|
|
Tượng vua Trần Dụ Tông tại đền Trần (Nam Định) |
(HĐHTVN) - Trần Dụ Tông (năm sinh: 1336 - năm mất: 1369; thời gian làm vua: 1341 - 1369), là một ông vua trẻ lên ngôi khi mới 6 tuổi, làm vua được 28 năm. Trong thời gian làm vua, vì mắc trứng vô sinh, sức khỏe yếu, nghĩ mình sẽ chết sớm, nên vua Trần Dụ Tông không chuyên tâm chuyện triều chính, thậm chí còn là ông vua gây ra nhiều tai tiếng, bị người đời coi là “vị hôn quân”…
Vua Trần Dụ Tông, tên húy là Trần Hạo, sinh ngày 19 tháng 10 năm 1336, là con thứ mười của thượng hoàng Trần Minh Tông và mẹ là Hiển từ hoàng hậu. Lúc ấu thơ, hoàng tử Hạo thích đi chơi trên hồ và một hôm vào ngày rằm tháng 8 đi thuyền ngắm trăng ở Hồ Tây bị chết đuối, xác được tìm thấy trong lỗ cống đơm cá. Thượng hoàng sai danh y Trâu Canh cứu chữa. Trâu Canh bẩm: “Dùng kim châm tất sống lại, chỉ sợ sau này bị chứng bệnh liệt dương”. Và khi dùng kim châm quả nhiên cứu được hoàng tử. Với tài khác thường đó, Trâu Canh được thăng chức dần dần lên đến cương vị quan Phục hầu Tuyên huy viện đại sứ kiêm thái y sứ, mặc dù Trâu Canh là con Trâu Tông, theo quân Nguyên xâm lăng Đại Việt sau ở lại nước ta làm ăn.
Trước khi băng hà, thượng hoàng Trần Hiến Tông cho hoàng tử Hạo kế vị vào ngày 21 tháng 8 năm Tân Tỵ (1341), đổi niên hiệu là Thiệu Phong, sau lại đổi là Đại Trị, miếu hiệu là Dụ Tông hoàng đế.
Trần Dụ Tông lên ngôi lúc 6 tuổi, là người có tư chất thông minh. Tuy vậy, mới là trẻ nhỏ nên mọi việc điều hành triều chính đều trong tay thượng hoàng Trần Hiến Tông. Nhưng dù sao dưới triều Trần Dụ Tông cũng có những sự kiện xếp đặt lại ngôi thứ các quan văn quan võ, đồng thời tăng cường giám sát công việc cai trị của quan lại. Có lần thượng hoàng Trần Hiến Tông đến Ngự sử đài không thấy Doãn Định và Nguyễn Như Vy nên khiển trách, nhưng họ không thụ lý do đó đều bị cách chức.
Trong thời gian này thượng hoàng Trần Hiến Tông cất nhắc Trương Hán Siêu làm Tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang để tăng cường cho sự an ninh vùng biên cương phía Bắc. Triều đình đã sửa đổi lại một số quy định chúc năng cũng như đặt quan chức sao cho hợp lý. Ví như đổi Hành khiển ty ở cung Thánh từ là Thượng thư sảnh. Đặt Tuyên huy viện đại sứ và phó sứ, đặt đồn điền sứ và phó sứ ở ty khuyến nông. Lộ lớn thì đặt An phủ sứ và phó sứ, thuộc châu thì đặt Thông phán. Lại đặt chức Đề hình và Tào ty chuyển vận ở lộ nhỏ. Phủ Thiên Trường là quê hương các vua thì đặt Thái phủ và Thiếu phủ.
Để giữ gìn an ninh, phòng ngừa nội loạn trong nước, triều đình tổ chức Đô phòng đoàn ở các lộ để lo nhiệm vụ an ninh trong lộ.
Tháng 11 nám Kỷ Sửu (1349) đặt quan trấn, quan lộ và Sát hải sứ ở trấn Vân Đồn, đặt quan Bình hải đóng giữ đề phòng giặc cướp gây rối cửa biển, nhất là những nơi có nhiều tàu thuyền vào ra.
Song, giai đoạn này nhiều năm thiên tai giáng hoạ gây mất mùa đói kém, khiến nông dân kể cả nông nô, nô tỳ nổi loạn. Sự kiện dẫn đến việc chống lại triều đình năm 1343 gây hỗn loạn nhiều nơi, làm cho tình hình khá rắc rối.
Năm Tân Mão (1351), người Lạng Sơn, Thái Nguyên còn tụ họp đánh cướp lẫn nhau, khiến triều đình phải đem quân đánh dẹp, các năm sau tình hình đói kém, giặc cướp vẫn làm cho dân tình cơ cực nên nhiều người nổi loạn ở vùng Nam Sách, Lạng Sơn. Có người lại xưng là cháu ngoại Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn do đó tình hình càng thêm rắc rối. Nhân tình hình trên, Ngô Bệ nổi loạn, được nhiều người đi theo, dựng cờ ở núi Yên Phụ, niêm yết bảng chẩn cứu dân nghèo khiến An phủ sứ các lộ đem Đô phòng đón đi tiễu trừ và mãi năm Canh Tý (1360) mới dẹp yên. Tình hình đói kém kéo dài, loạn lạc tiếp diễn, Đô phòng đoàn không dẹp nổi, nhà vua phải cho cấm quân đi tiễu trừ và cũng phải rất gian nan mới làm dịu được tình hình. Ngoài việc dân tình bất an, khắp nơi loạn lạc, triều đình còn phải lo việc đánh giặc phía Tây và phía Nam, lo phòng bị thế lực thực dân phương Bắc.
Năm Bính Tuất (1346), cử Phạm Nguyên Hằng sang Chiêm nhắc nhở tục lệ triều cống đồng thời để tỏ rõ uy lực tránh việc phản trắc của giặc phương Nam nên đã cử các võ tướng đem quân dẹp các đợt quấy phá của người Chiêm. Lại sai Trương Hán Siêu đem quân trấn giữ Châu Hóa. Trong thời điểm này, giặc Ai Lao lại lấn đất, phải tiến sang tận sào huyệt bắt được nhiều tù binh, súc vật đem về nước tình hình mới yên. Nhà Nguyên sai sứ là Vương Sỹ Hành sang hạch sách việc cột đồng là mốc giới xưa, vua phải sai Phạm Sư Mạnh sang Nguyên biện bạch làm dịu tình hình.
Lúc này, nhà Minh đã đoạt ngôi vị triều Nguyên, Minh Thái Tổ lên ngôi, đặt niên hiệu Hồng Vũ, sai sứ thần sang thông báo tình hình thay đổi. Vua Trần Dụ Tông sai Đào Sư Tích là Lễ bộ thị lang sang nước Minh đáp lễ. Do vậy tình hình biên giới phía Bắc tạm ổn. Mặc dù trước đó có chuyện Trần Hữu Lượng (con của Trần Ích Tắc) đánh nhau với nhà Minh ở bên kia biên giới. Như vậy, dưới triều vua Trần Dụ Tông có đầy rẫy biến động về tình hình xã hội, đời sống nhân dân. Việc đối ngoại với phương Bắc cũng phải tế nhị, khi cương, khi nhu. Việc chinh phạt phương Nam và phía Tây cũng có nhiều tình huống gian nguy phức tạp. Nhưng Trần Dụ Tông đã được phụ hoàng Trần Hiến Tông giúp đỡ làm được nhiều điều đáng kể trong bối cảnh thiên thời đều bất lợi. Đặc biệt, đã định lệ quan tước cho phù hợp, biết trọng hiền tài, chăm lo việc nạo vét kênh mương, tế bần cho dân nghèo, giảm tô thuế cho nông dân... Song khi đến tuổi thành niên, vua lại ham thích đánh bạc, dạo chơi đó đây, tạo hệ thống “giả sơn” bể cảnh quy mô tốn phí, thậm chí còn chơi bời rượu chè... như kẻ chán đời không còn vị thế một quân vương, quả là sai lầm đáng trách.
Thử ngẫm lại mùa xuân năm Nhâm Dần (1362), vua ra lệnh cho các vương hầu dâng trò chơi, vua chấm giải cho những trò hay để ban thưởng. Việc này nếu có chừng mực sẽ giúp cho việc phát triển văn hoá nghệ thuật. Nhưng nếu quá đam mê, nhất là đang cương vị quốc vương thì hỏi còn đâu thời giờ lo việc nước?
Nhà vua lại triệu tập các nhà giàu trong nước vào cung điện đánh bạc làm vui. Đến đây tha hồ sát phạt lẫn nhau. Cổ sử cho biết: Có lần đánh ba trăm quan tiền một nước (còn gọi tiếng bạc) vậy thì một buổi chơi có kẻ mất hàng ngàn, hàng vạn quan tiền. Trò này đã là nguyên nhân dẫn đến sự tha hoá, nhiều gia cảnh tan nát.
Nhà vua còn mua vui bằng chén rượu hàng ngày, gọi chính trưởng Phụ ngự ở cung Vĩnh An là Bùi Khoan vào cung vua uống rượu. Khoan đã lập mẹo uống dối lừa hết 100 thăng nên được vua khen có tài uống rượu, được thưởng tước 2 tư.
Có lần Trần Dụ Tông đi hóng gió chơi trăng, uống rượu say mèm rồi lội xuống sông dẫn đến ốm nặng, khiến bọn Trâu Canh phải hầu trực thuốc thang.
Lại có lần vua ngự thuyền nhỏ lẻn đến chơi nhà thiếu uý Trần Ngô Lang ở hương Mễ Sở, mãi đến canh ba mới về, đến nỗi để mất cả gươm báu, ấn tín mà không biết.
Vua Trần Dụ Tông chán đời e mình không sống được lâu, lại mắc bệnh vô sinh nên chơi bời quá độ, không học tập Tổ phụ coi thường sự sống chết, vượt qua bốn núi “Sinh lão bệnh tử” mà “khoá hư lục” đã từng nêu để gìn giữ nét đẹp gia tiên, quả đã làm mất đi hào khí Đông A một thời chói lọi. Cũng chính tại tâm trạng u uất nên trước khi chết vào ngày 25 tháng 4 năm Kỷ Dậu (1369), vua xuống chiếu đón Dương Nhật Lễ về nối ngôi (Dương Nhật Lễ là con người phường chèo Dương Khuông, mẹ đẻ thường đóng vai Vương mẫu, lại có nhan sắc nên lúc có thai thì Cung túc đại vương Dục (là con của thượng hoàng Trần Hiến Tông) hám sắc lấy làm vợ và đẻ ra Nhật Lễ).
Trần Dụ Tông u mê thiếu suy nghĩ, không biết chọn người anh em khác nối ngôi nên có chiếu này và thái hậu Hiển từ cũng không xét cứ theo chiếu đón Dương Nhật Lễ. Trần Dụ Tông còn giết chết mẹ mình là Hiển từ tuyên thánh Thái hoàng thái hậu là người nhân từ hiếm có gây tiếc thương, đau đớn cho trăm họ. Sau này, Dương Nhật Lễ trở thành kẻ hoang dâm vô đạo, dựa uy quyền tàn sát đại thần, khiến trăm quan ngậm ngùi cay đắng.
Quan thái tể Nguyên Trác cùng người nhà vào cung định giết Dương Nhật Lễ, nhưng sơ hở để hắn trốn thoát và hôm sau Dương Nhật Lễ xuống lệnh bắt Nguyễn Trác cùng hàng chục người liên quan xử trảm. Thế mà Tông thất họ Trần, các quan lại điềm nhiên ngồi trông. May nhờ có Trần Phủ là con thứ ba thượng hoàng Trần Minh Tông cất quân dẹp yên, trừng trị Dương Nhật Lễ, khôi phục lại nghiệp lớn họ Trần mở ra triều đại mới, triều đại Nghệ Tông hoàng đế./.
Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018