Vua Trần Trùng Quang (1409 - 1414)

Thứ bảy, 25/06/2022 21:31
(HĐHTVN) - Trần Trùng Quang (không rõ năm sinh - năm mất: 1414; thời gian làm vua: 1409 - 1414) là vị vua thứ 14, cũng là vị vua cuối cùng của nhà Trần. Cùng với chú mình là thượng hoàng Trần Giản Định, vua Trần Trùng Quang tỏ rõ ý trí, quyết tâm chống lại giặc Minh, mong muốn khôi phục nhà Trần. Song bởi nội bộ thiếu đồng tâm, vua thiếu sự sáng suốt, bọn thổ quan bán nước cầu vinh, cam tâm làm tay sai cho giặc nên kết cục vua tôi bị giặc bắt, nhà Hậu Trần mất, dân tộc ta lại bị dơi vào vòng nô lệ giặc phương Bắc trong hơn mười năm tiếp theo cho đến khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, sau này giành chiến thắng lập ra nhà Lê (năm 1428).

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)

Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278)

Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329)

Vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341)

Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

Vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372)

Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377)

Vua Trần Phế Đế (1377 - 1388)

Vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398)

Vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)

Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)

leftcenterrightdel
 Vua Trần Trùng Quang và cuộc kháng chiến chống quân Minh tuy thất bại, nhưng đó cũng chính là “Thiên anh hùng ca” - khúc ca bi tráng cuối cùng của nhà Trần, để từ đó “Hào khí Đông A” vẫn luôn tỏa sáng đến muôn đời sau

Trùng Quang huý là Quý Khoáng, cháu của thượng hoàng Trần Nghệ Tông, gọi Trần Giản Định bằng chú, lên ngôi trong hoàn cảnh con của Đặng Tất là Đặng Dung và con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị căm giận Trần Giản Định giết oan cha, nên kéo quân từ Thuận Hóa vào Nghệ Tĩnh đón tìm Trần Quý Khoáng tôn làm vua.

Trần Quý Khoáng lên ngôi, lấy hiệu là Trùng Quang Đế vào ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Sửu (1409), sẵn sàng đón Trần Giản Định, tôn làm thượng hoàng cùng lo việc nước. Nhưng Hưng khánh thái hậu cùng bọn quyền thần của Trần Giản Định tìm cách phản trắc, không biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên nên gánh lấy sự thiệt thân vô ích.

Nhà Minh lúc này đã lúc này đã tiêu diệt xong cha con Hồ Quý Ly[1], nhưng muốn đánh chiếm nước ta lâu dài, nên mùa xuân năm Trùng Quang thứ 2, Canh Dần (1410) tổng binh Trương Phụ của giặc Minh cho quân khai mở đồn điền ở gần thành trên địa bàn Tuyên Quang, Thái Nguyên, Tam Giang tạo lương thực cho quân Minh. Chúng còn cấp ruộng đất cho đội ngũ thổ quan đầu hàng để họ phát canh thu tô thay cho bổng lộc, hoặc cấp ruộng cho quân đội nhà Minh để chúng cày cấy lương thực. Quân Minh còn mua chuộc, phỉnh phờ bọn “bán nước”. Cấp bằng ghi công trạng cho các thổ quan đi đánh dẹp phong trào khởi nghĩa do Hồ Quý Ly lãnh đạo.

Tháng 2 năm Tân Mão (1411) nhà Minh còn xuống chiếu ân xá, hoặc sắc chỉ tỏ nỗi xót thương dân Giao Chỉ, phỉnh phờ bọn phản loạn đánh dẹp nghĩa quân, để được hưởng bổng lộc...

Giặc Minh tàn bạo xâm lược nước ta, lại câu kết với bọn hàng quan, thổ quan cùng nhiều kẻ nhát gan trước đây đã tiếp tay cho địch tiêu diệt họ Hồ Quy Ly, nay lại tiếp tay cho quân xâm lược đàn áp cuộc khởi nghĩa của Trùng Quang Đế khiến vua tôi nhà Trần gặp trăm ngàn khó khăn. Ấy vậy, quân Trần vẫn anh dũng tiến quân. Tháng 5 năm Canh Dần, vua Trần Trùng Quang và Nguyễn Cảnh Dị đánh thắng quân của Đô đốc Giang Hao của nhà Minh ở bến La Châu - Hạ Hồng. Lại thừa thắng truy kích quân Minh đến bến Bình Than, đốt phá gần hết thuyền trại của giặc Minh.

Tháng 7 năm Tân Mão, vua Trần Trùng Quang cùng Nguyễn Suý chia quân tiến đến các cửa biển, bắt bọn thổ quan theo giặc và Nguyễn Chính ở Bài Lâm, đem chém đầu để cảnh cáo.

Tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1412) Nguyễn Nhuệ cũng khởi quân chống Minh, không may bị tướng Trương Phụ của quân Minh bắt. Tình thế đất nước rất bi đát, dân tình cơ cực phải làm sai dịch, cống nộp quá sức mình. Quân xâm lược nhà Minh còn cấm trồng cấy từ Diễn Châu vào Nam hòng diệt luôn nguồn lương của quân Trần. Tháng 6 cùng năm, Trương Phụ, Mộc Thạnh bên quân Minh đem quân đánh thành tại Nghệ An, gặp quân của Nguyễn Suý, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung bên phía nhà Trần ở Mô Độ (Ninh Bình - Nam Định) hai bên giao chiến. Đặng Dung chỉ huy nghĩa quân quyết tử với kẻ thù, chưa phân được thua thì Nguyễn Suý và Nguyễn Cảnh Dị đã bỏ chạy, Hồ Bối cũng tìm đường rút lui khiến tình thế bất lợi. Đặng Dung phải dùng thuyền nhẹ rút ra biển. Do vậy mà thành tại Thanh Hóa, Diễn Châu, Nghệ An lần lượt bị chiếm.

Trong khi đó thì Nông Văn Lịch ở Lạng Sơn nổi quân chẹn đường giao thông, bắt, giết giặc Minh khá nhiều, Tham chính Mạc Thuỷ của giặc trúng tên độc tử trận...

Người Liễu, người Ly Nhân chiêu tập nghĩa quân ở Lục Na, Vũ Lễ đánh giặc Minh. Nhưng vì suốt mấy năm các vua Trần đều ở Nghệ An không có sự liên kết nên dần dần thế lực này bị tan vỡ.

Trần Trùng Quang bị dồn về phía Nam, tháng 3 năm Quý Tỵ (1413) mới trở lại Nghệ An, lực lượng bị suy giảm, nhưng vẫn hy vọng phục hồi thế trận. Thấy vua Trần Trùng Quang ra Nghệ An, bọn Trương Phụ của quân Minh lại đánh vào Nghệ An, vua Trần Trùng Quang phải chạy vào Châu Hoá, rồi sai đài quan là Nguyễn Biểu làm sứ đi cầu phong. Khi Nguyễn Biểu đến Nghệ An, bị Trương Phụ giữ lại, Nguyễn Biểu tức giận chỉ vào mặt Trương Phụ mắng: “Trong bụng thì mưu đánh lấy nước, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu nhà Trần, lại đặt quận huyện, không những chỉ cướp lấy vàng bạc châu báu, lại còn giết hại nhân dân, thực là giặc tàn ngược” rồi đành chịu chết.

Sau đó, Trương Phụ của quân Minh được bọn Việt gian tay sai cung cấp tình hình vua quan nhà Trần, chỉ vẽ bản đồ quân Trần ẩn náu nên quyết định tấn công đánh vào Châu Hoá. Khi quân Minh tiến đánh Châu Hoá vấp phải sự kháng cự của quân nhà Hậu Trần khá mãnh liệt. Nguyễn Suý dàn trận giao chiến ác liệt tại kênh Thái Đà. Trong khi đó, tướng Đặng Dung phục binh và voi đánh úp dinh của Trương Phụ.

Đặng Dung thừa thắng nhảy lên thuyền muốn bắt sống Trương Phụ, nhưng không nhận được diện mạo, Trương Phụ sợ hãi đi thuyền nhỏ trốn thoát. Quân Minh tan vỡ quá nửa. Thuyền chiến, khí giới bị đốt phá gần hết. Khốn nỗi, Nguyễn Suý lại không chịu hợp sức cùng Đặng Dung chiến đấu. Trương Phụ thấy quân Trần ít bèn thu tàn quân phản công, chuyển bại thành thắng. Quân Đặng Dung phải lui, ẩn nấp trong hang núi, thế lực ngày càng suy giảm.

Sau đó, Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung đều bị nhà quân Minh bắt. Nguyễn Cảnh Dị căm giận mắng vào mặt Trương Phụ: “Ta muốn giết mày, thành ra lại bị mày bắt được”. Trương Phụ giận sôi tiết sai mổ lấy gan ăn.

Vua Trần Trùng Quang chạy sang nước Lão Qua, lại bị người của Trương Phụ bắt, quân ta ở Thuận Hóa cũng quy hàng, thế là nhà Trần mất. Sở dĩ Trương Phụ thông thuộc địa hình Châu Hoá và nội bộ nhà Trần, một phần còn do bọn Liêu (con của Phan Quý Hựu) làm quan tri châu nơi đây, chỉ dẫn cho địch biết nên mới đến nỗi thất bại thảm hại.

Trùng Quang Đế là người yêu nước, trọng nghĩa cử và cũng là người yêu thơ văn chữ Nôm. Thơ của ông nội dung trong sáng, đề cao tinh thần thượng võ dân tộc. Trong thế phả họ Hoàng (Nghệ Tĩnh) còn ghi bài thơ tiễn Nguyễn Biểu đi sứ và bài văn tế Nguyễn Biểu, nói lên nỗi lòng cảm kích của vua đối với khí tiết đáng trân trọng của Nguyễn Biểu.

Như vậy, cuộc kháng chiến chống giặc Minh thời Hậu Trần, kể cả hai đời vua Trần Giản Định và Trần Trung Quang kéo dài tới 7 năm. Bảy năm trời nằm gai nếm mật, vua quan nhà Trần đã tỏ rõ ý chí sắt đá, chiến đấu đến cùng vì độc lập dân tộc. Song bởi nội bộ thiếu đồng tâm, vua thiếu sự sáng suốt và bọn thổ quan bán nước cầu vinh, cam tâm làm tay sai cho giặc nên kết cục vua tôi bị giặc bắt, nhà Hậu Trần mất, dân tộc bị nô lệ. Dù sao cuộc chiến tranh tự vệ thời Hậu Trần, cũng là hào khí Đông A được tái hiện, loé sáng trang sử vàng mà quân dân thời Hậu Trần đã lưu cho hậu thế tấm gương “Ái quốc trung quân”, đã phát huy được truyền thống cũng như ý chí tự lực, tự cường của dân tộc.

Vua Trần Trùng Quang và cuộc kháng chiến chống quân Minh tuy thất bại, nhưng đó cũng chính là “Thiên anh hùng ca” - khúc ca bi tráng cuối cùng của nhà Trần, để từ đó “Hào khí Đông A” vẫn luôn tỏa sáng đến muôn đời sau./.

 


[1] Trước đó, khi Hồ Quý Ly giết con rể là vua Trần Thuận Tông, rồi cướp ngôi của cháu ngoại là vua Trần Thiếu Đế, lập ra nhà Hồ. Lúc này, nhà Minh lấy cớ phù Trần diệt Hồ nên đã đem quân vào đánh bại cha con Hồ Quý Ly rồi chiếm luôn nước Nam đặt thành quận huyện.

 

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018

TIN LIÊN QUAN

  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực
Tin đọc nhiều