Vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341)

Thứ ba, 21/06/2022 16:15
(HĐHTVN) - Vua Trần Hiến Tông là vị vua thứ sáu của triều Trần (năm sinh: 1319 - năm mất: 1341; thời gian làm vua: 1329 - 1341), vì lên ngôi vua lúc còn quá nhỏ tuổi, thời gian trị vì 13 năm, lại mất sớm khi mới 23 tuổi, nên thực chất chỉ là hư danh, vì trên thực tế triều đình lúc bấy giờ vẫn do thượng hoàng Trần Minh Tông quán xuyến.

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)

Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278)

Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329)

Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

Vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372)

Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377)

Vua Trần Phế Đế (1377 - 1388)

Vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398)

Vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)

Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)

Vua Trần Trùng Quang (1409 - 1414)

leftcenterrightdel
 Tượng vua Trần Hiến Tông tại đền Trần (Nam Định)

Vua Trần Hiến Tông có tên húy là Vượng, con thứ của thượng hoàng Trần Minh Tông, mẹ đẻ là Minh từ hoàng thái phi Lê Thị. ông sinh ngày 17 tháng 5 năm Kỷ Mùi (1319) hiệu là Thiên Kiến. Khi ông 10 tuổi được sách phong Đông cung thái tủ vào năm Kỷ Tị (1329) và sau đó ít ngày được lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Khai Hưu. Cũng như các vị hoàng đế khác, mỗi khi lên ngôi là đại xá cho thiên hạ, đồng thời Hiến Tông xưng hiệu Triết hoàng, tôn thượng hoàng làm Chương nghiêu văn triết thái thượng hoàng đế, tôn Lệ thánh hoàng hậu làm Hiển từ thái thượng hoàng hậu.

Song Trần Hiến Tông lên ngôi lúc 10 tuổi nên việc chính sự hầu như do thượng hoàng Trần Minh Tông quyết đoán. Thượng hoàng còn chú ý răn dạy các hoàng tử cũng như Hiến Tông cách ứng xử, đạo lý làm người. Có người tâu thượng hoàng chỉ nên nêu gương người tốt, còn điều xấu thì bỏ qua, sợ ảnh hưởng đến các hoàng tử. Nhưng thượng hoàng bảo: “Người thiện, người ác đều phải nêu ra cả, không thể bỏ riêng bên nào được. Con ta quả là người hiền ư thì nghe thấy điều thiện tất phải theo mà bắt chước, khi thấy điều ác tất phải ghét mà tránh xa, thiện hay ác đều có thể làm gương để noi theo, hay tránh xa được cả. Con ta quả là hư hỏng chăng? Thì đợi gì thấy kẻ ác mà sau mới làm điều ác?...”.

Trần Hiến Tông lên ngôi trong bối cảnh phe phái trong triều nảy sinh, dẫn đến vụ thượng hoàng Trần Minh Tông giết oan Quốc phụ thượng tế Quốc Chẩn, khiến thượng hoàng phải ôm hận và trăm quan cũng phải phân tâm. Lúc này, một số đại thần là trụ cột triều đình vừa có tài vừa dày công đức phù tá 3, 4 triều vua trước lại lần lượt qua đời như Tá thánh Thái sư Chiêu văn vương Trần Nhật Dượt, như tướng quân Đỗ Thiên Hứ chỉ huy quân Thần Sách ở Khoái Lộ, ốm mà vẫn xin ra trận nên bị chết dọc đường... Do vậy, việc nội trị cũng như giữ yên bờ cõi cũng gặp đầy rẫy khó khăn.

Trần Hiến Tông lên ngôi giữa lúc loạn người Mường Ngưu Hóng vùng Tây Bắc sông Đà, sau là loạn Mường Lễ, Phục Lễ (phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hóa) tiếp tục nổi lên, thượng hoàng phải thân chinh đi đánh dẹp và mãi đến cuối năm Đinh Sửu (1337), Hưng Hiến Vương cầm quân tiến thẳng vào trại Trịnh Kỳ chém chết tù trưởng Xa Phần mới dẹp yên.

Năm Giáp Tuất (1334), giặc Ai Lao lại sang đánh phá vùng biên giới, thượng hoàng Trần Minh Tông phải thân chinh đem quân đánh dẹp. Khi đại quân đến châu Kiềm (châu Mật ở thượng lưu sông Lam (nay là huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), giặc Ai Lao nghe thám báo biết uy lực quân đội nhà Trần, liền rút lui không dám làm loạn nữa. Thượng hoàng sai Nguyễn Trung Ngạn mài sườn núi làm bia, khắc ghi chiến công tại núi Thanh Nam xã Trầm Hương huyện Tương Dương và huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Năm sau (1355), người Ai Lao lại đánh phá nước ta ở vùng Nghệ An, Thượng hoàng Trần Minh Tông lại thân cầm quân đi đánh dẹp. Lần này, Đoàn Như Hài làm đốc tướng chỉ huy toàn quân. Như Hài chủ quan khinh địch lại có ý muốn lập công đặc biệt nên cho quân lập trại ven sông Tiết La (thượng lưu sông Lam) để khi thắng lợi bắt tù binh và chiến lợi phẩm cứ theo dòng sông xuôi xuống... Ai dè khi lâm trận bị mây mù che tối, phục binh của giặc dùng voi, ngựa đánh úp khiến quan quân nhà Trần thua to, bị sa xuống nước chết đuối quá nửa, trong đó có cả Đoàn Như Hài vị đốc tướng chỉ huy toàn quân.

Thượng hoàng Trần Minh Tông nghe tin thất bại đã thốt lên: “Như Hài dùng mưu tất thắng, thừa thế tất thắng, công lớn gần mong, cuối cùng bị quân giặc dử mồi mà chết. Nhữ Hài không phải là người không biết tình thế của giặc, chỉ vì muốn làm to quá mỏi đến nỗi thế mà thôi. Thế mới biết sự mong muốn của người ta không thể quá phận hạn được”.

Đối với Ai Lao thì triều Lý cũng như triều Trần, trải qua các đời vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông và Minh Tông cũng như Hiến Tông, việc đánh dẹp chẳng qua nhằm mục đích ngăn chặn, không có ý đánh chiếm đất đai của họ. Ấy vậy mà người Ai Lao lại thường gây rối nên đã xảy chuyện binh đao đáng tiếc trên và đây cũng là gánh nặng mà các triều đại tiếp nối vẫn phải chịu đựng.

Dưới triều vua Trần Hiến Tông, biên giới phía Bắc không có chuyện gì đáng kể xảy ra, ngược lại mối quan hệ như được cải thiện nên các sự kiện vua Nguyên lên ngôi năm Tân Mùi (1331) (Văn Tông hoàng đế), hay năm ất Hợi (1335) Thuận đế lên ngôi, đều cử các đoàn sứ giả sang thông báo và tất nhiên vua Trần Hiến Tông lại cho người sang chúc mừng, tạo quan hệ bang giao, ngăn ngừa mối họa xâm lăng phía Bắc.

Thời kỳ này nước sông lên to, gió bão, động đất, ruộng đồng ngập lụt khiến mùa màng thất bát, đời sống nhân dân gặp khó khăn, do vậy năm Đinh Sửu (1337), Nguyễn Trung Ngạn làm An phủ xứ Nghệ An kiêm Quốc sử Viện giám tu, hành Khoái Châu lộ Tào vận sứ, kiến nghị với triều đình và được vua Trần Hiến Tông cho lập kho chứa thóc ở các lộ để chẩn cấp cho dân nghèo.

Trong năm này, nhà vua còn xuống chiếu cho các quan khảo xét các thuộc viên do mình cai quản, người nào có năng lực thì cho nhận chức, người nào thiếu năng lực, đạo đức kém thì thải hồi, nhờ đó mà giảm bớt một số lượng quan lại đáng kể. Qua đây, triều đình còn xem xét lại hệ thống quan văn, quan võ ở các sảnh, viện, nhằm chọn người có tài, có đức gánh vác trọng trách. Việc làm trên dưới triều vua Trần Hiến Tông là điều tích cực, kế thừa được các nề nếp mà các đế triều trước đây đã thực hiện. Tuy nhiên, trong suốt 13 năm làm vua, không tổ chức được kỳ thi nào chọn người tài bổ sung cho bộ máy nhà nước, nhất là các cựu thần già cả sức yếu cũng là điều hạn chế đáng tiếc.

Dưới triều vua Trần Hiến Tông, các ngành thiên văn học, y học, lịch pháp có nhiều tiến bộ. Hậu nghi đài lang Thái sử Cục lệnh Đặng Lộ là người ở huyện Sơn Minh đã từng làm “lung linh nghi” để xét nghiệm hiện tượng thiên văn, tâu với nhà vua cho đổi “lịch thụ thì” của các triều trước làm “lịch hiệp kỷ” và được chuẩn tấu. Điều này chứng tỏ khoa học thiên văn dưới thời Hiến Tông có tiến bộ rõ rệt.

Một số kết quả về quân sự cũng như đối ngoại, đối nội, hoặc những tiến bộ về văn hóa như trên đề cập đều có ý kiến của thượng hoàng Trần Minh Tông. Nói cách khác là mọi quyết sách đều do thượng hoàng chủ trương, thậm chí còn thân chinh dấn thân vào hòn tên mũi đạn. Bởi khi nhường ngôi cho con thì thượng hoàng Trần Minh Tông mới độ tuổi 30, và suốt thời gian 13 năm Hiến Tông làm vua, thượng hoàng Minh Tông còn sung sức, vua lại quá ít tuổi nên thượng hoàng không thể phó mặc triều chính, cốt để duy trì chế độ tông miếu xã tác. Đến khi vua khôn lớn, mới 23 tuổi đã chết, do vậy Hiến Tông ở ngôi 13 năm nhưng chỉ là hư vị. Vua Trần Hiến Tông lại không có con nối dõi khiến thượng hoàng Trần Minh Tông phải đưa hoàng tử Hao là con thứ mười của ông lên nối ngôi, không duy trì được chế độ cha truyền cho nối như trước. Đây cũng là điều ít thấy dưới chế độ phong kiến Việt Nam và sự xáo trộn này sẽ làm cho bộ máy quan liêu thêm phức tạp, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của triều Trần.

Vua Trần Hiến Tông mất ngày 11 tháng 6 năm Tân Tỵ (1341) tại cung điện, được quàn ở cung Kiến Xương theo quy chế của đế triều. Hai tháng sau, thượng hoàng Trần Minh Tông đưa hoàng tử Hao lên ngôi tiếp tục trị vì dưới sự đạo diễn trực tiếp của thượng hoàng để dìu dắt vị hoàng đế còn nhỏ tuổi lại mắc bệnh trọng./.

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực