Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

Chủ nhật, 19/06/2022 12:40
(HĐHTVN) - Trần Nhân Tông (năm sinh: 1258 - năm mất: 1308; thời gian làm vua: 1279 - 1293), ông là vua thứ ba của triều Trần, là vị hoàng đế tiêu biểu, hội đủ tư duy và phương pháp đối nội, đối ngoại như một nhà chính trị có biệt tài, đã cống hiến đáng kể cho dân tộc những tư tưởng, đạo đức, tạo tư duy cho xã hội đương thời. Ông cũng dũng cảm xông pha trận mạc, đồng thời bình tĩnh chỉ huy quân dân Đại Việt đánh thắng đế quốc Mông Cổ, một thế lực mạnh nhất thế giới thế kỷ XIII…

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)

Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278)

Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329)

Vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341)

Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

Vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372)

Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377)

Vua Trần Phế Đế (1377 - 1388)

Vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398)

Vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)

Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)

Vua Trần Trùng Quang (1409 - 1414)

leftcenterrightdel
 Vua Trần Nhân Tông (Năm sinh: 1258 - năm mất: 1308); (Thời gian làm vua: 1279 - 1293)

Nhân Tông Hoàng đế có tên húy là Khẩm, còn gọi là Trần Khâm, Trần Phật Kim, Trần Nhật Tông. Ông là con trưởng của Thượng hoàng Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái Hậu. Vua sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258) có thần khí tươi sáng, dáng đạo mạo khác thường, vai bên trái có nốt ruồi đen, tương truyền là Kim tiên đồng tử giáng trần. Thuở nhỏ, vốn thông minh, lại được Thượng hoàng quan tâm dạy dỗ. Chọn Lê Phụ Trần làm thiếu sư kiêm chức sử cung giáo thụ giúp đỡ thái tử nên kiến thức ngày càng mở mang. Thượng hoàng Thánh Tông còn trực tiếp viết thơ dạy bảo, do vậy Trần Khâm ngày càng ý thức được việc học hỏi, nghiên cứu là cần thiết, liên quan đến việc trị quốc mai sau.

Được vua cha truyền ngôi năm Kỷ Mão (1279) lấy niên hiệu Thiệu Bảo rồi Trùng Hưng, là thời kỳ quân Nguyên đánh bại nhà Tống ở Nhai Sơn, vua Tống cùng triều thần hậu cung và hàng vạn người phải nhảy xuống biển trầm mình. Nhà Tống hoàn toàn thất bại. Thôn tính xong nhà Tống quân Nguyên rảnh tay đánh các nước phương Nam. Do vậy, Nhân Tông Hoàng đế phải cùng Thượng hoàng lo tính việc chuẩn bị đối phó với đối thủ hung hãn Nguyên - Mông.

Năm Tân Tỵ (1281) Vua sai Trần Di Ái sang sứ nhà Nguyên. Di Ái bất tài nhu nhược bị nhà Nguyên mua chuộc, nhận làm tước lão hầu và nhà Nguyên cho Sài Xuân (Thung) dẫn 5000 quân hộ tống Trần Di Ái về nước. Đến Thăng Long, Sài Xuân kiêu ngạo, ngang ngược với những hành vi và lời lẽ hỗn xược ép buộc đế triều Trần, nhưng vua Trần cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã viện lý khước từ khôn khéo khiến chúng thất bại trở về. Còn bọn Trần Di Ái đều bị phạt tội đồ, bắt làm binh lính thường.

Để đối phó với đội quân hung hãn đảm bảo sự tồn vong của đế triều, vua Trần tổ chức Hội nghị Bình Than tại vũng Trần Xá - Hải Dương để cùng các tướng lĩnh bàn kế sách chống giặc. Triều đình cũng cho mọi người biết thế và lực của đội quân thiện chiến đã từng chinh phục nhiều nước khắp châu Á, châu Âu, đặc biệt là thôn tính nước Tống, lập thành đế chế nhà Nguyên. Chúng đã mở rộng lãnh thổ từ bờ Tây Thái Bình Dương đến phía Bắc Địa Trung Hải và nguy cơ chúng tiến đánh phía Nam thôn tính Đại Việt, Chiêm Thành, Chân Lạp. Như vậy triều Trần vừa phải giải quyết những khó khăn nội trị, lại phải lo ngay việc đối phó với đế quốc Mông - Nguyên mạnh gấp bội.

Bởi tính chất quan trọng của hội nghị nên Trần Nhân Tông cho mời các tướng lĩnh và cả các vương hầu trong hoàng tộc để cùng lo liệu gánh vác đại sự... Tại Hội nghị này, vua Trần Nhân Tông thu nạp lại Huệ Nhân Vương Trần Khánh Dư đang bị kỷ luật, phải chở than đi bán và cho làm Phó tướng. Vua Trần Nhân Tông cũng cho cam động viên các tướng tuy còn niên thiếu mà hăng hái muốn đánh giặc, như Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toàn và Hoài Nhân Vương Kiện...

Sau hội nghị Bình Than năm 1282 vua Trần Nhân Tông cho các vương hầu điều quân tập trận cả thủy lẫn bộ, để xem thực lực và trình độ tác chiến, chỉ huy. Sau đó tiến phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công tiết chế thống lĩnh thiên hạ chư quân sự, đồng thời sắp đặt tướng lĩnh, quân ngũ chuẩn bị cho cuộc chiến. Sau đó vua Trần Nhân Tông cùng Hưng Đạo vương đã tổ chức đại duyệt quân đội, đồng thời chia quân trấn giữ các nơi trọng yếu. Và khi biết chính thức nhà Nguyên sai Trấn Nam vương Thoát Hoan cùng các tướng giả danh mượn đường đánh Chiêm Thành, thực chất là đánh Đại Việt thì Thượng hoàng cùng vua Trần Nhân Tông tổ chức hội nghị bô lão tại điện Diên Hồng - Thăng Long để các phụ lão cả nước xác định quyết tâm đánh giặc cứu nước. Đây là hội nghị mang tính sách lược, thể hiện tính dân chủ trong quân sự mà xưa nay hiếm triều đại nào tổ chức được. Cũng chính từ thành công của hội nghị Diên Hồng, quyết tâm của các già làng đã tạo thành sức mạnh phi thường giúp cho ba thứ quân (quân triều đình, quân các vương hầu, quân hương binh) duy trì hoạt động kể cả lúc gian nguy nhất. Đặc biệt là việc làm kế “thanh dã” vườn không nhà trống, chặn nguồn lương thực của địch...

Năm 1285, 50 vạn quân giặc như vũ bão đánh chiếm các cửa ải Vĩnh Chân, Nội Bàng, Chi Lăng và cả Thăng Long... quân Trần phải rút lui về Vạn Kiếp. Vua tôi nhà Trần lo lắng trước thế giặc mạnh. Một số tông thất, tướng sĩ hoảng hốt đầu hàng giặc. Trước tình thế khó khăn đó, Hưng Đạo Vương bàn định với nhà vua kế hoạch hội quân vượt biển vào Nam để bảo toàn lực lượng. Trần Nhân Tông lo lắng nhưng vẫn vững tâm, trong gian nguy, ông lạc quan đề thơ:

“Cối kê cựu sự quân tu kỳ,

Hoan, ái do tôn nhập vạn binh”.

Dịch:

“Côi Kê việc cũ người nên nhớ,

Thanh, Nghệ hãy còn chục vạn quân”.

Thế giặc rất mạnh, chúng đánh chiếm, tàn phá Vạn Kiếp, Phả Lại. Ngày 3 tháng 5, hai vua thân làm tướng đánh địch thắng lớn ở Trường Yên, lại thắng ở Tây Kết, nguyên soái của quân Mông - Nguyên là Toa Đô bị chém đầu, Ô Mã Nhi hoảng hốt rút chạy, Thoát Hoan và Lý Hằng bị Hưng Đạo Vương đánh cho đại bại ở Vạn Kiếp, phải chạy trốn về Tư Minh (Trung Quốc). Trên đường rút lui, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để tránh tên tẩm thuốc độc của phục binh một cách nhục nhã. Thế là sau 5 tháng chiến đấu gian khổ, ngày 6 tháng 6, hai Vua trở lại kinh sư cùng quân dân ăn mừng chiến thắng.

Thất bại nặng nề nên nhà Nguyên quyết chí phục thù Tháng Giêng năm Mậu Tý (1288) lại sai Thoát Hoan, Ô Mã Nhi tiến đánh nước ta một lần nữa.

Nhưng đoàn thuyền lương của chúng bị quân Trần tiêu diệt ngay từ trận đầu nên chúng hoang mang, mặc dù địch chiếm được Thăng Long và với lực lượng hùng mạnh 30 vạn quân cũng phải tìm đường rút lui. Với chiến trận Bạch Đằng vào tháng 4 lịch sử năm 1288 hai vua (thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông) cùng tướng lĩnh nhà Trần đã làm cho chúng khiếp đảm kinh hồn. Hàng vạn quân xâm lược cùng hàng trăm chiến thuyền bị tan tác. Ngay cả ý đồ xâm lược cũng từ đây mà tiêu tan, không dám nghĩ đến đánh chiếm Đại Việt:

“Lính già từng trải mùi chinh chiến

Nghe đến Nam chinh ủ mặt mày”

Như vậy, 30 vạn quân Nguyên xâm lăng Đại Việt lần III cũng chỉ sau 4 tháng phải đại bại rút lui. Vua tôi nhà Trần lại trở về kinh đô, đại xá cho thiên hạ. Để ghi chiến tích lẫy lừng này, danh sĩ Trương Hán Siêu đời Trần đã viết:

“Vua Trần hai vị thánh quân

Sông kia còn dầu tẩy trần giáp binh

Chuyện xưa gẫm cuộc thăng bình

Tại đâu đất hiểm bởi mình đức cao”

Hai vua còn về quê Long Hưng, đem theo bại tướng nhà Nguyên là Tích Lệ Cơ Ngọc cùng nguyên soái Ô Mã Nhi… làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng. Trước cảnh Chiêu Lăng bị giặc tàn phá, chân ngựa đá nơi đây đều bị lấm bùn Nhân Tông Hoàng đế đã ngậm ngùi đề thơ:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thanh mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

Dịch:

“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng”

Vua Trần Nhân Tông sinh ra và lớn lên trong khí thế chuẩn bị kháng chiến cũng như lao vào cuộc chiến chống đế quốc Mông - Thát. Là quốc chủ giữa thời chiến tranh, lại đang trong độ tuổi 30 nên bầu nhiệt huyết của vị hoàng đế đã dâng trào, không sợ gian nguy, coi thường sống chết vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ý chí sắt đá của Thượng hoàng, tự quân, cùng tướng lĩnh ba quân đã hòa đồng thành một con sóng khổng lồ, nhấn chìm quân cướp nước và bè lũ bán nước, tạo thiên anh hùng ca, hào khí Đông A mà lịch sử và nhân loại đời đời ghi nhớ.

Ngoài võ công oanh liệt mà Nhân Tông Hoàng đế kế tiếp được truyền thống của cha ông. Việc trị quốc, thương dân dưới triều đại ông cũng có nhiều điều muốn nói.

Sau chiến tranh đất nước gập nhiều khó khăn, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Nhân dân phải bán ruộng bán đất. Nhiều người phải bán cả con làm nô tỳ. Giá một người chỉ bằng một quan tiền tương đương 3 thăng thóc... Trước tình hình đó, Hoàng đế Nhân Tông xuống chiếu lấy thóc công chẩn cấp cho dân nghèo, đồng thời miễn thuế nhân đinh cho dân. Vua lại xuống chiếu cho dân có thể chuộc lại nô tỳ để giải phóng thân phận thấp hèn cho mọi người.

Đôi khi Vua ngự chơi bên ngoài, thấy các gia đồng gia nô, Vua thường gọi lại hỏi hoàn cảnh và bảo bọn thị vệ không được gào thét xua đuổi họ.

Đối với quan lại mắc sai lầm, vua cũng mở đường sửa chữa sai lầm cho họ. Có lần Phí Mạnh làm An phủ Châu Diễn mắc tội tham ô, bị Vua triệu về phạt đánh, sau đó lại cho về nhậm chức. Phí Mạnh quyết tâm sửa chữa lỗi lầm nên ít lâu sau trở thành người thanh liêm nổi tiếng. Dân địa phương có câu: “Diễn Châu an phủ thanh như thủy” (An phủ Diễn Châu trong như nước). Có lần Vua đang đi có người dân dâng sớ kiện Đỗ Thiên Thư. Nhưng do Thiên Thư có người nhà làm quan to, nên hình quan bỏ qua không dám quyết. Trần Nhân Tông cho dừng xe ngay lại, đồng thời sai quan xét xử tại chỗ, quả nhiên người dân kia được thắng kiện. Thấy rõ sự việc mọi người càng thán phục vị Hoàng đế anh minh.

Trần Nhân Tông lên ngôi báu lúc 22 tuổi, làm vua 14 năm, làm thái thượng hoàng 5 năm sau đó ông xuất gia và tịch ở am Ngọa Vân thọ 51 tuổi để lại cho đời những ấn tượng khó quên.

Nếu như khi tại vị, Trần Nhân Tông hết lòng trong sự nghiệp gìn giữ chủ quyền dân tộc, tắm mình trong khói lửa chiến tranh, thể hiện dũng khí của đấng quân vương tông quý. Lúc yên hàn lại chăm dân một cách tận tâm, thông cảm với nỗi khổ của thần dân, lấy dân làm gốc, thể hiện vai trò thay trời trị nước an dân, vừa là đức độ, thiện tâm của bậc vua hiền thì khi làm Thái thượng hoàng, không phải để an nhàn hưởng lạc, mà vẫn ngày đêm lo sửa sang chính sự cho đất nước, nghĩ đến người kế vị có đảm đương được gánh nặng mà Tông miếu xã tắc, tổ phụ đã giao? Và đột nhiên ông lên kinh đô kiểm tra triều chính, rồi khi thấy vua quan vui thú hưởng lạc, rượu chè say khướt thì tỏ thái độ không vui, lập tức về cung Thái thượng hoàng, và lệnh sáng mai vua phải về chầu. Tại cung điện Thiên Trường ông đã huấn thị phải trái cho quân vương cũng như triều thần phải lấy nước làm trọng, nếu không sẽ bị phế truất, trị tội nghiêm minh (1299).

Lúc Thượng hoàng Nhân Tông ngoài 40 tuổi, thấy vua Trần Anh Tông đã chững chạc là bậc minh quân thì Người xuất gia lên Yên Tử tu hành, vượt qua mọi sự quyến rũ, ngăn trở của quyền quý nhung lụa, cũng như tình cảm phụ tử, quân thần đầy lưu luyến để dấn thân vào nơi gió sương, đạm bạc cùng núi thẳm hang sâu, xa lánh bụi trần để tu Thiền và trở thành Đệ nhất tổ của phái Trúc Lâm. Một giáo phái mang tính độc lập. Khuyên người ta gắn đạo và đời, không quá câu nệ việc khổ hạnh, không phải xa lánh trần tục, cốt sống có nhân có nghĩa, phải có tính nhân ái, thương người hoạn nạn khó khăn. Lúc giàu sang, vinh hiển không được quên thủa hàn vi, từ đó mà tu thân làm lợi cho nhà cho nước.

Việc tìm đường đến với đạo Thiền, đến với giáo lý nhà Phật để hiểu thêm về con người, vạn vật, để làm sáng tỏ thêm tình thương rộng lớn, dần dần sẽ không có sự phân biệt đẳng cấp xã hội, để cho nhân loại sống bác ái, bình đẳng. Điều này càng chứng tỏ tư tưởng “thân dân” của ông là chân tình, không phải như một số người ở cương vị cao sang đã dùng nó làm khẩu hiệu mị dân, khi gian lao khổ hạnh đã qua thì không biết đến dân, chỉ lo được vinh thân phì gia...

Nhân Tông còn nhuần nhuyễn quan điểm nhân sinh, cũng như vũ trụ của đạo Phật, điều này được thể hiện qua việc trị nước an dân cũng như sang kinh đô Chiêm Thành thắt chặt mối bang giao, lại gả con gái Huyền Trân cho vua Chiêm, mong thắm tình hữu nghị hai nước, để được quốc thái dân an không còn binh đao chết chóc.

Nhưng sao ông vua anh hùng Trần Nhân Tông lại chấp nhận đạo Phật, đi tìm sự chính yếu của đạo, của một Tông giáo và chọn Yên Tử làm mảnh đất thiêng cho dòng thiền Trúc Lâm? Chính kiến của ông có phải muốn tách đạo Phật ra khỏi đời sống xã hội, đời sống chính trị không? Và sao ông không chọn chùa Phổ Minh đã có nhiều gắn bó với cuộc đời tu hành lại là quê hương. Tại đây ông đã mở hội Vô lượng, bá thí vàng bạc, tiền lụa để chẩn cấp cho người nghèo trong nước và giảng kinh Phật. Không chọn các điểm trung tâm Phật giáo xung quanh kinh thành? Để đến với Yên Tử non thiêng xa xôi cách trở, lên hẳn độ cao trên dưới một nghìn mét thiết lập cũng như hoàn thiện một hệ thống công trình, tuy thanh đạm nhưng rất có ý nghĩa với hệ giáo lý Phật pháp Trúc Lâm. Và đã có một thời hệ tư tưởng, đạo đức Trúc Lâm thiền Tông song song tồn tại và phát triển cùng dân tộc, làm nên trang sử dựng nước, giữ nước. Việc này làm cho triều thần sửng sốt, nhưng với ông đây là chủ ý “Trăm năm lòng nói với lòng”.

Có lên Yên Tử đi từ chùa Cầm Thực, Chùa Lân, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, am Thiền Định, thác Ngự Đội, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân tiêu rồi tượng An Kỳ Sinh, chùa Đồng... mới thấy thiên nhiên của núi rừng Yên Tử ưu ái cho sự hành đạo như thế nào? Có thể nhìn lại xứ sở mà Thích Ca Mâu Ni đắc đạo dưới gốc cây Bồ Đề chân núi Hy - Mã - Lạp - Sơn, cạnh núi Tượng Đầu mới thấy sự đắc địa qui thiền của núi rừng Yên Tử. Có người cho sườn núi phía nam của Yên Tử hợp cách tự nhiên cho người ngồi thiền, như có một lực từ trường hút về phía nam đúng với dáng ngồi hơi nghiêng về trước. Cùng với tư thế ngồi thiền, người tu hành còn phải điều thân, tĩnh tâm. Nghĩa là phải kìm chế ăn uống, dẹp trừ một ý nghĩ, ngôn ngữ phàm tục, sao cho trong không thấy thân tâm, ngoài không bị khách quan ám ảnh. Bởi địa thế trong lành, thanh tịnh của Yên Tử nên từ lâu đời đã có An Kỳ Sinh về đây tu tiên đắc đạo. Thiền sư Hiện Quang thời Lý, thiền sư Phù Vân đầu thời Trần cũng tọa thiền nơi đây. Do vậy Điều Ngư Giác hoàng Nhân Tông chọn Yên Tử làm quê hương giáo phái Trúc Lâm hẳn là điều dễ hiểu.

Song Tăng Hải Hòa là đệ tử Trúc Lâm thế kỷ XVIII lại căn cứ vào tài năng quân sự và lòng yêu nước của Nhân Tông để nhận định: “Người ta thấy Điều Ngư đệ nhất tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo ngài xuất gia. Ta biết rằng Đức ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm. Cái ý ấy là không tiện nói rõ sợ người ta dao động. Cho nên nhằm được ngọn Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng nên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô lượng lực Đại thế chí Bồ tát…”[1]

Những thập kỷ gần đây, một số nhà nghiên cứu tán đồng ý kiến này, cho việc Nhân Tông dựng lập thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử còn có ý là một vọng gác tiền tiêu phía Đông Bắc trọng yếu, để dạo chơi theo dõi tình hình địch phương Bắc.

Nhưng một số nhà nghiên cứu, nhất là Trần Trương viết sách “Chùa Yên Tử - lịch sử, truyền thuyết di tích và danh thắng” Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin - Hà Nội lại viết khác với ý kiến trên, cho rằng Hoàng đế Nhân Tông trong tay có hàng vạn tướng sĩ, đâu lại phải “trở thành một cái tôi hữu hạn, biến mình làm lính gác biên thùy?”

Nhân Tông là một ông vua có bản lĩnh quả quyết, kiên cường, biết tiến, thoái của vị tướng, lại bình tĩnh, ung dung của nhà ngoại giao, hoạt động chính trị, thâm sâu của nhà thiền sư Đại đầu đà. Và tất cả sự đa dạng, nhân ái, hồn hậu đó được dồn vào tâm hồn đầy tế nhị, thanh thoát trong thơ ông. Ông đã viết về núi Bảo Đài, một ngọn của dãy Yên Tử qua bài “Đăng Bảo Đài sơn”.

Đất vắng đền đài thêm cổ xưa

Xuân sang vừa đó mới theo mùa.

Gần xa thấp thoáng mây lồng núi,

Nắng, rợp, mơ hồ một ngõ hoa.

Nước đẩy, nước trôi đời vạn sự.

Tâm nghe lòng nhủ, tháng năm qua.

Nâng ngang ống sáo bên thềm vắng.

Đầy ngực trăng thanh tỏa ánh ngà.

(Băng Thanh dịch)

Trần Nhân Tông mô tả vẻ đẹp của cây mai khác với nhiều người là không gợi tả sự cứng rắn bất chấp gió sương, mà gợi tả vẻ đẹp tinh khiết một cách như thực, như hư. Suốt một mùa đông rét mướt khoe sắc, ấy vậy mà sang xuân màu sắc rạng rỡ ấy lại tan biến khiến cho cành mai đầy lưu luyến đi vào trong mộng và phải chăng, bài “Tảo mai” dưới đây là bài thơ đặc sắc Nhà thơ đã đưa cái sắc, cái không quyện vào nhau, chỉ ra cái vô thường của thiên nhiên cho người đời, nhất là đệ tử suy ngẫm để giảm bớt những ham muốn trong phàm tục.

Năm cánh hoa tròn nhị điểm vàng,

San hô, vảy bạc vẻ tân trang.

Ba đông san sát cành khoe trắng,

Một thoáng xuân về đã rụng quang.

Móc ngọt chảy thơm tan giác bướm,

Trăng đêm loáng nước khát chim rừng.

Hằng Nga ví biết hoa mai đẹp,

Đâu tiếc cung thiềm lạnh quế hương...

Trong thơ Trần Nhân Tông cũng có những cảm xúc đầm ấm về quê hương Thiên đường. Cảm quan đó thật quen thuộc cũng dễ bị tan biến trong bài “Thiên Trường vãn vọng”.

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô bán hữu tịch dương biên.

Mục đồng địch lý qui ngưu tận.

Bạch nộ song song phi hạ điền.

Dịch nghĩa:

Xóm trước thôn sau tựa khói lồng,

Bóng chiều dường có lại dường không.

Mục đồng sáo vắng trâu về hết,

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

(Ngô Tất Tố dịch)

Theo thư tịch thì Trần Nhân Tông đã viết các sách:

- Đại Hương Hải ấn thi tập.

- Táng già toái sự.

- Thạch thất mị ngữ.

- Thiền lâm thiết chủy ngữ lục.

- Trần Nhân Tông thi tập.

- Trung hưng thực lục.

Nhưng các tác phẩm trên hầu như bị thất lạc, chỉ còn lưu lại khoảng trên 30 bài thơ và bài phú “Cư trần lạc đạo” (Chép trong Việt âm thi tập và Thiền bản hạnh).

Trần Nhân Tông, ông vua thứ ba thời Trần là vị hoàng đế tiêu biểu đã kế thừa và phát huy được những ưu việt của cha ông. Là một vị hoàng đế nhưng ông đủ phương pháp đối nội, đối ngoại như một nhà chính trị có biệt tài, đã cống hiến đáng kể cho dân tộc những tư tưởng, đạo đức, tạo tư duy cho xã hội đương thời. Trần Nhân Tông còn dũng cảm xông pha trận mạc, đồng thời bình tĩnh chỉ huy quân dân Đại Việt đánh thắng đế quốc Mông Cổ, một thế lực mạnh nhất thế giới thế kỷ XIII. Việc Nhân Tông xuất gia là để phát huy sự nghiệp mà tổ phụ đã phụng sự, từ đó để nhân lên tạo một đạo giáo mang đặc thù Việt Nam, gắn đạo và đời để cứu độ, giải thoát cho chúng sinh lầm lỗi. Điều đặc biệt nữa là dù làm vua, làm tướng, làm Đại đầu đà ở cõi thâm sơn cùng cốc Yên Tử, lúc nào tâm hồn ông cũng hòa với thiên nhiên, với quê hương đất nước và trở thành nhà thơ, nhà văn hóa tiêu biểu thời Thịnh Trần - thế kỷ XIII. Có thể nói Hoàng đế Trần Nhân Tông là một con người trọn vẹn cả việc đạo, việc đời, để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho hậu thế.

Hoàng đế Trần Nhân Tông còn được tôn là Điều ngư giác hoàng (Vị hoàng đế giác ngộ đạo Phật). Trước khi qua đời, Điều ngư giác hoàng tổ chức lễ truyền đăng Y bát cho thiền sư Pháp Loa. Cùng năm ấy Công chúa Huyền Trân được cứu khỏi dàn hỏa thiêu ở Chiêm Thành về đã lên Yên Tử thăm cha lần cuối. Truyền thuyết còn nói vào đầu mùa đông năm 1308, Điều ngư giác hoàng cùng một tiểu đồng đi bộ về kinh thăm chị là Công chúa Thiên Thụy đang bị ốm. Đi bộ mười ngày đến kinh sư xong lại quay về Yên Tử. Trên đường Ngài ghé thăm chùa Siêu Loại, chùa Pháp Vân, chùa Sùng Nghiêm rồi về am Bình Dương thăm Tuyên từ hoàng thái hậu đang tu hành ở đó...

Về tới am Ngọa Vân, Ngài cho gọi Thiền sư Bảo Sái về và bảo có chữ gì trong Phật pháp chưa rõ thì hỏi... Sau đó Ngài đẩy cửa sổ nhìn trời và biết là giờ Tý liền mỉm cười rồi ra đi về cõi vĩnh hằng.

Trước đó hai ngày, Ngài đã thảo di chúc về việc tang lễ đơn giản, hỏa táng với nghi lễ đơn sơ, sau đó mới báo tín về kinh sư…

Một vị hoàng đế anh hùng, bỏ chốn hoàng thành nhung lụa, sống thanh đạm và ra đi cũng đơn giản, bình dị vào ngày 3 tháng 11 để lại cho tín đồ Phật tử, cho hoàng tộc Trần và cả dân tộc nhiều suy tư luyến tiếc. Cả nước kính cẩn quỳ dưới chân Ngài tiếc thương, vừa tự hào bởi lịch sử Đại Việt có đấng minh quân rất đáng trân trọng./.



[1] Thơ văn Ngô Thì Nhậm (tập 1), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực