Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Thứ hai, 20/06/2022 11:16
(HĐHTVN) - Trần Anh Tông hoàng đế (năm sinh: 1276 - năm mất: 1320; thời gian làm vua: 1293 - 1314) là vị vua trẻ tuổi, khi lên ngôi 23 tuổi, làm vua 21 năm. Ông là vị vua thứ tư của triều Trần. Trong thời gian làm vua, Trần Anh Tông vô cùng đề cai công trạng của các vị khai quốc công thần tài ba lỗi lạc có công lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Trần Anh Tông cũng rất chú trọng kén chọn nhân tài, có nhiều cải cách trong trị quốc, bình thiên hạ, được đời sau ghi nhận công trạng.

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)

Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278)

Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329)

Vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341)

Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

Vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372)

Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377)

Vua Trần Phế Đế (1377 - 1388)

Vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398)

Vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)

Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)

Vua Trần Trùng Quang (1409 - 1414)

leftcenterrightdel
 Tượng vua Trần Anh Tông tại đền Trần (Nam Định)

Vua Trần Anh Tông còn gọi Trần Thuyên quê ở Tức Mặc phủ Thiên Trường (Nam Định) là con trưởng thượng hoàng Trần Nhân Tông, sinh ngày 17 tháng 9 năm Bính Tý (1276) mẹ là Khâm từ Bảo thánh hoàng thái hậu.

Trần Thuyên sinh trưởng trong một gia tộc quyền quý, ông nội là Trần Thánh Tông hoàng đế, lúc đang tại vị rất yêu quý lập làm hoàng thái tôn sau này vua cha Trần Nhân Tông lên kế vị lập làm Đông cung hoàng thái tử. Từ nhỏ Trần Thuyên được ông, cha rèn cặp việc học hành văn chương. Những năm Trần Thuyên mới 9, 10 tuổi rồi 11, 12 tuổi tình hình đất nước đang có họa ngoại xâm, cha và ông đang cùng toàn quân, toàn dân chuẩn bị cuộc chiến tranh tự vệ và đã phải gian lao chống trả kẻ thù Mông - Nguyên với lực lượng khổng lồ trong năm 1285 (lần thứ II) và 1287-1288 (lần thứ III), nhưng đã thu thắng lợi vẻ vang cho đất nước.

Trong bối cảnh nước nhà bị chiến tranh, cậu bé Trần Thuyên ít nhiều đã chứng kiến cũng như biết được dư âm về cuộc chiến tranh tự vệ. Chính vậy nên năm 17 tuổi được vua cha nhường ngôi, vào ngày 9 tháng 3 năm Quý Tỵ (1293) lấy miếu hiệu Anh Tông hoàng đế, đã gợi mở trong ông những suy tư về đất nước và thế nào là Tông miếu xã tắc.

Ngay từ khi lên ngôi hoàng đế, Trần Anh Tông đổi niên hiệu là Hưng Long, đại xá cho thiên hạ, tôn thượng hoàng làm Hiếu Nghiên quang thánh thái thượng hoàng đế, tôn mẹ làm Khâm từ bảo thánh hoàng thái hậu. Vua cũng ban chiếu về những chữ quốc húy để khi viết, thêm hoặc bớt nét tránh phạm húy, ví dụ: húy của vua là Thuyên, của Nhân Tông là Khâm, của Thánh Tông là Hoảng, của Thái Tông là Cảnh, Thái tổ là Thừa, Nguyên tổ là Lý...

Tuy vậy, ở độ tuổi thành niên Trần Anh Tông còn hay uống rượu, lại thường cùng bọn thị vệ dạo chơi ngoài phố. Một hôm vua bị say rượu đột nhiên thượng hoàng Trần Nhân Tông từ Thiên Trường lên, thấy vậy thượng hoàng liền quay về Thiên Trường và xuống chiếu bắt ngày mai vua quan phải về Thiên Trường điểm mục, ai trái lệnh thì phải xử tội. Đến giờ Mùi (13-15 giờ) Trần Anh Tông tỉnh giấc nghe tâu trình thì hoảng sợ, liền tìm gặp học sinh Đoàn Như Hài sai làm biểu tạ tội, rồi cùng kéo về Thiên Trường. Như Hài quỳ ở sân cung điện từ sáng đến chiều lại gập mưa to kéo đến, lúc đó thượng hoàng mới sai đem biểu vào xem, thấy lời lẽ nhận tội chân thành, thượng hoàng Trần Nhân Tông cho gọi Trần Anh Tông đến bảo: “Trẫm còn có con khác cũng nối được ngôi, trẫm còn sống mà ngươi còn dám như thế, huống chi sau này”. Vua Trần Anh Tông rập đầu tạ tội, rồi cùng quần thần trở về kinh sư. Qua sự việc lập biểu tạ tội, Anh Tông thấy Như Hài có tài bèn cho làm Ngự sử trung tán. Quả nhiên sau này Như Hài thành tướng tài từng làm Thiên tử chiêu dụ sứ sang Chiêm Thành, làm quan Hành khiển đến vỗ về yên dân ở Châu Ô, Châu Lý, phù tá đắc lực cho hoàng đế Trần Anh Tông.

Quá trình làm vua 21 năm, Trần Anh Tông hoàng đế chú trọng việc kén chọn nhân tài. Ông biết các vị khai quốc công thần tài ba lỗi lạc như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải đều tuổi cao sức yếu và lần lượt qua đời nếu không có đội ngũ kế cận thì việc trị nước sẽ sao đây? Do vậy ngoài các danh tướng vào bậc quốc lão như Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Chẩn... còn tuyển dụng Đoàn Như Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Thì Kiến, Trần Đạo Tái, Đinh Củng Viên là đội ngũ mà Trần Anh Tông rất kính trọng và tin tưởng.

Dưới triều vua Trần Anh Tông, triều đình tổ chức kỳ thi “miện sam” tức là thi cho các quan đã từng đỗ thám hoa, bảng nhãn trở xuống để kiểm tra thực tài, bổ dụng làm chức “Hiệu thư quyền miện”, hoặc “Bạ thư mạo sam” sung vào thuộc viên các nha ấy. Do vậy nhân tài được bổ sung có lợi cho quốc gia.

Năm 1300, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tông đến thăm bệnh và hỏi kế sách giữ nước. Hưng Đạo vương đã di chúc lại việc đánh giặc theo hoàn cảnh đất nước lúc ấy là lấy đoản chống trường. Nhưng điều cốt yếu phải thu hút được quân đội như cha con một nhà, phải khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc mới là thượng sách giữ nước.

Hồi đó nước Ai Lao thường sang quấy phá miền Đà Giang, vua cho Phạm Ngũ Lão đi đánh dẹp thành công, ban cho “quy phù” và phong Thân vệ Đại tướng quân.

Chiêm Thành tuy đã thuần phục nhưng thường hay quấy phá ở phía nam. Vua Trần Anh Tông bèn cử Đoàn Như Hài đi sứ nhiều lần để vỗ về yên dân hai châu Ô,  châu Lý, đồng thời phủ dụ vua Chiêm. Lại cùng phụ hoàng gả em gái Huyền Trân cho vua Chiêm, hy vọng thuần phục được phía nam. Nhưng khi vua Chiêm chết, vua đã cho Trần Khắc Chung vào Chiêm Thành cứu Huyền Trân về tránh tục lên giàn hỏa thiêu cùng vua Chiêm.

Năm Tân Hợi 1311, vua Chiêm là Chế Chí phản trắc, Trần Anh Tông thân cầm quân đánh dẹp, bất Chế Chí đem về. Trận này không mất một mũi tên mà thắng lợi là do công của Đoàn Như Hài đã lập kế nội ứng.

Đại Việt sử ký toàn thư còn chép việc vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành đến cửa biển Cần Hải (nay là cửa Căn - xã Quỳnh Phương- huyện Quỳnh Lưu - tỉnh Nghệ An) đóng quân tại đây, đêm chiêm bao thấy có nữ thần khóc và nói: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tông, bị giặc bức bách, gặp sóng gió chết đuối trôi dạt đến đây, thượng đế phong cho làm thần biển ở đây đã lâu, nay thấy bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Khi thức dậy vua cho gọi các cố lão ở đây hỏi sự thực rồi cho quan vào đền tế lễ sau đó mới kẻo quân đi. Trên đường nhờ biển lặng, không có sóng nên quân Trần tiến thẳng đến bến Trà Bàn, bắt được vua Chiêm đem về. Thấy sự việc ứng nghiệm vua bèn cho Hữu Ty lập đền thờ tại cửa Càn hàng năm cúng tế…

Truyền thuyết địa phương cùng các thư tịch khác còn ghi việc Trần Anh Tông phong sắc cho nữ thần đền Càn là “Đại càn quốc gia Nam Hải thánh mẫu thượng  đẳng thần”, đồng thời ban nhiều vàng bạc cho dân địa phương tu chỉnh, tôn tạo đền thờ.

Đối với thế lực phong kiến phương Bắc, mặc dù bị thất bại qua ba lần xâm lược Đại Việt, nhưng dưới thời Trần Anh Tông vào các năm 1293, 1295, 1299, 1312 nhà Nguyên vẫn cho sứ giả sang hạch sách đòi cống phẩm và bắt vua Trần phải sang chầu... Nhưng vua Trần với lời lẽ mềm dẻo, lý do ốm đau đã khéo khước từ, lại có những thái độ cương quyết khiến sứ thần nhà Nguyên phải thất bại trở về.

Có lần người Nguyên vào lấn chiếm hàng nghìn mảnh ruộng ở châu Tư Lang vùng biên giới và cướp đi nhiều vàng bạc của nhân dân, vua Trần Anh Tông liền cho quân đánh đuổi sang châu Quy Thuận và châu Dưỡng Lợi của nhà Nguyên để báo thù, khiến nhà Nguyên phải hạ lệnh cho quan lại ở biên giới không được xâm phạm và hai bên định lại mốc giới cương vực. Như vậy là trong quá trình làm vua, Trần Anh Tông đã có những quyết sách đúng mực thể hiện ý chí sắt đá, bảo tồn lãnh thổ, khi cương, khi nhu nhưng đều đắc thế.

Trần Anh Tông là ông vua trẻ hiếu động, có lúc lỗi lầm thích rong chơi ngoài kinh thành hoặc uống rượu quá đà khiến thượng hoàng quở trách. Nhưng khi nhận ra lỗi lầm, ông là người phục thiện, quyết tâm sửa chữa sai lầm. Song ông không phải là người thụ động, bảo gì nghe nấy, thể hiện người có chủ kiến. Ví như chuyện thượng hoàng Trần Nhân Tông muốn vua phải xăm hình rồng vào người theo tục lệ cũ để giữ gìn truyền thống đồng thời thể hiện sự hùng dũng nên đã gọi thợ vẽ đến và trực tiếp xem thợ vẽ cho vua. Nhưng Trần Anh Tông rình lúc thượng hoàng ngoảnh đi nơi khác thì trốn đi không thực hiện do vậy lệ này không phải dùng cho vua nối ngôi nữa.

Trong việc trị vì, Trần Anh Tông kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm phép nước. Thượng phẩm Nguyễn Hưng vi phạm tội đánh bạc, vua hạ lệnh đánh chết. Ông còn là người tôn trọng phép nước, ngay cả những quy định nhỏ cũng để ý đến. Có lần hoàng phi theo hầu vua Trần Anh Tông, theo lệ thì không được đi kiệu, nhưng Bảo từ hoàng hậu cho lấy kiệu của mình để dùng. Vua Trần Anh Tông liền bảo: “Bảo từ có yêu quý Huy Tư thì cho thứ khác còn cái kiệu để ngồi thì đã có điển chế quy định, không thể đem cho được”.

Học sỹ Nguyễn Sỹ Cố có tài làm thơ quốc ngữ, lại giỏi làm khôi hài cùng với Chu Bộ đều hầu vua từ lúc ở Đông cung, nhưng vì hạnh kiểm kém nên không được cất nhắc. Cố làm Thiên chương các học sỹ (là chức đặt làm vì không có thực chức), Bộ chỉ coi vài bộ cấm binh. Tuy hầu cận lâu năm nhưng bất tài nên không được trọng dụng, chỉ cho chức nhàn và bổng lộc an ủi.

Ngay Nguyễn Quốc Phụ làm Nội thư chánh trưởng, người hầu cận thượng hoàng Trần Nhân Tông. Triều đình khuyết chức Hành khiển, ý thượng hoàng muốn cất nhắc. Ấy vậy mà Trần Anh Tông chối từ không nhận: “Nếu lây ngôi thứ mà nói thì Quốc phụ đáng lắm nhưng chỉ hay uống rượu mà thôi”. Quốc phụ không được cất nhắc, làm mãi chức cũ đến khi chết.

Trong triều, nếu quan, quân có công, vua Trần Anh Tông đều xem xét ban khen. Mỗi khi có chiến sự, người cầm quân ra trận thắng lợi được ban khen, người ở nhà trông coi việc nước cũng được xét công lao ban thưởng. Có lần Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, Chiêu Văn đại vương Nhật Dưới và Nghi võ hầu Quốc Tú ở lại phò hoàng thái tử trông coi việc nước. Khi về hoàng đế Anh Tông tuyên dụ công lao: “Phàm các quan lưu thủ cùng các tướng theo hầu hai bên công cũng như nhau...”. Do vậy tướng sỹ, bá quan trên mọi lĩnh vực đều hoan hỷ.

Đối với quan lại mẫn cán, cương trực như Trần Thì Kiến rất mực thanh liêm thì được cất nhắc làm quan Kiểm pháp, do vậy các vụ kiện tụng được xét một cách công minh hợp lý.

Những công thần đã về trí sỹ ví như Nguyễn Khiên Ngô, hiệu là Liễu Nhiễu là người thẳng thắng nên vua rất quý trọng, vua thường không gọi tên chỉ gọi chức để tỏ sự tôn kính người già, khích lệ người tuổi cao mà vẫn đảm đương công việc.

Khi thượng hoàng Trần Nhân Tông mất ở am Ngọa Vân núi Yên Tử, sư Pháp Loa thiêu xác thượng hoàng nhặt được trên 3000 viên mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư, vua thấy Pháp Loa còn dấu ít viên xá lị khiến vua cảm động tấm lòng của Thiền sư đối với thượng hoàng nên càng bùi ngùi thương xót.

Theo truyền thuyết và thư tịch, bi ký thì một phần xá lỵ được vua Anh Tông cho đặt trên thượng tháp chùa Phổ Minh - Nam Định, là quê hương nhà Trần. Hiện trên tháp còn hộp đựng xá lỵ và gạch xây tháp có niên hiệu Hưng Long thập tam niên 1305 (tháp xây trước khi thượng hoàng mất). Một phần xá lỵ được táng tại tháp Huệ Quang - Yên Tử. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì năm Canh Tuất (1310), ngày 6 tháng 9 rước linh cữu thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức phủ Long Hưng - Thái Bình. Xá lỵ thì để ở bảo tháp Ngọa Vân... Đem thi hài Khâm từ bảo thánh hoàng thái hậu hợp táng ở đấy... Điều đặc biệt là đám rước linh cữu thượng hoàng dân chúng thương tiếc tham gia đưa tiễn rất đông, đến nỗi tắc nghẽn đường không thể đi được, sau Trọng Tử phải tổ chức cho quân hát điệu long ngâm ở bên ngoài, mọi người ngạc nhiên ra xem mới mở được lối đi cho đoàn dẫn linh cữu.

Ngày 18 tháng 3 năm Giáp Dần (1314), Trần Anh Tông hoàng đế nhường ngôi cho con là thái tử Mạnh, tức Trần Minh Tông hoàng đế. Trần Minh Tông lên ngôi đổi niên hiệu là Đại Khánh xưng là Minh Hoàng, tôn thượng hoàng làm Quang nghiên duệ vũ thái thượng hoàng đế, tôn mẹ làm Thuận thánh bảo từ thái thượng hoàng hậu.

Như vậy là Trần Anh Tông ở ngôi 21 năm, 39 tuổi thoái vị, 6 năm làm thái thượng hoàng, lúc rỗi chuyên nghiên cứu đạo phật và sáng tác thơ ca. Ông mất năm 45 tuổi tại cung Trùng Quang phủ Thiên Trường ngày 16 tháng 3 năm 1320 để lại nhiều sự luyến tiếc cho hoàng tộc và nhân dân cả nước. Anh Tông hoàng đế là vị vua có cá tính, bản chất trung hậu phục thiện. Đường lối trị quốc của Anh Tông luôn tạo sự phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa cho nước nhà. Ông đã cho mở khoa thi kén chọn người tài đối với những hiền tài được triều đình trọng dụng. Triều đình đề cao pháp chế, giữ sự công bằng và phép tắc mà tiền triều quy định.

Điều đặc biệt là Trần Anh Tông biết nhìn người, dám giao trọng trách cho tầng lớp nho sinh ít tuổi mà nổi bật là học sinh Đoàn Như Hài. Đoàn Như Hài từ một nho sinh bình thường trở thành người tài ba lỗi lạc, hoàn thành xuất sắc đại sự mà hoàng đế giao phó, thật sự là người hữu ích cho đương thời.

Trần Anh Tông không miệt mài nghiên cứu đạo Thiền như tổ phụ nhưng cũng khá quan tâm đạo Thiền. Năm 1318, ông có ý xuất gia và động viên cung nhân ăn chay theo đạo, đồng thời quy tụ các tăng ni bàn về đạo Thiền ở Yên Tử, để tâm nhiều đến việc xây dựng chùa tháp, phụng sự đạo Phật. Những việc này phần nào ảnh hưởng đến tính tích cực của ông. Nhưng dù sao hoàng đế Trần Anh Tông cũng là người được quốc sử ca ngợi: “Vua khéo nối chí giữ nghiệp cho nên bấy giờ nước được thái bình, chính vị tốt đẹp, văn vật chế độ dần dần thịnh lên…”

Trần Anh Tông còn là ông vua có tâm hồn thi sỹ và hội họa nên ông lấy việc di dưỡng tinh thần bằng bút mực. Nhưng các tác phẩm hội họa, thi phú của ông hầu như ông không muốn lưu lại, hoặc không muốn cho ai bình phẩm nên phần lớn khi viết hoặc vẽ xong một đề tài ông lại đem đốt đi. Trước khi chết ông còn không quên lệnh cho người nhà đem số sách còn lại đốt nốt. Tuy vậy, qua thư tịch cũng biết được số tác phẩm của ông:

- Thủy vân tùy bút ngự tập.

- Hiệu đính công văn cách thức.

- Pháp sự tân văn.

- Thạch dược châm (dùng để dạy thái tử).

Hiện nay còn được mươi bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục” cùng ít bài chép trong “Trần triều thế phả hành trạng”, hoặc sách “Nam Định tỉnh địa dư chí” do Nguyễn Ôn Ngọc viết...

Dưới đây xin trích bài “Đông Sơn tự” để được biết thêm về tâm tư của vị hoàng đế đối với chùa cảnh Đông Sơn:

Phong giao giải hổ thụ Thiền quýnh

Nguyệt cả quân tri dạ giản hàn

Hưu tướng Ngũ đài lao mộng mị

Khan lai thiên hạ kỷ Đông san.

Dịch thơ.

CHÙA ĐÔNG SƠN

Gió lay Thiền trượng ve im riêng

Trăng chảy trong bình suối lạnh hơn

Mơ ước Ngũ đài chi nữa nhỉ?

Trên đời hồ dễ mấy Đông sơn.

(Huệ Chi dịch)

 

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực