Vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372)

Thứ năm, 23/06/2022 09:38
(HĐHTVN) - Trần Nghệ Tông (năm sinh: 1321 - năm mất: 1394; thời gian làm vua: 1370 - 1372) do triều chính loạn lạc nên ông phải ra tay dẹp loại, lấy lại vương triều, nhưng thời gian làm vua ngắn nên chưa có nhiều kinh nghiệm quản trị đất nước. Tuy có một số cải cách về đãi ngộ trọng thần, nhưng thiếu quyết đoán bảo vệ chủ quyền nên để quân Chiêm tấn tông cướp phá triều đình…

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)

Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278)

Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329)

Vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341)

Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377)

Vua Trần Phế Đế (1377 - 1388)

Vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398)

Vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)

Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)

Vua Trần Trùng Quang (1409 - 1414)

leftcenterrightdel
 Tượng vua Trần Nghệ Tông tại đền Trần (Nam Định)

Vua có tên huý là Trần Phủ, là con thứ ba của thượng hoàng Minh Tông, mẹ đích là Hiển Từ tuyên thánh thái hoàng thái hậu Lê Thị, mẹ đẻ là Hiển Từ thái hậu, thứ phi của thượng hoàng Minh Tông.

Khi Dương Nhật Lễ cướp ngôi, Trần Phủ có con gái lấy Dương Nhật Lễ nên sợ vạ lây đành tránh ra mạn Đà Giang phủ Gia Hưng. Nhưng trước hoạ quốc biến, Trần Phủ ngầm hẹn với em là Cung tuyên vương Kính, Chương Túc Quốc thượng hầu Nguyên Đán và công chúa Thiên Ninh Ngọc Tha đến phủ Thanh Hoá để dấy binh trừ Dương Nhật Lễ. Công chúa Thiên Ninh đã nói: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, sao lại đành bỏ cho kẻ khác”. Chi hậu nội nhân phó chưởng Nguyễn Nhiên cũng có lời khuyên: “Người ta muốn làm hại mình sao không biết cơ mà liệu trước”.

Thực ra nỗi lòng của Trần Phủ sau khi về thăm lăng các vị hoàng đế, ông ngán ngẩm sự đời, thấy việc Vũ Tắc Thiên chiếm ngôi lập nhà Chu, sau bọn Trương Giản Chi bắt Vũ Hậu phải trả lại ngôi cho Đường Trung Tông. Nhà Hán cũng bị họ Lưu Lữ Hậu (vợ Hán cao tổ) cướp ngôi phong vương cho người họ Lữ, làm loạn, sau nhờ Chu Bột đánh dẹp, lập Văn đế khôi phục nhà Hán, nên ông không màng tưởng ngôi vị cao sang:

Ngôi cả rèm nhiều ở lại chi?

Một mình vượt núi đến Man di

Bảy lăng ngoảnh lại châu tuôn ứa (lăng mộ)

Muôn dặm lòng đau tóc bạc đi

Trừ Vũ (Vũ Hậu) cho nên Dường xã tắc

An Lưu (họ Lưu) lại thấy Hán uy nghi

Minh Tông sự nghiệp người nên nhớ

Thu phục Thần kinh nhất định về

Bài thơ trên của vua Trần Phủ gửi cho em là Cung tuyên vương Kính, vừa gửi gấm tâm trạng, vừa nêu lên trách nhiệm phục quốc, nên theo sách Đại Việt sử ký toàn thư còn cho đây là lời sấm truyền dạy.

Trước bối cảnh đất nước lâm nguy, vua Trần Phủ cùng Tuyên vương Kính và công chúa Thiên Ninh đem quân về kinh sư. Khi đến phủ Kiến Hưng (phía Tây Nam Định) tuyên chiếu phế truất Dương Nhật Lễ làm Hôn đức công. Ngày 15 tháng 11 năm Canh Tuất (1370) Trần Phủ lên ngôi hoàng đế, xưng hiệu Nghĩa Hoàng tức Nghệ Tông, đổi niên hiệu là Thiệu Khánh.

Khi vua về đến kinh sư, Dương Nhật Lễ mặc thường phục đến xin nhường ngôi, vua Trần Nghệ Tông sai giam Dương Nhật Lễ vào ngục. Sau Nhật Lễ bóp cổ tướng Ngô Lang, cháu Ngô Lang tâu trình việc này, nên có lệnh đánh chết Nhật Lễ và con là Liễu. Triều thần còn giết Trần Nhật Hạch về tội đồng mưu với Dương Nhật Lễ đánh đổ xã tắc.

Trần Nghệ Tông là người biết trọng hiền tài, vua thấy Chu Văn An là bậc thầy cương trực, từng được thượng hoàng Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc tử giám, dạy thái tử học. Thời vua Trần Dụ Tông, bọn quyền thần ngang ngược, Chu Văn An đã từng dâng sớ giết 7 kẻ nịnh thần được vua yêu (thất trảm sớ). Vua Trần Dụ Tông không nghe, Chu Văn An liền treo mũ áo từ quan về quê ở ẩn tại núi Chí Linh. Những đại khoa làm việc trong chính phủ như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát khi đến thăm hỏi thầy, phải quỳ lậy dưới giường. Kẻ học trò nào sai trái Chu Văn An quở mắng, thậm chí còn la thét đuổi đi

Khi nghe tin Trần Nghệ Tông lấy lại ngôi vua, Chu Văn An mừng rỡ, chống gậy yết kiến nhưng từ chối không nhận quan tước, bổng lộc gì cả nên lúc Chu Văn An chết, vua tặng Văn trinh công, cho phối thờ ở Văn miếu Quốc tử giám. Khi quan thiếu phó Trương Hán Siêu chết, vua cũng nghĩ đến công lao từ lúc còn là môn khách của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, rồi qua các triều vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông đều tỏ rõ tài làm tướng, lại là nhà thơ phú nổi tiếng nên cho thờ phụ vào Văn miếu tỏ rõ thiện tâm trọng hiền tài.

Đối với họ ngoại Lê Quý Ly, vì có hai chị em là cô của Quý Ly làm cung nhân của thượng hoàng Trần Minh Tông. Một người sinh ra vua tức Minh Từ, một người sinh ra Duệ Tông tức Đôn Từ nên vua rất trọng dụng. Vua lại đem em gái Huy Ninh mới góa chồng gả cho Quý Ly để thắt chặt thêm tình, tỏ rõ sự ưu ái.

Vua Trần Nghệ Tông xuống chiếu cho các hoàng thân nếu xây dựng cung thất chỉ nên đơn giản không được làm tốn phí, gây phiền nhiễu nhân dân. Một số phép tắc phong tục từ thời Minh Tông được bảo tồn, những điều phi lý do bọn quyền thần bày đặt thời Dụ Tông, do dập khuôn văn hoá Trung Hoa bị bãi bỏ.

Vua còn hạ chiếu bỏ việc cho phép vương hầu chiếm đất bồi ven sông, bỏ lệnh kiểm tra tài sản các nhà quyền quý để lấy báu vật về cho nhà nước... Năm Tân Hợi (1371) vua truy tôn mẹ sinh ra là Nguyên phi Anh tư hoàng thái phi, ban yến, phong thưởng cho hoàng tộc, bách quan. Cho Nguyên Đán làm Tư đồ, Nguyên Uyên là Phủ quân tướng quân và mới làm vua được hai năm, Nghệ Tông đã có ý nhường ngôi lập em là Cung tuyên đại vương Kính làm hoàng thái tử và viết tập “Hoàng huấn” gồm 14 chương ban cho hoàng thái tử, sau đó một năm vào ngày 9 tháng 11 năm Nhâm Tý (1372), vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho hoàng thái tử Kính, lấy hiệu là Duệ Tông. Như vậy Trần Nghệ Tông giữ ngôi ba năm, năm ông 51 tuổi lên làm thái thượng hoàng.

Trần Nghệ Tông là ông vua có chính kiến riêng. Năm 10 tuổi được phong Cung định vương, 17 tuổi đã từng giữ chức Phiêu ký Đại tướng quân trấn giữ mạn Tuyên Quang. Trần Dụ Tông được phong làm Hữu tướng quốc, lại được làm Tả tướng quốc gia phong đại vương và khi có loạn Dương Nhật Lễ ông có công tham gia phục hồi nhà Trần lên ngôi vua khôi phục lại nghiệp lớn, góp phần không nhỏ trong việc tồn vinh đất nước. Song đáng tiếc là khi làm vua, Trân Nghệ Tông lại thiếu phần cương đoán, nên có lần giặc Chiêm Thành sang đánh phá vùng biển Đại An, triều đình bó tay không có binh lực chống cự để du binh của giặc xâm phạm kinh thành, vua quan phai trốn chạy, mặc cho chúng đốt phá cung điện, cướp con gái, của cải đem về.

Bàn về thảm hại này, Sử thần Ngô Sỹ Liên viết: “Chiêm Thành với nước ta là thế thù, triều Trần họ chẳng biết thế mà phòng bị ư? Chỉ vì lòng người yên rỗi sinh càn, pháp độ xếp bỏ, năm tháng đã lâu, việc giữ gìn bờ cõi mất đi cho nên thế. Giặc vào cõi mà biên thành không giữ được, giặc đến kinh mà cấm binh không chống lại, còn gọi là nước thế nào được?”.

Dưới thời vua Trần Nghệ Tông, triều thần không sợ phép nước nên khi có lệnh khai báo tước mệnh để làm sổ hộ thì gian trá, lấy không làm có, khai báo sai lệnh. Trong triều nảy sinh bè đảng, khiến xã tắc nhà Trần ngày một kém đi...

Trong thời gian làm thái thượng hoàng, Trần Nghệ Tông đã có một số nhìn nhận sai lầm, nhu nhược, quá nuông chiều bên họ ngoại, tin dùng Lê Quý Ly (sau đổi họ thành Hồ Quý Ly) một cách mù quáng, giám tiếp dẫn đến sự suy vong của triều Trần và sau này bị mất ngôi báu vào tay nhà Lê.

Nhưng dù sao Trần Nghệ Tông cũng là ông vua có công dẹp loạn nước, góp phần duy trì truyền thống nhà Trần. Ông đã để lại cho đời một số bài thơ trong “Nghệ Tông thi tập”. Đáng chú ý là các bài:

- Tống Bắc sứ Ngưu Lượng.

- Đề Tư đồ Trần Nguyên Đán.

- Đề chùa Báo ân.

Ông còn soạn các tác phẩm:

- Bảo hoà điện thư bút gồm tám quyển.

- Đế châm, soạn năm 1372.

Nhưng đáng tiếc là các tác phẩm của ông bị thất lạc chỉ còn ít bài thơ, bài minh chép trong “Việt âm thi tập”.

Thử ngẫm bài thơ dưới đây:

VỌNG ĐÔNG SƠN LIỄU NHIÊN AM

Cổ mộc phù sơ tạm hệ chu

Thiền phòng sầm tịch chậm thanh lưu

Minh niên thử tịch tri thuỳ kiện

Thả hỷ đăng lâm phỏng cực du.

Dịch Thơ.

TRÔNG AM LIỄU NHIÊN Ở ĐÔNG SƠN

Cổ thụ xum xuê tạm buộc thuyền

Gói khe sầm tịch cảnh chùa chiền

Năm sau biết đặng ai còn khoẻ

Chốn cũ lên cao vãn cảnh thiền

(Trần Lê Sáng dịch)

Ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất, Nghệ Tông hoàng đế băng hà, mai táng tại Nguyên Lăng - Yên Sinh - Đông Triều - Quảng Ninh, miếu hiệu là Nghệ Tông, thuỵ là Quang Nghiên anh triết hoàng đế./.

 

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực