện chúng tôi đã tìm được Cúng Tổ khoa, trong đó, sau khi liệt kê các Tổ của dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi và Vô Ngôn Thông thì đến lượt cúng các Tổ của dòng Trúc Lâm mà số lượng nhiều hơn 23 vị do hòa thượng Phúc Điền ghi lại. Vào giữa thế kỷ thứ XIX, chúng tôi nghĩ các tư liệu liên hệ đến các dòng thiền Việt Nam tồn tại khá nhiều, trong đó, ngoài Cúng Điều Ngự khoa ta còn có Báo cực truyện và Chư Tổ lục như hòa thượng Phúc Điền đã kể ra trong lời tựa của mình. Hai tác phẩm này hiện chưa tìm thấy. Phải chăng bài thơ Thị tịch của Trần Nhân Tông đã có trong Chư Tổ lục, thậm chí có thể xuất hiện trong Cúng Điều Ngự khoa mà ta hiện vẫn chưa có thông tin gì.

Trên đây là ba bài thơ mới phát hiện góp phần làm phong phú thêm các tác phẩm của Trần Nhân Tông, đồng thời cung cấp tư liệu cho công tác nghiên cứu Trần Nhân Tông nhiều mặt, trong đó có vấn đề tư tưởng, vấn đề văn học và vấn đề lịch sử./.

GS.TS. Lê Mạnh Thát
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực