ĐIỀU LỆ
HỘI ĐỒNG HỌ TRẦN VIỆT NAM
Lời nói đầu
Họ Trần Việt Nam hiện nay là dòng họ lớn thứ hai ở Việt Nam, đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc hàng nghìn năm với các dòng họ khác. Đặc biệt, Vương triều Trần tồn tại 175 năm chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, với lịch sử hào hùng, oanh liệt ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm lược ở thế kỷ XIII. Vương triều Trần đã để lại một di sản to lớn trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội và đối ngoại, góp phần đưa Đại Việt trở thành một nước hùng mạnh nhất Đông Nam Á hời bấy giờ.
Trong “Việt Nam lịch sử diễn ca”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Đời Trần văn giỏi, võ nhiều
Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiền minh”.
Bước sang thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh, trên khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, cộng đồng người họ Trần Việt Nam đã và đang phát huy truyền thống anh hùng của tổ tiên, tích cực cống hiến công sức, trí tuệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đáp ứng tâm tư nguyện vọng của cộng đồng người họ Trần trong cả nước, Ban liên lạc họ Trần Việt Nam được thành lập ngày 07/5/1995 đã kết nối, xây dựng và phát triển hoạt động của dòng họ. Tuy nhiên, đến nay cơ cấu tổ chức và Quy chế cũ không còn phù hợp với tình hình hoạt động và phát triển của dòng họ. Thể theo nguyện vọng của đông đảo bà con họ Trần, cần có một tổ chức mới đủ uy tín và nhiệt huyết để lãnh đạo họ Trần Việt Nam đoàn kết, thống nhất, phát triển. Hội đồng họ Trần Việt Nam được thành lập nhằm tiếp tục thực hiện tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ mà Ban Liên lạc họ Trần Việt Nam trước đây đã đề ra, tiếp tục phát huy năng lực, sức mạnh đoàn kết, tương thân, tương ái trong dòng họ ở giai đoạn mới.
Hội đồng họ Trần của họ Trần Việt Nam được tổ chức thành hệ thống, bao gồm Hội đồng họ Trần Việt Nam (cấp trung ương) và Hội đồng họ Trần cấp địa phương.
Quyết định số 04/2019/QĐ-DHVN ngày 15/02/2019 của Cộng đồng các dòng họ Việt Nam công nhận Hội đồng họ Trần Việt Nam là tổ chức thành viên của Cộng đồng các dòng họ Việt Nam, là tổ chức đại diện cho họ Trần tại Việt Nam.
CHƯƠNG I
TÊN GỌI, MỤC ĐÍCH, TÔN CHỈ, CỜ, BIỂU TƯỢNG, HUY HIỆU
Điều 1. Tên gọi, tư cách đại diện
1. Hội đồng họ Trần Việt Nam: Tên gọi: Hội đồng họ Trần Việt Nam (viết tắt HĐHTVN).
HĐHTVN là tổ chức đại diện cao nhất của cộng đồng người họ Trần Việt Nam.
HĐHTVN có con dấu thể hiện logo đã đăng ký bản quyền, có tài sản và mở tài khoản để giao dịch theo quy định của pháp luật.
Trụ sở chính của Hội đồng họ Trần Việt Nam đặt tại Thủ đô Hà Nội.
2. Hội đồng họ Trần địa phương:
a) Hội đồng họ Trần tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hội đồng họ Trần của người họ Trần Việt Nam ở nước ngoài.
b) Hội đồng họ Trần quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
c) Hội đồng họ Trần xã, phường, thị trấn.
Hội đồng họ Trần địa phương đại diện cho cộng đồng người họ Trần trong phạm vi lãnh thổ, phạm vi quản lý của mình và chịu sự chỉ đạo của Hội đồng họ Trần cấp trên. Hội đồng họ Trần các cấp được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ này.
Điều 2. Mục đích, tôn chỉ
1. HĐHTVN và Hội đồng họ Trần địa phương (viết tắt là HĐHT) được thành lập nhằm tập hợp tất cả những người họ Trần có nguyện vọng tham gia hoạt động dòng họ để xây dựng dòng họ Trần Việt Nam đoàn kết, thống nhất, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng người họ Trần trong toàn quốc. HĐHT có nhiệm vụ vận động, tuyên truyền, giáo dục truyền thống tốt đẹp để con cháu họ Trần tự hào, phát huy truyền thống Hào khí Đông A trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. HĐHT là địa chỉ kết nối, giao lưu tình cảm, tìm hiểu lịch sử dòng họ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, công tác, chiến đấu, sản xuất, kinh doanh và xây dựng cuộc sống gia đình.
3. HĐHT xây dựng trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
4. HĐHT hoạt động theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ Điều lệ này.
Điều 3. Cờ, biểu tượng, huy hiệu
1. HĐHTVN và HĐHT địa phương sử dụng cờ ngũ sắc có chữ Trần (陳) màu vàng ở giữa nền đỏ.
2. Biểu tượng của HĐHTVN và HĐHT địa phương là Logo đã được đăng ký bản quyền (Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, số: 6113/2018/QTG).
Logo có dạng hình tròn thiết kế 5 mầu, gồm chữ Trần (陳) mầu đỏ ở giữa vòng tròn mầu vàng trên nền hoa văn trống đồng thời đại Hùng Vương, xung quanh có chữ in hoa “HỘI ĐỒNG HỌ TRẦN VIỆT NAM” có ý nghĩa họ Trần trong lòng dân tộc Việt Nam, có nguồn gốc từ thời các Vua Hùng.
3. Huy hiệu là một hình tròn bằng kim loại, đường kính 25mm mang hình biểu tượng HĐHTVN nền đỏ, hoa văn và chữ mầu vàng, có khâu đeo trên áo.
CHƯƠNG II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG HỌ TRẦN
Điều 4. Nhiệm vụ của Hội đồng họ Trần
1. Xây dựng hệ thống tổ chức HĐHT đoàn kết, thống nhất trong cả nước;
2. Tổ chức, duy trì hoạt động của HĐHT theo Điều lệ;
3. Tổ chức Đại hội đại biểu HĐHT toàn quốc để thông qua hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ HĐHTVN, bầu và miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, và Ủy viên Hội đồng;
4. Ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức trực thuộc, các đơn vị chức năng. Quy định về nguyên tắc, chế độ sử dụng và quản lý tài chính, tài sản của Hội đồng, thực hiện công tác khen thưởng và kỷ luật;
5. Tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình hoạt động do Đại hội thông qua; thảo luận và thông qua kế hoạch công tác hàng năm; phê duyệt kế hoạch và quyết toán tài chính hàng năm;
6. Nghiên cứu lịch sử, văn hóa dòng họ, hệ thống đền thờ, từ đường dòng họ, nghiên cứu gia phả, phát triển các nhánh, các chi nhánh của họ Trần; thu hút các hệ phái thống nhất về sinh hoạt tại HĐHT các cấp;
7. Tổ chức hoặc tham gia các sự kiện:
a) Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động trong các ngày lễ truyền thống họ Trần Việt Nam:
- Ngày giỗ Tổ họ Trần (ngày mất Đức tổ Thái thượng hoàng Trần Thừa), ngày 18/01/1234 âm lịch;
- Ngày Trần Thái tông (Trần Cảnh) lên ngôi Vua, ngày 11/12/1225 âm lịch, (ngày 10 tháng 01 năm 1226 dương lịch) đánh dấu sự ra đời Vương triều Trần.
- Ngày mất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, ngày 20/8/1300 âm lịch.
- Ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (ngày mất), ngày 03/11/1308 âm lịch;
b) Tổ chức các buổi hành hương về các di tích lịch sử như: Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh); Đền Trần Nam Định; Đền Trần Thái Bình tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình; chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang; Đền Trần tại TP.Hồ Chí Minh, các di tích lịch sử khác như đền Kiếp Bạc, bến Vân Đồn, đền Hùng, chùa Tây Thiên...
HĐHT địa phương có thể chọn di tích lịch sử đền Trần ở địa phương, xây dựng Nhà truyền thống để thống nhất nơi tổ chức các hoạt động truyền thống của HĐHT địa phương mình.
c) Khuyến học, khuyến tài:
- Vinh danh học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó (phân cấp khen thưởng: Trung ương khen thưởng các em đạt giải quốc gia, quốc tế; HĐHT cấp tỉnh khen thưởng các cháu ở cấp tỉnh; HĐHT cấp huyện khen thưởng ở cấp huyện…);
- Vinh danh những người làm kinh tế giỏi; những doanh nhân thành đạt;
- Vinh danh những người có hành động đột xuất thể hiện phẩm chất cao quý.
d) Hoạt động mừng thọ (phân cấp tổ chức mừng thọ cho Hội đồng họ Trần cấp huyện, cấp tỉnh: cấp huyện mừng thọ Hội viên 75, 80 tuổi; cấp tỉnh mừng thọ Hội viên từ 85, 90, 95 tuổi trở lên).
đ) Vinh danh các thành viên họ Trần đạt các danh hiệu cao quý như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân; Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân; Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc nhân dân; Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư; phong, thăng cấp hàm Tướng (Công an, Quân đội) và các danh hiệu cao quý khác được Nhà nước phong tặng...
8. Hoạt động từ thiện: giúp thành viên họ Trần là người nghèo có cuộc sống quá khó khăn, gặp rủi ro, đau ốm kéo dài; đồng bào bị hậu quả thiên tai (bão, lụt, biến đổi khí hậu...).
9. Tổ chức tọa đàm, phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về lịch sử, văn hóa, gia phả dòng họ, xây dựng gia đình họ Trần văn hóa, phát triển...; phối hợp xuất bản sách, các tập san chuyên đề, qua website và các hình thức tuyên truyền khác quảng bá văn hóa, lịch sử họ Trần.
10. Động viên, giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả; giúp đỡ các gia đình phát triển, hòa thuận, hạnh phúc. Động viên, khuyến khích thực hiện lời dạy của Tổ tiên: “Trên dưới đồng lòng, anh em hòa mục”, lời thề của dòng họ “Làm con chí hiếu, làm tôi tận trung, làm quan trong sạch”, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong học tập, công tác, phấn đấu tiến bộ, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
11. Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, HĐHTVN và HĐHT địa phương còn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm hoặc đột xuất ở phạm vi cả nước và ở từng địa phương không trái với Điều lệ.
Điều 5. Quyền hạn của Hội đồng họ Trần
1. Đại diện cho cộng đồng họ Trần Việt Nam trong phạm vi quy định;
2. Tổ chức, hoạt động theo Điều lệ HĐHTVN;
3. Đại diện cho Hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng;
4. Tổ chức, chỉ đạo, phối hợp hoạt động các tổ chức, đơn vị trực thuộc, các Hội viên vì lợi ích chung của dòng họ; hòa giải tranh chấp trong nội bộ Hội đồng;
5. Tổ chức hoạt động gây quỹ cho Hội đồng trên cơ sở đóng góp của Hội viên, tài trợ của các doanh nghiệp và của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước;
6. Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí, tài sản của Hội đồng theo đúng mục đích và theo quy định của Nhà nước và của Hội đồng.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ TRẦN
Điều 6. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Trần
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ HĐHTVN;
2. Tự nguyện, tự quản, đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ và sức mạnh mọi mặt của cộng đồng người họ Trần Việt Nam, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
3. Tập trung dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch;
4. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động;
5. Không lợi dụng hoạt động của HĐHT để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Điều 7. Tổ chức Hội đồng họ Trần
1. HĐHTVN là cơ quan lãnh đạo cao nhất của họ Trần Việt Nam; HĐHT địa phương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của họ Trần ở địa phương mình. Ban lãnh đạo Hội đồng, Thường trực Hội đồng do Đại hội đại biểu họ Trần bầu ra để điều hành hoạt động của các tổ chức trực thuộc giữa hai kỳ Đại hội. HĐHT, Thường trực Hội đồng quyết định theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, đồng thuận đa số; trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyền quyết định thuộc về Chủ tịch Hội đồng.
2. Ủy viên HĐHTVN, Ủy viên HĐHT địa phương do Đại hội trực tiếp bầu. Trong trường hợp cần thiết, HĐHT, Thường trực Hội đồng được bầu bổ sung một số Ủy viên Hội đồng.
Uỷ viên HĐHT gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Thường trực Hội đồng, các Ủy viên tại các tổ chức trực thuộc, các Ủy viên đại diện cho HĐHT cấp dưới.
3. Nhiệm kỳ của Ủy viên HĐHT theo nhiệm kỳ Đại hội. Ủy viên HĐHT có thể bị miễn nhiệm trước thời hạn theo quyết định của Đại hội bất thường hoặc của Hội nghị HĐHT. Trong trường hợp cần thiết, Thường trực HĐHT có thể miễn nhiệm, bầu bổ sung Ủy viên Hội đồng, các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhưng phải báo cáo Hội nghị HĐHT phiên gần nhất. Ủy viên HĐHT có thể xin từ nhiệm nhưng phải báo cáo với Thường trực Hội đồng trước 1 tháng.
4. HĐHT họp định kỳ mỗi năm một lần; tùy theo tình hình cụ thể, Chủ tịch Hội đồng có thể triệu tập họp Hội đồng bất thường.
Điều 8. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng họ Trần
1. Các tổ chức thuộc Hội đồng họ Trần Việt Nam:
a) Ban lãnh đạo gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng;
b) Thường trực Hội đồng;
c) Ban Cố vấn;
d) Văn phòng;
đ) Ban Tổ chức;
e) Ban Nghiên cứu lịch sử, văn hóa;
g) Ban Kinh tế:
- Hiệp hội doanh nhân họ Trần Miền Bắc;
- Hiệp hội doanh nhân họ Trần Miền Nam;
- Các doanh nghiệp và tổ chức trực thuộc khác.
h) Ban Truyền thông và đối ngoại;
i) Ban Chính sách;
k) Ban tư vấn sức khỏe;
l) Câu lạc bộ Sĩ quan họ Trần Việt Nam.
HĐHTVN căn cứ vào yêu cầu, quy mô hoạt động và sự phát triển thực tế để xem xét, quyết định thành lập hoặc giải thể các tổ chức trực thuộc.
2. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng họ Trần cấp tỉnh:
a) Ban lãnh đạo gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng;
b) Thường trực Hội đồng;
c) Ban cố vấn;
d) Văn phòng;
đ) Câu lạc bộ Sĩ quan họ Trần;
e) Hội doanh nhân họ Trần;
g) Các tổ chức trực thuộc khác.
3. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng họ Trần cấp huyện:
a) Ban lãnh đạo gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch;
b) Thường trực Hội đồng;
c) Văn phòng;
d) Câu lạc bộ Sĩ quan họ Trần;
đ) Các tổ chức trực thuộc khác.
4. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng họ Trần cấp xã do Hội đồng họ Trần cấp huyện quyết định.
5. Thẩm quyền xem xét thành lập các tổ chức, đơn vị trực thuộc:
a) Các tổ chức thuộc HĐHTVN và Hội đồng họ Trần cấp tỉnh, Hội đồng họ Trần ở nước ngoài do Thường trực HĐHTVN xem xét, quyết định thành lập hoặc công nhận;
b) Các tổ chức thuộc HĐHT cấp tỉnh và Hội đồng
họ Trần cấp huyện do Hội đồng họ Trần cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc công nhận;
c) Các tổ chức thuộc HĐHT cấp huyện và HĐHT cấp xã do HĐHT cấp huyện quyết định thành lập hoặc công nhận. Hoạt động của các tổ chức thuộc HĐHTVN và HĐHT địa phương phải tuân theo Điều lệ HĐHTVN và Quyết định, hướng dẫn của HĐHT cấp trên.
Điều 9. Thường trực Hội đồng họ Trần
1. Thường trực Hội đồng là cơ quan thay mặt Hội đồng chỉ đạo, điều hành hoạt động của HĐHT giữa hai kỳ họp của Hội đồng, báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng trong các kỳ họp.
2. Thường trực HĐHT gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên Thường trực.
3. Thường trực Hội đồng có nhiệm vụ sau:
a) Thực hiện các nhiệm vụ đối nội, đối ngoại và công tác thường xuyên của Hội đồng;
b) Quyết nghị thành lập, giải thể hoặc công nhận các tổ chức, đơn vị chức năng trực thuộc; bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo Hội đồng, lãnh đạo các tổ chức, đơn vị trực thuộc và các Ủy viên Thường trực, các Ủy viên HĐHT trong trường hợp cần thiết theo quy định của Điều lệ này;
c) Quy định mức đóng hội phí;
c) Xét khen thưởng và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
4. Thường trực Hội đồng họp 03 tháng một lần. Thường trực Hội đồng có thể họp bất thường, mở rộng theo triệu tập của Chủ tịch Hội đồng.
Điều 10. Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng họ Trần
1. Chủ tịch HĐHT là người có uy tín cao, có năng lực điều hành, quản lý hoạt động của Hội đồng, có khả năng đoàn kết quy tụ các Hội viên, có quan hệ đối ngoại và giao tiếp tốt, do Đại hội đại biểu HĐHT bầu ra trong số Ủy viên Thường trực Hội đồng.
2. Chủ tịch Hội đồng có các quyền hạn và trách nhiệm sau đây:
a) Chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Hội đồng; tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội và Điều lệ HĐHTVN; các Nghị quyết của HĐHT, của Thường trực Hội đồng;
b) Chủ tài khoản của HĐHT;
c) Đại diện cho HĐHT về đối nội và đối ngoại;
d) Trực tiếp điều hành công việc Thường trực Hội đồng;
đ) Ký các quyết định thành lập các tổ chức trực thuộc, các đơn vị chức năng; bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng, phó các tổ chức, đơn vị chức năng trực thuộc;
e) Phê duyệt kết quả Đại hội của HĐHT cấp dưới.
3. Chủ tịch danh dự HĐHT là người đã từng là Chủ tịch HĐHT, có uy tín cao, có sức khỏe, nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến, kinh nghiệm cho việc xây dựng, phát triển HĐHT.
4. Phó Chủ tịch Hội đồng HĐHT:
a) Phó Chủ tịch Hội đồng là người giúp việc cho Chủ tịch; là người có uy tín, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý, điều hành được Đại hội đại biểu HĐHT bầu hoặc được Thường trực Hội đồng bổ nhiệm (và bãi miễn) trong số Uỷ viên Thường trực HĐHT;
b) Các Phó Chủ tịch được Chủ tịch Hội đồng giao trực tiếp phụ trách các tổ chức, đơn vị chức năng hoặc từng nhóm công việc nhất định và chịu trách nhiệm trước Hội đồng và Chủ tịch Hội đồng.
5. Ủy viên thường trực Hội đồng:
Ủy viên thường trực Hội đồng được bầu trong số các Ủy viên Hội đồng, là người có uy tín, năng lực, gương mẫu trong hoạt động dòng họ, giữ vị trí trưởng hoặc phó các tổ chức, đơn vị chức năng của HĐHT hoặc đại diện cho HĐHT cấp dưới.
Điều 11. Ủy viên Hội đồng họ Trần
1. Ủy viên HĐHT được Đại hội đại biểu HĐHT bầu hoặc Thường trực Hội đồng HĐHT bổ nhiệm (và bãi nhiệm). Ủy viên Hội đồng có nhiệm vụ:
a) Tuyên truyền, phổ biến và vận động tổ chức thực hiện Điều lệ HĐHTVN, các Nghị quyết, kế hoạch công tác của HĐHT, tích cực tham gia mọi mặt hoạt động của HĐHT, của các tổ chức, đơn vị mà họ là thành viên, tuân thủ sự phân công trong tổ chức, đơn vị và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao;
b) Chủ động tiếp xúc, gặp gỡ với các chức sắc, thành viên dòng họ, phổ biến, vận động để phát triển tổ chức họ Trần, vận động bà con họ Trần tham gia sinh hoạt với HĐHT, tự giác thực hiện Điều lệ HĐHTVN và Nghị quyết của Đại hội đại biểu và Hội nghị HĐHTVN và HĐHT địa phương mình;
c) Gương mẫu trong sinh hoạt, trong hoạt động dòng họ, trong chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ HĐHTVN;
d) Đóng hội phí theo quy định.
2. Các Ủy viên Hội đồng có quyền:
a) Được thông tin mọi mặt hoạt động của Hội đồng và tình hình liên quan đến dòng họ Trần;
b) Được thảo luận bình đẳng, công khai công việc của họ Trần tại các cuộc hội nghị do HĐHT nơi họ được bầu tổ chức;
c) Được quyền ứng cử, đề cử vào các vị trí trong cơ quan lãnh đạo của HĐHT các cấp;
d) Được phản ánh tình hình, góp ý với Hội đồng những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng. Khi có vướng mắc về hoạt động dòng họ được giúp đỡ giải quyết hợp tình hợp lý trên tinh thần đoàn kết, xây dựng nội bộ.
CHƯƠNG IV
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG HỌ TRẦN
Điều 12. Đại hội nhiệm kỳ và Đại hội bất thường
1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của HĐHT là Đại hội đại biểu HĐHT nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường.
2. Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường được tổ chức dưới hình thức Đại hội Đại biểu Hội viên. Đại hội Đại biểu chỉ được tổ chức khi có trên 1/2 số đại biểu chính thức có mặt.
3. Nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu HĐHTVN và HĐHT các cấp là 5 năm.
4. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 tổng số Ủy viên Hội đồng họ Trần cấp đó đề nghị. Đại hội bất thường giải quyết những nhiệm vụ cấp bách liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐHT các cấp.
Điều 13. Nguyên tắc Đại hội
1. Đại hội thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số để thông qua các Nghị quyết và bầu các Ủy viên và các chức danh lãnh đạo Hội đồng.
2. Đại hội đại biểu HĐHTVN thông qua Điều lệ HĐHTVN, thông qua sửa đổi, bổ sung Điều lệ. Đại hội đại biểu HĐHT thông qua các Nghị quyết Đại hội và bầu Ủy viên, Ủy viên Thường trực; bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng trong số các Ủy viên Thường trực Hội đồng.
3. Đại hội biểu quyết theo hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định.
CHƯƠNG V
HỘI VIÊN HỘI ĐỒNG HỌ TRẦN
Điều 14. Hội viên Hội đồng họ Trần Hội viên của HĐHT gồm: Hội viên chính thức, cố vấn Hội đồng.
1. Hội viên chính thức:
Tất cả những người họ Trần Việt Nam (và những người mang họ khác nhưng có gốc là họ Trần do đã đổi họ vì điều kiện lịch sử) hiện đang sinh sống trong và ngoài nước, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội…, có năng lực trách nhiệm dân sự, chấp nhận Điều lệ HĐHTVN, tự nguyện đăng ký gia nhập, tham gia sinh hoạt thì đều được xem xét công nhận là Hội viên chính thức và được cấp thẻ Hội viên.
2. Cố vấn Hội đồng:
a) Những người họ Trần nguyên lãnh đạo HĐHT; các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, cựu lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, cá nhân có danh tiếng, uy tín, có năng lực và sẵn sàng giúp đỡ dòng họ Trần thì được HĐHT mời làm cố vấn cho Hội đồng;
b) Cố vấn Hội đồng tư vấn về các lĩnh vực giúp HĐHT định hướng phát triển và tổ chức các chương trình hoạt động của HĐHT theo quy định của Điều lệ hoặc Quy định của Hội đồng.
Điều 15. Quyền lợi của Hội viên
1. Các Hội viên được bình đẳng và được hưởng các quyền lợi như nhau trong tổ chức HĐHT.
2. Hội viên được tham dự Đại hội, họp mặt giao lưu, được tham gia các sự kiện do HĐHT tổ chức, được ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo, các chức danh khác của HĐHTVN và HĐHT các cấp, được thảo luận và biểu quyết các công việc củaHĐHT cấp tương ứng;
3. Được cung cấp thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng cho lãnh đạo HĐHTVN và HĐHT các cấp;
5. Được HĐHT biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong hoạt động, phát triển HĐHT và dòng họ;
6. Được rút khỏi Hội đồng khi không còn điều kiện hoặc không còn nguyện vọng tiếp tục tham gia sinh hoạt Hội đồng;
7. Được thăm hỏi khi ốm đau phải nằm bệnh viện, gia đình có việc hiếu; được giúp đỡ khi bản thân hoặc gia đình gặp khó khăn... theo quy định của từng cấp Hội đồng.
Điều 16. Nghĩa vụ của Hội viên
1. Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ HĐHTVN, Nghị quyết của Đại hội, các Quy định của HĐHT các cấp;
2. Đóng hội phí theo quy định;
3. Tham gia các hoạt động của HĐHT;
4. Bảo vệ và góp phần nâng cao uy tín của họ Trần Việt Nam; đoàn kết, hợp tác với các tổ chức dòng họ khác cùng phát triển;
5. Cam kết không lạm dụng uy tín, không làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của HĐHT các cấp;
6. Cung cấp thông tin trung thực, chính xác theo yêu cầu hoặc thông tin đăng tải trên mạng xã hội; chịu trách nhiệm trước HĐHT và pháp luật về những thông tin đã cung cấp hoặc đăng tải;
7. Tham gia đóng góp tài sản, kinh phí duy trì hoạt động và phát triển Hội đồng.
Điều 17. Thủ tục gia nhập Hội đồng và ra khỏi Hội đồng
1. Cá nhân muốn gia nhập Hội đồng phải tự nguyện đăng ký gia nhập và được Thường trực HĐHT cấp tỉnh xem xét, công nhận và cấp thẻ Hội viên.
2. Khi Hội viên muốn ra khỏi HĐHT thì phải có đơn đề nghị. Văn phòng HĐHT cấp tỉnh tiếp nhận đơn, thu hồi thẻ Hội viên, trình Thường trực Hội đồng xem xét đưa ra khỏi danh sách Hội viên.
3. Hội viên không tham gia sinh hoạt từ 3 lần trở lên nếu không có lý do chính đáng được xem xét đưa ra khỏi danh sách Hội viên.
Điều 18. Họp mặt, giao lưu Hội viên
1. HĐHTVN; HĐHT cấp tỉnh, cấp huyện mỗi năm họp 01 lần.
2. Hội đồng họ Trần cấp cơ sở: 6 tháng họp một lần. Ngoài ra, trong dịp Tết, lễ hội, kỷ niệm… có thể tổ chức gặp mặt. Thời gian, địa điểm do Thường trực HĐHT các cấp quyết định.
CHƯƠNG VI
TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CỦA HỘI ĐỒNG HỌ TRẦN
Điều 19. Nguồn tài chính
HĐHTVN và HĐHT các cấp tự chủ về nguồn tài chính, tự trang trải cho mọi hoạt động của mình. Nguồn tài chính của HĐHT bao gồm:
1. Hội phí và đóng góp của Hội viên;
2. Đóng góp của bà con họ Trần, những nhà hảo tâm và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
3. Các nguồn thu khác không trái quy định của pháp luật.
Điều 20. Quản lý, sử dụng nguồn tài chính
1. Văn phòng Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng trực tiếp quản lý nguồn tài chính của Hội đồng; lập sổ sách, phiếu chi, phiếu thu theo đúng qui định về tài chính của Nhà nước và chịu sự kiểm soát của HĐHT, Thường trực Hội đồng.
2. Việc chi phải đúng mục đích, có đầy đủ chứng từ hợp lệ, được Chủ tịch hội đồng hoặc Phó Chủ tịch hội đồng được Chủ tịch hội đồng ủy quyền phê duyệt.
3. Văn phòng phải lập Báo cáo quyết toán tài chính hàng năm trình Chủ tịch Hội đồng phê duyệt.
Điều 21. Tài sản của Hội đồng họ Trần
a) Các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Hội đồng như: Phòng làm việc, bàn, ghế, tủ đựng hồ sơ, máy vi tính, máy in, máy Fax, điện thoại; phương tiện đi lại như xe ô tô, xe gắn máy (nếu có); bản quyền mẫu logo HĐHTVN; website, facebooke, zalo của HĐHT... gọi chung là tài sản của Hội đồng.
b) Tài sản của Hội đồng phải được quản lý chặt chẽ (kiểm kê hàng năm, đánh giá chất lượng sau thời gian sử dụng), sử dụng đúng quy định, giữ gìn cẩn thận. Trường hợp tài sản bị hỏng hóc, mất mát do khách quan phải lập biên bản, không còn sử dụng được phải thanh lý theo đúng qui định; nếu hỏng hóc, mất mát do chủ quan, người trực tiếp sử dụng phải đền bù hoặc bồi thường. Văn phòng trực tiếp quản lý tài sản của HĐHT.
CHƯƠNG VII
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 22. Khen thưởng
Các tổ chức, lãnh đạo và Hội viên có thành tích đóng góp xây dựng Hội đồng hoặc có đóng góp nhiều cho dòng họ, cho công tác xã hội được HĐHT các cấp xem xét khen thưởng.
Khen thưởng, tuyên dương hàng năm hoặc đột xuất cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cho hoạt động dòng họ. HĐHTVN và HĐHT cấp tỉnh tặng Bằng khen; HĐHT cấp huyện, HĐHT cấp cơ sở tặng Giấy khen. HĐHTVN tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc có sự lan tỏa trong cả nước.
Điều 23. Kỷ luật
Các tổ chức và Hội viên có những hành vi gây tổn hại đến uy tín, danh dự của HĐHTVN, vi phạm Điều lệ HĐHTVN thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo hoặc đưa ra khỏi danh sách Hội viên.
CHƯƠNG VIII
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU LỆ VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ
Trong quá trình thực hiện Điều lệ này, có những vấn đề Điều lệ chưa đề cập hoặc chưa phù hợp với thực tế tổ chức, hoạt động của Hội đồng họ Trần thì các Hội viên, các tổ chức, đơn vị phản ánh cho Thường trực Hội đồng họ Trần Việt Nam tiếp nhận, tập hợp, xem xét để dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ trình Đại hội đại biểu HĐHTVN thông qua.
Điều 25. Điều khoản thi hành
1. Điều lệ Hội đồng họ Trần Việt Nam gồm 8 chương, 25 điều được Đại hội đại biểu HĐHTVN lần thứ Nhất nhiệm kỳ 2020 - 2025 thông qua ngày 26 tháng 6 năm 2020 tại Thủ đô Hà Nội.
2. Mọi hoạt động của HĐHTVN và HĐHT các cấp phải tuân thủ Điều lệ này và phù hợp với Pháp luật hiện hành của Việt Nam.
3. Ủy viên Hội đồng, Hội viên phải tuân thủ, thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ này.
4. Bản Điều lệ này sẽ hết hiệu lực thi hành khi HĐHTVN không còn hoạt động hoặc bị giải thể.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG HỌ TRẦN VIỆT NAM
Trung tướng PGS.TS.Trần Đình Nhã