Vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)

Thứ sáu, 24/06/2022 15:09
(HĐHTVN) - Trần Thiếu Đế (năm sinh: 1395 - không rõ năm mất; thời gian làm vua: 1398 - 1400), lên ngôi vua khi mới 3 tuổi, là vị vua thứ 12, lên ngôi được 3 năm, trong hoàn cảnh triều Trần đã mục nát, từ triều đình đến cơ sở hạ tầng đã và đang bị lung lay. Trần Thiếu Đế là vị vua chính thức cuối cùng của nhà Trần, trước khi mất ngôi vua vào tay ông ngoại là Lê Quý Ly (Hồ Quý Ly).

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)

Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278)

Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329)

Vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341)

Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

Vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372)

Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377)

Vua Trần Phế Đế (1377 - 1388)

Vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398)

Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)

Vua Trần Trùng Quang (1409 - 1414)

leftcenterrightdel
 Tượng vua Trần Thiếu Đế

Vua Trần Thiếu Đế có tên húy Trần Án, là con trưởng của thượng hoàng Trần Thuận Tông và mẹ là Thánh Ngẫu. Tháng 3 năm Mậu Dần (1398) Trần Án lên ngôi, đổi niên hiệu là Kiến Tân, đại xá cho thiên hạ.

Trần Thiếu Đế lên ngôi lúc còn thơ ấu, trong hoàn cảnh triều Trần đã mục nát, từ triều đình đến cơ sở hạ tầng đã và đang bị lung lay. Trong khi đó, Lê Quý Ly là một thế lực mạnh, uy quyền lấn át triều đình, lại là ông ngoại của vua, có ý chiếm ngôi báu của họ Trần giành quyền trị vì đất nước. Do vậy, Trần Thiếu Đế cũng chỉ là con bài hư vị, là ông vua cuối cùng của triều đại nhà Trần thế kỷ XIV.

Quý Ly có tên tự là Lý Nguyên, tiên tổ là Hồ Hưng Dạt bên Trung Quốc, khoảng trên 1000 năm trước sang làm thái thú Diễn Châu, sau về hương Bào Đột (nay là huyện Quỳnh Lưu). Đời Lý, người họ Hồ lấy công chúa Nguyệt Đích sinh ra công chúa Nguyệt Đoàn. Đời thứ 12 có Hồ Liêm rời đến hương Đại Lại phủ Thanh Hoá, làm con nuôi Tuyên uý Lê Huấn nên đổi họ Lê. Lê Quý Ly là cháu bốn đời Lê Liêm, làm quan đời vua Trần Nghệ Tông rất được tín nhiệm. Một phần bởi Lê Quý Ly có hai bà cô đều là cung nhân của vua Trần Minh Tông, một người sinh ra vua Trần Nghệ Tông, một người sinh ra vua Trần Duệ Tông. Như vậy là quan hệ họ ngoại đã giúp Lê Quý Ly tiến thân một cách thuận lợi.

Sau khi Lê Quý Ly bắt thượng hoàng Trần Thuận Tông theo đạo giáo và giết đi, một số quần thần bàn mưu giết Lê Quý Ly, nhưng không may mưu bị lộ, bọn thái bảo Trần Hãng và thượng tướng Trần Khát Chân gồm 730 người đều bị sát hại một cách tàn nhẫn.

Tháng 6 năm Kỷ Mão (1399), Lê Quý Ly tự xưng Quốc tổ chương hoàng đế, ra vào dùng 12 lọng vàng. Con là Lê Hán Thương xưng nhiếp Thái phó, Nguyên Trừng làm tư đồ.

Thời kỳ này giặc cướp Nguyễn Như Cái có tới hàng vạn người cướp bóc bừa bãi, mà triều đình bó tay. Mãi 4 tháng sau, An phủ sứ Đông Lộ là Nguyễn Bằng Cử ra quân mới dẹp yên.

Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Lê Quý Ly ép vua Trần Thiếu Đế lúc này mới 3 tuổi phải nhường ngôi, lại bày trò bắt người Tông thất nhà Trần và quần thần ba lần dâng biểu khuyến tiến mới nhận. Lê Quý Ly lên ngôi đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu, đổi họ Lê thành họ Hồ.

Trần Thiếu Đế sau khi bị truất ngôi vua thì được phong làm Bảo Ninh Đại Vương. Nhưng vì Trần Thiếu Đế là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết. Trần Thiếu Đế lên ngôi chỉ là đốm lửa tàn để rồi nhanh chóng tắt hẳn, chấm dứt một đế triều tồn tại 175 năm, trong đó một thời trên một thế kỷ oai hùng với “Truyền thống Đông A muôn đời tỏa sáng”. Có các bậc đế vương một thời vang bóng như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông; và các bậc đại thần, danh tướng lừng lẫy như: Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán…

Sau vua Trần Minh Tông có thể nói là chấm dứt thời kỳ hoàng kim, cũng là tạm dứt thời cha truyền con nối. Dưới triều Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông đều là con của Trần Minh Tông lần lượt thay nhau làm vua, khiến nội tình sinh bè cánh xâu xé lẫn nhau. Vua thì ăn chơi hưởng lạc, chí khí tầm thường khiến quyền thần lấn át. Đến đời Trần Thuận Tông và Trần Thiếu Đế là hai ông vua cuối triều biểu hiện sức tàn lực kiệt và vị thế nhà Trần mất, nhường cho một thế lực khác mạnh hơn trị vì, quản lý nhà nước.

Nhà Hồ lên thay, tuy kiên cường kháng chiến, có nhiều cải cách tiến bộ nhưng cũng gặp nhiều điều cay đắng, chính sách trị quốc cứng nhắc, độc đoán gây mất lòng dân, lại động chạm đến quyền lợi của quan lại, quý tộc Trần, làm mất đi hậu thuẫn. Nhà Hồ lại bị giặc Minh dùng đại quân áp đảo tấn công, đến nỗi vua tôi đều bị bắt hoặc trầm mình tuẫn tiết, đất nước rơi vào cảnh lầm than nô lệ dưới sự đô hộ  hà khắc của nhà Minh, gây ra bao cảnh chết chóc, cơ hàn, sống đau thương quằn quại…

 

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực