Trần Thuận Tông hoàng đế huý Trần Ngung, là con út thượng hoàng Trần Nghệ Tông, lên làm vua năm 11 tuổi đổi liên hiệu là Quang Thái, ở ngôi 9 năm. Trần Thuận Tông lấy con gái trưởng của Lê Quý Ly[1], phong làm hoàng hậu.
Dưới triều vua Trần Thuận Tông, người Thanh Hoá theo Nguyễn Thanh làm loạn, ở vùng sông Lương tức sông Chu, Nguyễn Ky ở Nông Cống (xưng Điền Kỵ) cũng tụ họp đảng đi cướp. Phạm Sư Ôn cũng tụ họp làm phản ở Quốc Oai Thượng gây tình hình bất ổn trong nước. Trong khi đó giặc phương Nam lại sang quấy phá. Quân Trần dưới sự chỉ huy của Lê Quý Ly và Nguyễn Đa Phương vẫn không chống cự nổi. Mãi đến năm 1390, đô tướng Trần Khát Chân mới đại thắng quân Chiêm, giết được Chế Bồng Nga, mang thủ cấp về triều dâng thắng trận.
Triều đình ban thưởng cho Trần Khát Chân làm Long tiệp bổng thần nội vệ Thượng tướng quân, phong tước Vũ tiết quan nội hầu. Phạm Khả Vinh (người Tây Chân) làm Xa kị vệ tướng quân, phong tước Quan phục hầu…
Tháng 11 năm Canh Ngọ (1390), Trần Nguyên Đán chết. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông rất thương tiếc. Sinh thời thượng hoàng thường hay đến nhà trò chuyện và thăm bệnh Trần Nguyên Đán. Nguyên Đán còn làm bài thơ “Thập cầm” (mười con chim) có ý chê thượng hoàng ký thác Trần Thuận Tông cho Lê Quý Ly. Tình hình triều chính ngày càng rõ sự lộng quyền của Lê Quý Ly, một số tướng ở Châu Hóa họp nhau có ý chống lại Lê Quý Ly thì Đặng Tất, Hoàng Hối Khanh mật tâu với Lê Quý Ly khiến các tướng có ý chống lại đều bị giết. Một số mệnh lệnh triều đình ban ra bắt mọi người thi hành nghiêm ngặt, bị phạt tiền hoặc bị tử hình, ruộng đất bị tịch thu.
Lê Quý Ly viết sách “Luận ngữ” bị Quốc tử trợ giáo Đoàn Xuân Lôi dâng thư phê phán sách viết không đúng, trong thư có nói Hành khiển Đào Sư Tích cũng đã xem thư nên cả hai đều bị giáng chức.
Tháng 2 năm Quý Dậu (1393), mở khoa thi thái học sinh, chọn 30 người thi đỗ bổ làm quan. Tháng 4 cùng năm, tổ chức thi quan lại để kiểm tra năng lực, trình độ quản lý. Sau đó các tháng 6, 7, 8, 9 liên tục tai họa hạn hán, động đất, rồi mưa to, gió lớn, sâu hại lúa... khiến đời sống nhân dân ngày càng khó khăn.
Năm Giáp Tuất (1394), thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai vẽ tranh tặng Lê Quý Ly, muốn đề cao công đức của Lê Quý Ly để ngăn ngừa lòng phản trắc, nhưng thượng hoàng lại mơ thấy con trai là Trần Duệ Tông đem quân đến và đọc thơ ý nói Quý Ly muốn cướp ngôi, nên rất băn khoăn, nhưng thế không thể đảo được.
Ngày 15 tháng 12 thượng hoàng Trần Nghệ Tông băng hà chôn ở lăng Yên Sinh. Từ đây, tình hình triều chính lọt vào tay quyền thần Lê Quý Ly.
Thượng hoàng Trần Nghệ Tông băng hà khi vua Trần Thuận Tông mới 17 tuổi lại là người non kém. Trước đó, việc trị vì đều dựa vào thượng hoàng, nay thượng hoàng chết thì dựa vào Lê Quý Ly. Đến đây, vua Trần Thuận Tông phong Quý Ly làm Nhập nội phụ chính Thái sư bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương, đeo lân phù bằng vàng (phù hiệu có hình con lân).
Lê Quý Ly chép thiên “Vô dật” là một chương trong Kinh thư, có ý khuyên vua chúa không nên nhàn rỗi, mà phải lo nghiên cứu, học tập, sửa mình… để dạy vua. Lê Quy Ly ngày càng tỏ rõ sự lộng quyền, thường thay vua xuống lệnh, xưng là Phụ chính cai giáo hoàng đế.
Cùng vua Trần Thuận Tông nắm quyền trị nước, Lê Quý Ly đã cố gắng phát huy truyền thống thi cử của các bậc tiên liệt để chọn hiền tài. Đặc biệt, năm Bính Tý (1396), vua Trần Thuận Tông xuống chiếu định cách thi cử nhân, dùng thể văn bốn kỳ, bãi bỏ cách viết ám tả cổ văn. Kỳ đệ I thi một bài kinh nghĩa từ 500 chữ trở lên. Kỳ đệ II thi một bài thơ Đường luật, một bài phú cũng từ 500 chữ trở lên. Kỳ đệ III thi một bài chiếu thể chữ Hán, một bài chế và một bài biểu dùng thể tứ lục đời Đường. Kỳ đệ IV thi một bài văn sách từ 1000 chữ trở lên. Năm trước thi hương, năm sau sẽ thi hội. Ai đỗ thì vua sẽ ra đề một bài văn sách để chọn tuyển đỗ cao hay thấp.
Thời vua Trần Thuận Tông, tiền giấy được phát hành, lệnh cho mọi người đem tiền đến đổi. Cứ một quan tiền đồng đổi được một quan hai tiền giấy (tiền giấy 1 quan vẽ rồng, 5 tiền vẽ phượng, 3 tiền vẽ lân, 2 tiền vẽ rùa, 1 tiền vẽ mây, giấy 10 đồng vẽ rồng…). Ai làm giả chịu tử hình, điền sản phải tịch thu.
Năm Đinh Sửu (1397), Lê Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông và triều thần rời đô vào động An Tôn phủ Thanh Hóa. Bấy giờ Nguyễn Như Thuyết có dâng thư can: “An Tôn là đất chật hẹp hẻo lánh, cuối nước đầu non, nên với loạn mà không nên với trị, chỉ cậy hiểm được thôi…” nhưng Quý Ly không nghe, vẫn quyết định rời đô và đổi trấn Thanh Hoá làm trấn Thanh Đô, trấn Quốc Oai làm trấn Quảng Oai, trấn Đà Giang làm trấn Thiên Hưng... Lại định lại quan chức ở các lộ, phủ, bổ nhiệm các chức tổng quản, thái thú trông coi. Vua xuống chiếu: “Đời xưa nước có nhà học, đảng (500 nhà thành một đảng), có nhà tự (trường học), toại (làng), có nhà tường (trường học) là để tỏ rõ giáo hoá, giữ gìn phong tục, ý trẫm vẫn mộ. Nay quy chế kinh đô đã đủ mà ở châu huyện còn thiếu, làm thế nào mở rộng giáo hóa cho dân được? Nên hạ lệnh cho các lộ, phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông đều đặt một học quan, cho ruộng công theo thứ bậc khác nhau chi phí cho nhà học...”.
Tháng 6 còn xuống chiếu hạn chế ruộng đất tư hữu, trừ các đại vương và trưởng công chúa, còn từ quan đến dân đều có số nhất định, thừa thì dâng nộp nhà nước.
Sau khi Chế Bồng Nga chết trận, nước Chiêm Thành dần dần suy yếu. Tướng nhà Trần là Trần Tùng đánh thắng quân Chiêm, tướng Chiêm đầu hàng, sử dụng làm tướng cho trấn giữ chống phiến loạn. Sau đó, tướng Chiêm là Chế Đa Biệt cùng em đem cả nhà sang hàng, đều cho làm trấn thủ Châu Hoá và đổi họ Đinh, tình hình phương Nam tạm ổn.
Mậu Dần năm thứ 11 (1398), Lê Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho hoàng thái tử Trần Án và khuyên vua tu đạo Tiên. Trong chiếu nhường ngôi Trần Thuận Tông đã viết: “Trẫm nước vốn mộ đạo, không có bụng làm vua, không có đức mà tạm giữ ngôi thực khó làm nổi. Huống chi bệnh thần kinh thường phát ra, thờ cúng và chính sự đều không làm được. Lời thề nguyền trước trời đất quỷ thần đều đã nghe. Nay nên nhường ngôi để vững nghiệp lớn, hoàng thái tử Án có thể lên ngôi hoàng đế. Phụ chính thái sư Lê Quý Ly là quốc tổ nhiếp chính. Trẫm tự làm thái thượng nguyên quân hoàng đế, tu dưỡng ở cung Bảo Thanh để thỏa chí xưa”.
Hoàng thái tử Án lên ngôi vua lúc 3 tuổi, còn chưa biết lạy, Lê Quý Ly bảo thái hậu phải lạy trước cho thái tử lạy theo. Lê Quý Ly là ông ngoại của vua, tự xưng là Khâm Đức hưng liệt đại vương. Ngay hôm ấy lên ngự điện kinh đô mới, ban yến từ ngũ phẩm trở lên...
Như vậy, Trần Thuận Tông ở ngôi 9 năm chỉ là hư vị và sau một năm xuất theo đạo giáo thì bị chính bố vợ là Lê Quý Ly giết chết, thọ 22 tuổi báo hiệu ngôi báu nhà Trần sắp mất.
[1] Lê Quý Ly về sau lập mưu cướp ngôi vua của nhà Trần. Sau khi cướp được ngôi vua, Lê Quý Ly đổi họ thành Hồ Quý Ly, vì vốn dĩ Lê Quý Ly có nguồn gốc là họ Hồ.
Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018