Những nơi lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Thứ ba, 28/06/2022 15:39
(HĐHTVN) - Đầu mùa Đông năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch và hóa Phật tại am Ngọa Vân, được xưng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Ngọc cốt được an trí vào lăng Quy Đức (hay còn gọi là Đức lăng), xá lỵ được phân thành nhiều phần lưu giữ ở nhiều nơi để nhân dân và phật tử thờ phụng và chiêm bái. Bài viết này xin giới thiệu về những nơi lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

leftcenterrightdel
 Am Ngọa Vân trên núi Yên Tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành khổ hạnh và hóa Phật

Đức vua Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sau khi nhường ngôi cho con, Ngài xuất gia tu hành khổ hạnh lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, xưng là Trúc Lâm Đại sĩ. Cuối đời, Ngài tu và hóa Phật tại am Ngọa Vân, được xưng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.

Ngay sau khi Phật hoàng viên tịch, vâng theo di chúc, Bảo Sát đã tiến hành hỏa thiêu Ngài ngay tại Am Ngọa Vân. Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm đến tưới nước thơm lên giàn hỏa, thu được ngọc cốt và hơn 3000 viên ngọc xá lỵ. Ngọc cốt và xá lỵ được rước xuống thuyền đưa về kinh đô Thăng Long, bảo quản tạm thời tại bảo tháp chùa Tư Phúc trong Đại Nội.

Ngọc cốt của Phật hoàng Trần Nhân Tông được an trí vào lăng Quy Đức (hay còn gọi là Đức lăng), xá lỵ được phân thành nhiều phần lưu giữ ở nhiều nơi để nhân dân và phật tử thờ phụng và chiêm bái. Bài viết này xin giới thiệu về những nơi lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng.

leftcenterrightdel
Bảo tháp Phật hoàng đựng hộp xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông tại đỉnh Ngọa Vân trên núi Yên Tử

- Phật hoàng tháp tại Ngọa Vân: Am, chùa Ngọa Vân dưới thời Trần thuộc An Sinh vốn là đất thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu, thời Lê thuộc xã An Sinh phủ Kinh Môn, nay thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều. Sách Tam Tổ thực lục có ghi “Tháng 5 năm 1307, Điều Ngự lên tu trong một am nhỏ trên đỉnh Ngọa Vân (卧 雲 峯)”. Đỉnh Ngọa Vân đọc theo âm Hán - Việt là Ngọa Vân phong vì vậy Ngọa Vân phong còn được gọi tắt là Vân phong. Trong một số tư liệu ghi chép về hành trạng của Tam tổ Trúc Lâm cũng Vân phong được dùng thay thế cho Ngọa Vân phong. Đặc biệt, tại di tích Ngọa Vân, trên một số viên ngói mũi sen thời Lê Trung hưng có in nổi 2 chữ Vân phong (雲 峯), điều này cho thấy danh từ Vân phong được sử dụng thay thế cho Ngọa Vân khá phổ biến.

leftcenterrightdel
 Hộp đựng xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông phát hiện tại Bảo tháp Phật hoàng trên đỉnh Ngọa Vân

Bia Trùng tu Ngọa Vân tự là tấm bia ghi chép việc trùng tu chùa Ngọa Vân được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 3 đời vua Lê Dụ Tông hiện còn tại Chùa - Am Ngọa Vân cho biết, Ngọa Vân là một đỉnh núi nằm trên núi Bảo Đài (Bảo Đài Sơn - 寳薹山). Khi mới tới đây Trần Nhân Tông đã viết bài thơ Đăng Bảo Đài Sơn (Lên núi Bảo Đài) có những câu “Gần xa mây núi ngất/Nắng rợp ngõ hoa thông”. Núi Bảo Đài nay thường được gọi là núi Vây Rồng nằm trên dãy Yên Tử, thời Trần thuộc đất thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu, thời Lê - Nguyễn thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, và nay thuộc địa bàn hai xã An Sinh và Bình Khê.

Các tư liệu đều cho biết Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa tại am Ngọa Vân, sách Tam Tổ thực lục cho biết rõ hơn “ngày 1 tháng Mười một, lúc nửa đêm, sao trời tỏ rạng, Điều Ngự hỏi “Bây giờ là mấy giờ? Bảo Sát đáp, giờ Tý. Điều Ngự nói, “Đây là lúc ta đi”. Nói xong liền nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch”.

Sau khi Ngài hóa, các đệ tử của ngài tổ chức hỏa thiêu Ngài ngay tại am, thu xá lỵ và ngọc cốt, rước xuống thuyền vua đưa về kinh đô Thăng Long. Tại Ngọa Vân, Pháp Loa cho xây bảo tháp Phật hoàng (Phật hoàng tháp - 佛皇塔) lưu giữ một phần xá lỵ của ngài. Đến thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18), tòa bảo tháp do Pháp Loa xây dựng bị đổ nát. Năm 1707, thiền sư Đức Hưng, hiệu là Viên Minh cho trùng tu xây mới tòa Phật hoàng tháp bằng đá, phía trước tháp có voi đá và ngựa đá chầu theo quy chế lăng tẩm của vua. Phật hoàng tháp hiện vẫn còn đứng sừng sững uy nghiêm trên đỉnh Ngọa Vân, tháp 2 tầng, mặt trước khắc nổi bức đại tự Phật hoàng tháp (佛皇塔), trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, trang trí hoa lá và hình rồng, bài vị ghi: “無苐一祖竹林頭陀浄慧覺皇陳朝苐三仁宗聖帝調御王佛” - Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều ngự vương Phật”. Có nghĩa là “Nam mô a di đà phật, bài vị thờ Điều Ngự vương phật Đầu Đà Tĩnh tuệ giác hoàng, tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần Hoàng đế Nhân Tông”. Như đã biết, sau khi Điều Ngự nhập niết bàn, vua Trần Anh Tông đã tôn hiệu Ngài là “大聖陳朝竹林頭陀浄慧 覺皇調御王祖佛 - Đại thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”. Như vậy, Phật hoàng tháp ở Ngọa Vân là nơi lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng tại nơi ngài đã tu hành và nhập diệt.

Vấn đề là, tháp Phật hoàng được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng có được xây dựng lên đúng vị trí của tháp Phật hoàng thời Trần do Pháp Loa xây dựng hay không? Xét về mặt cấu trúc, mặc dù tháp được bố cục theo cấu trúc của lăng tẩm đế vương, tức là phía trước tháp có tượng voi, ngựa phủ phục nhưng vị trí của tháp lại nằm đối ứng với các tháp Đoan Nghiêm qua trục chính của khu đất. Điều này khiến người ta nghi ngờ rằng, có thể tháp Phật hoàng thời Lê Trung hưng không được xây dựng trùng khớp với vị trí của tháp Phật hoàng do Pháp Loa xây dựng. Tư liệu khai quật tại Ngọa Vân năm 2017 cho thấy, dưới thời Lê Trung hưng, toàn bộ cấu trúc của khu am Ngọa Vân đã được cấu trúc lại thành 2 cấp nền như hiện nay, trong đó cấp nền dưới nơi đặt xây dựng tháp Phật hoàng và Đoan Nghiêm là cấp nền mới được mở rộng. Đồng thời với việc tạo lấp cấp nền dưới, phần nền của thời Trần trước đó đã được kè mở rộng thành cấp nền trên như hiện thấy. Các dấu vết thời Trần còn lại tại đây cho thấy, dưới thời Trần, các kiến trúc có quy mô nhỏ, được xây dựng chủ yếu nương tựa vào sườn núi tự nhiên, ít có việc san gạt. Do vậy, chắc tháp Phật hoàng thời Trần có lẽ được xây dựng ở cấp nền trên của khu am Ngọa Vân hiện nay.

leftcenterrightdel
 Phim X-quang chụp cấu trúc hộp đựng xá lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông phát hiện tại đỉnh Ngọa Vân

Đáng chú ý, trong cuộc khai quật khảo cổ tại am Ngọa Vân (tháng 6/2017) tại vị trí có tọa độ X -5,30; Y560, tức là vị trí nằm ở cấp nền trên, thẳng trục với tháp Phật hoàng ở phía trước, hậu chẩm ở phía sau, sau khi bóc lớp đất màu đen là lớp đất mặt và lớp đất màu xám vàng, lẫn sạn sỏi nhỏ tiếp đó là lớp màu vàng tươi lẫn đá phong hóa và mảnh gạch ngói là đến nền đá gốc, nền đá không bằng phẳng mà thành từng vệt, ở độ sâu 25cm - 30cm so mặt đất hiện tại, 599,6m so với mực nước biển thì xuất hiện một hố đen rộng 20cm - 25cm, hố được đào sâu xuống lớp đá gốc khoảng 5cm - 10cm, trong lòng hố đã tìm thấy hiện vật bằng kim loại, hiện vật hình hộp chữ nhật, nằm nghiêng, nắp hộp bị móp do chịu sự tác động của một lực khá lớn từ trước. Hộp gồm hai phần, thân và nắp, nắp được khớp kín với thân, kích thước (trên/dưới) của hộp: dài 80/83mm, cao 45/46mm, rộng 46/49mm. Toàn bộ mặt ngoài để trơn, không trang trí hoa văn, song ở đáy và hai mặt hông còn thấy rõ vết vải và dây buộc hình chữ thập (十) cho thấy vốn hộp được bọc trong một túi vải, ngoài có dây buộc lại hình chữ thập. Kết quả phân tích thành phần chất liệu tạo hộp bằng phương pháp huỳnh quang tia X cho biết hộp được làm bằng hợp kim chì, đồng và thiếc. Kết quả chụp  Quang bằng thiết bị chụp ảnh phóng xạ trong công nghiệp X-Ray – RF-300EGM cho thấy hình ảnh hộp có cấu tạo gồm 2 lớp, trong lòng hộp có một vật hình que và một vật hình tròn, khá giống mặt của răng hàm. So sánh hình dáng và cấu trúc của hộp này có thể thấy nó khá giống với hình dáng của các hộp xá lỵ đã phát hiện trong các tháp Phật giáo ở Trung Hoa và Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng nhất của di vật này so với các hộp xá lỵ đã được phát hiện là nó không có hoa văn trang trí. Với cấu trúc và vị trí cũng như diễn biến địa tầng nơi phát hiện được hộp kim loại, chúng tôi cho rằng hộp kim loại này có thể là hộp xá lỵ và không loại trừ đây chính là hộp chứa xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nếu như giả thuyết này là đúng thì có thể thấy, khi trùng tu am Ngọa Vân, Thiền sư Đức Hưng dường như đã không có đủ thông tin về vị trí của tháp Phật hoàng do Pháp Loa xây dựng trước đó, việc ông cho xây dựng Phật hoàng tháp chỉ nhằm mang tính tượng trưng.

Việc hộp kim loại được phát hiện ở Ngọa Vân năm 2017 có phải là hộp chứa xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông hay không cần được tiếp tục làm rõ, song nếu giả thuyết chúng tôi đưa ra là đúng thì cùng với Phổ Minh, Ngọa Vân là nơi thứ hai xá lỵ của Phật hoàng còn hiện hữu.

- Bảo tháp ở Đức Lăng: Sách Đại Việt sử ký toàn thư và sách Tam Tổ thực lục đều cho biết: ngày 16 tháng Chín năm Canh Tuất (1310) an trí ngọc cốt vào lăng Quy Đức (hay còn gọi là Đức lăng), lấy một phần xá lỵ đặt vào bảo tháp ở Đức lăng. Đức lăng được xây dựng trong khu lăng tẩm nhà Trần xưa thuộc đất Tinh Cương, phủ Long Hưng, nay là thôn Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Khu lăng tẩm này có 4 lăng gồm Thọ lăng của Thái tổ Trần Thừa, Chiêu lăng của vua Trần Thái Tông, Dụ lăng của vua Trần Thánh Tông và Đức lăng (hay lăng Quy Đức) của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Bảo Thánh thái hoàng thái hậu. Các vua nhà Trần sau này không xây dựng lăng tẩm ở Tam Đường nữa mà chuyển về An Sinh (Đông Triều). Khu lăng tẩm nhà Trần ở Tam Đường hiện còn lại 3 gò mộ (lăng) cao to như quả đồi, các gò này được gọi là Phần Trung, Phần Đa và Phần Bụt (còn gọi là Nấm Sỏi), mỗi phần là một lăng tuy nhiên cho đến nay chưa thể xác định các phần này là lăng của vị vua nào, nhiều người cho rằng Phần Bụt chính là Đức lăng với suy luận cho rằng Bụt chính là cách gọi khác của Phật vì vậy đây là lăng của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Các cuộc khai quật thăm dò ở Phần Bụt đã tìm thấy những viên gạch xây tháp có trang trí hình rồng giống như loại gạch xây tháp đã được tìm thấy ở tháp Phổ Minh (Nam Định), như vậy những loại gạch tìm được tại đây chính là gạch xây tháp, do đó người ta tin rằng Phần Bụt chính là Đức lăng và gạch tìm được tại Đức lăng là gạch xây bảo tháp của Đức lăng.

- Tháp Phổ Minh trong khuôn viên chùa Phổ Minh: Chùa Phổ Minh được nhà Trần cho xây dựng vào năm 1262, chùa nằm ở phía Tây cung Trùng Quang phủ Thiên Trường, nơi Thượng hoàng nhà Trần ở sau khi nhường ngôi cho con. Chùa nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Đinh, tỉnh Nam Định. Dòng lạc khoản khắc ở tầng 1 của tháp cho biết, tháp được xây dựng năm Hưng Long thứ 13 (1305), sau khi Phật hoàng hóa Phật vua Trần Anh Tông cho cung nghênh xá lỵ của Phật hoàng về lưu giữ tại đây. Tháp cao 13 tầng, có mặt bằng hình vuông (5,20m x 5,20m), tầng thứ 11 là nơi đặt hòm xá lỵ của vua Trần Nhân Tông. Theo mô tả của sách Lịch triều hiến chương loại chí thì khi tiến hành trùng tu tháp “đã thấy cái hòm to, mở ra xem thì lớp thứ nhất là hòm bằng sắt, lớp thứ hai là hòm bằng đồng, lớp thứ ba là hòm bằng bạc, lớp thứ tư là hòm bằng vàng, lớp thứ năm là hòm bằng đá quý, trong để xá lỵ tròn bằng đầu ngón tay, sắc sáng long lanh, đã trả lại chỗ cũ…”.

leftcenterrightdel
 Bảo tháp trong chùa Phổ Minh tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Đinh, tỉnh Nam Định

Thư tịch thời Nguyễn như Nam Định dư địa chí, Hoàng Việt địa dư nhất thống chí, Đại Nam nhất thống chí đều cho biết vào thời Tây Sơn (khoảng năm 1789) có việc tháo dỡ 3 tầng trên của tháp thì gặp một chiếc hòm bằng đá, hòm đã giữ nguyên để xây lại như cũ. Những năm 80 của thế kỷ 20, khi tỉnh Nam Định tiến hành trùng tu lại tháp Phổ Minh cũng đã thấy hòm xá lỵ ở tầng 11 như mô tả của sử sách và hiện nay nó vẫn được tôn trí tại tầng 11 của tháp Phổ Minh. Đây là hòm xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông còn nguyên vẹn nhất hiện biết.

- Tháp Đại Thắng tư thiên bên hồ Lục Thủy: Tháp Đại Thắng tư thiên hay thường gọi là tháp Báo Thiên tòa tháp nổi tiếng được xây dựng năm 1057 dưới thời Lý Thánh Tông trong khuôn viên chùa Báo Thiên nằm phía Tây hồ Lục Thủy, nay thuộc khu vực Nhà thờ Lớn Hà Nội. Sách Tam Tổ thực lục cho biết “tháng 11 năm Kỷ Tị (1329), Sư (Pháp Loa-TG) lập đàn tràng tại viện Quỳnh Lâm, làm lễ điểm Nhãn tượng Phật Di Lặc, và lấy một phần xá lỵ của Điều Ngự tại tháp Thắng Tư Thiên (Đại Thắng Tư thiên) đem cất vào tháp đá tại viện Quỳnh Lâm”. Như vậy, trước đó xá lỵ của Phật hoàng phải được đưa vào tôn trí ở Đại Thắng tư thiên và đến năm 1329 Pháp Loa lấy “một phần xá lỵ” đem về tôn trí ở tháp đá Viện Quỳnh Lâm và hẳn nhiên ở Đại Thắng tư thiên còn lại một phần xá lỵ. Ngày nay, tháp Báo Thiên không còn vì thế chúng ta cũng không còn cơ hội để biết về phần xá lỵ được lưu giữ tại đây.

- Bảo tháp chùa Tư Phúc trong Đại Nội: Sau khi hỏa thiêu, ngọc cốt và xá lỵ của Điều Ngự được vua Trần Anh Tông rước về kinh thành. Ngọc cốt để vào bảo khám, xá lỵ được chia làm hai phần để trong bình vàng quản tại chùa Tư Phúc trong Đại Nội. Chùa Tư Phúc là ngôi chùa rất nổi tiếng dưới thời Trần, đây là ngôi chùa Hoàng gia được xây dựng trong Cấm thành Thăng Long, nơi tổ chức các đại lễ Phật giáo của Hoàng gia nhà Trần và đặc biệt đây là nơi gắn liền với tuổi thơ của Hoàng tử Trần Khâm. Tại đây, trong một lần ngủ trưa, Hoàng tử đã mộng thấy trên rốn trổ một bông hoa sen vàng lớn, đó như là một duyên định trước sự gắn bó của ông với Phật pháp. Cũng do thường xuyên ở chùa Tư Phúc nên từ nhỏ Hoàng tử Trần Khâm đã được nghe cha và các vị cao tăng bàn luận về đạo pháp khiến ông sớm thấm nhuần và hiểu thấu Phật điển. Khi Phật giáo Trúc Lâm hình thành chùa Tư Phúc cũng là nơi các vua và hoàng hậu nhà Trần đến tu hành, nghe các tổ của Trúc Lâm giảng Pháp. Có thể khẳng định chùa Tư Phúc là chùa giành riêng cho hoàng gia được xây dựng tại Cấm thành Thăng Long, giống như chùa Phổ Minh ở Phủ Thiên Trường. Dấu vết chùa Tư Phúc hiện nay không còn, và chúng ta cũng chưa xác định được vị trí cụ thể của chùa trong tổng thể của Cấm thành Thăng Long.

- Tháp Tuệ Quang trên chùa Hoa Yên, núi Yên Tử: Huệ Quang kim tháp (慧 光 金塔), hay Tuệ Quang tháp (慧 光塔), hay hiện nay được gọi là tháp Huệ Quang hoặc tháp Tổ là tháp lớn nhất nằm ở khu vực trung tâm Vườn Tháp Tổ phía dưới chùa Hoa Yên trong Quần thể di tích danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Sách Tam tổ thực lục cho biết: “ngày 22 tháng 2 năm Bính Dần, niên hiệu Khai Thái thứ 3 (1326), Pháp Loa phụng chiếu của vua Trần Minh Tông đến chùa Hoa Vân (Hoa Yên) trên núi Yên Tử, tôn trí xá lỵ của Điều Ngự vào Kim tháp Tuệ Quang”.

leftcenterrightdel
Tháp Tuệ Quang trên chùa Hoa Yên, núi Yên Tử 

Nhiều người cho rằng tháp này do vua Trần Anh Tông cho xây dựng, có thể như vậy, nhưng sau khi vua Trần Anh Tông mất sáu năm (vua Trần Anh Tông mất năm 1320) thì xá lỵ của Điều Ngự mới được an trí vào tháp, có lẽ lúc này tháp mới xây xong. Ngôi tháp hiện còn ở Vườn Tháp Tổ không phải là tòa tháp được xây dựng dưới thời Trần, cấu trúc của toà tháp hiện còn cho thấy nó được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng, thậm chí có người còn cho rằng nó được xếp lại dưới thời Nguyễn. Tháp hiện nay sử dụng lại một số cấu kiện tháp của thời Trần, trong đó rõ nhất là những cấu kiện góc mái, bệ sen và đế tháp. Pho tượng Phật hoàng trong tháp cũng được làm lại khi tháp được dựng lại, bằng chứng là những trang trí trên bệ tượng nhất là hình rồng trang trí trên bệ tượng có những nét đặc trưng của rồng thời Lê Trung hưng.

Thêm vào đó, theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư và Tam Tổ thực lục thì vua Trần Anh Tông có cho đúc hai pho tượng bằng vàng, một thờ ở chùa Siêu Loại (Gia Lâm), một thờ ở chùa Hoa Yên. Nếu như đến năm 1326 tháp Tuệ Quang mới được hoàn thành thì rõ ràng tượng vàng do Trần Anh Tông đúc phải được thờ ở trong chùa Hoa Yên giống như ở chùa Siêu Loại chứ không thể được đặt trong tháp Tuệ Quang vì lúc đó tháp chưa hoàn thiện. Khi tháp hoàn thiện, tượng có thể được cung nghinh an trí tại tháp nhưng tượng đó là tượng bằng vàng, pho tượng hiện còn tại tháp Tuệ Quang là tượng bằng đá.

- Bảo tháp tại Viện Quỳnh Lâm: Viện Quỳnh Lâm là nơi đào tạo tăng tài lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ XIV. Viện Quỳnh Lâm vốn được thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng từ thời Lý, thế kỷ XII, tại đây ông đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc lớn, đó là một trong bốn vật khí lớn nhất của An Nam (An Nam tứ khí). Năm 1319, Pháp Loa tôn giả cho mở mang chùa thành Viện Quỳnh Lâm, dưới sự hỗ trợ về tiền bạc cũng như con người của vua Trần Anh Tông và các vương hầu, quý tộc nhà Trần, đặc biệt Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu (vợ vua Trần Anh Tông) và Trần Quang Triều, Quỳnh Lâm trở thành một Tự - Viện lớn gồm Chùa và Viện, trong đó Viện là nơi đào tạo tăng tài lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm và đây cũng là nơi có thư viện lớn lưu trữ nhiều kinh sách Phật giáo. Tự Viện Quỳnh Lâm cũng là nơi thường xuyên lui tới của hoàng tộc nhà Trần và các quý tộc đương thời, nơi đây thực là chốn tùng lâm thế kỷ XIV.

leftcenterrightdel
 Bảo tháp tại Viện Quỳnh Lâm (nay là chùa Quỳnh Lâm), xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

Không chỉ có vậy, Quỳnh Lâm còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện Phật giáo lớn do Hoàng gia và tổ Pháp Loa chủ trì. Tháng 3 năm 1325, Pháp Loa tổ chức lễ hội nghìn Phật tại Quỳnh Lâm, lễ hội diễn ra trong bảy ngày bảy đêm đồng thời khởi công xây dựng hai tòa tháp để cung nghênh xá lỵ của Phật hoàng về tôn trí tại chùa. Năm 1329 tháp hoàn thành, rước một phần xá lỵ của Phật hoàng từ tháp Đại Thắng tư Thiên về tôn trí vào hai bảo tháp.

Quỳnh Lâm viện nay là chùa Quỳnh Lâm, xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù hai tòa tháp đã bị phá hủy nhưng những dấu ấn của nó vẫn còn lại trên và trong lòng đất của chùa, đặc biệt ở tòa tháp bát giác hiện dựng trước gác chuông chùa, hai tầng trên cùng của tòa tháp chính là phần còn lại của tòa tháp đá do tổ Pháp Loa cho xây dựng năm 1325.

Như vậy, qua những ghi chép và những bằng chứng khảo cổ học hiện có có thể xác định hành trình tu luyện, nhập diệt theo thế sư tử nằm, phân phát xá lỵ đi khắp nơi của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là một chuỗi công việc mô phỏng quá trình tu luyện, viên tịch và phân phát xá lỵ của Đức Phật Thích-Ca-mâu-ni. Trong chuỗi sự kiện đó thì Yên Tử là nơi Phật hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Các nơi khác được lưu giữ xá lỵ đều là những trung tâm lớn về chính trị, kinh tế hoặc tôn giáo dưới thời Trần. Trong số tám nơi được lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng thì riêng Tự - Viện Quỳnh Lâm có hai nơi chứa xá lỵ của Ngài. Đông Triều, Uông Bí ngày nay dưới thời Trần là đất An Sinh quê gốc của nhà Trần, đồng thời là Trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nên có đến 4 điểm lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng./.

 

ThS. Nguyễn Văn Anh - Khoa Lịch sử,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

TIN LIÊN QUAN

  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực