Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377)

Thứ năm, 23/06/2022 11:47
(HĐHTVN) - Vua Trần Duệ Tông (năm sinh: 1337 - năm mất: 1377; thời gian làm vua: 1372 - 1377) là người thông minh, có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, có nhiều cải cách tiến bộ về bộ máy triều đình, làm cho đất nước phát triển. Nhưng cũng vì tính cách mạnh mẽ, có lúc bảo thủ, tự quyết, không nghe lời khuyên can của người khác nên bị chết trận khi thân cầm quân chinh phạt nước Chiêm…

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)

Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278)

Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329)

Vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341)

Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

Vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372)

Vua Trần Phế Đế (1377 - 1388)

Vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398)

Vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)

Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)

Vua Trần Trùng Quang (1409 - 1414)

leftcenterrightdel
 Tượng vua Trần Duệ Tông tại đền Trần (Nam Định)

Duệ Tông hoàng đế, con thứ 11 của thượng hoàng Trần Minh Tông, tên thật là Trần Kính, em của vua Trần Nghệ Tông, mẹ là Đôn Từ hoàng thái phi. Ông sinh ngày mồng 2 tháng 6 năm Đinh Sửu (1337), là người thông minh, có bản lĩnh nhưng cũng là người bảo thủ, tự quyết, ít để ý đến lời khuyên can của người khác.

Khi có loạn Dương Nhật Lễ, thì Trần Phủ (sau này là vua Trần Nghệ Tông) sợ vạ lây đã tránh ra miền Đà Giang, rồi ngầm hẹn với Cung tuyên vương Kính (tức Trần Kính) về việc dấy binh trừ hoạ Dương Nhật Lễ. Sau đó đại sự thành công, Trần Phủ lên ngôi, tức Nghệ Tông hoàng đế. Trần Nghệ Tông vốn không thích làm vua, lại nghĩ đến công lao của Trần Kính, người nắm giữ quân đội, vũ khí, có công lớn trong việc dẹp Dương Nhật Lễ giành lại ngôi báu cho nhà Trần, nên chỉ ở ngôi 3 năm rồi nhường ngôi cho Trần Kính.

Trần Kính lên ngôi ngày 9 tháng 11  năm Nhâm Tý (1372), đại xá cho thiên hạ, xưng là Khâm hoàng, truy tôn mẹ làm Đôn từ hoàng thái phi. Mùa xuân năm Quý Sửu (1373) đổi niên hiệu là Long Khánh, tôn thượng hoàng Trần Nghệ Tông làm Quang hoa anh triết thái thượng hoàng đế. Truy tôn Thục từ hoàng hậu làm Thuận từ hoàng thái hậu.

Trần Duệ Tông lên ngôi ở tuổi 37, trước đó đã từng là người từng cầm quân cai quản vương phủ nên khi lên ngôi đã dám nghĩ, dám làm những phận sự của quốc chủ. Đầu tiên, ông rà xét, định lại hệ thống quan văn, quan võ, sau đó bổ sung quân ngũ, đóng chiến thuyền chuẩn bị việc đánh Chiêm Thành, đồng thời huy động lương thực tới mức tối đa cho chiến dịch đánh Chiêm.

Để bổ sung người tài, triều đình tổ chức thi đình chọn tiến sĩ vào tháng 2 năm Giáp Dần (1374). Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn, Trần Đình Thâm đỗ thám hoa. Ba người đỗ đầu được đi chơi phố, ăn yến ba ngày theo lệ cũ. Việc thi trạng nguyên được mở rộng, các quan có tước phẩm, thái học sinh, thị thần học sinh, tướng phủ học sinh đều được tham dự kỳ thi.

Để cho việc thông thương đường thuỷ, triều đình cho đào kênh từ Thanh Hoá, Nghệ An đến cửa biển Hà Hoa, tức là đến huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh rồi thông ra biển. Đây còn là con đường thuỷ chiến lược cho quân đội nhà Trần.

Vua Trần Duệ Tông hạ chiếu chọn dân binh bổ sung vào quân đội, lại định ngạch trong bộ máy quan lại, cấm mọi người mặc quần áo kiểu phương Bắc, cấm không được bắt chước tiếng nói của người Chiêm, người Lào.

Tháng 6 năm Bính Thìn (1376), vua Trần Duệ Tông xuống chiếu cho các quân chuẩn bị chinh phạt Chiêm Thành, lại lệnh cho quân dân Thanh Hoá, Nghệ An tải 5 vạn hộc lương vào Châu Hoá, sau đó đại duyệt quân thuỷ, bộ ở bãi sông Bạch Hạc, hai vua (gồm Trần Duệ Tông và thượng hoàng Trần Nghệ Tông) thân làm tướng chỉ huy, uy thế rất hùng mạnh.

Trước đó, vua Chiêm là Chế Bồng Nga đem quân quấy phá biên giới, vua Trần Duệ Tông sai Hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân đến dẹp và trấn giữ Châu Hoá, Chế Bồng Nga cho người đem 10 mâm vàng dâng cống, Đỗ Tử Bình giấu sự việc trên, lấy làm của riêng, lại vu cho Chế Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, khiến vua Trần Duệ Tông tức giận quyết chí thân chinh trừng trị.

Tháng 12, vua Trần Duệ Tông thân đem 12 vạn quân từ kinh sư đánh Chiêm, sai Lê Quý Ly đốc xuất lương thực cấp cho quân. Cử bọn Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hoà... làm đại tướng.

Ngày 23 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1377), đại quân đến cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn), đóng quân ở động Ỷ Mang. Chế Bồng Nga cho quân trá hàng, nói dối Chế Bồng Nga đã trốn chạy, bỏ thành không, nên nhanh chóng cướp lấy. Vua Trần Duệ Tông cả tin, truyền lệnh tiến quân. Đại tướng Đỗ Lễ can ngăn, Duệ Tông không nghe, cho Đỗ Lễ là hạng đàn bà, còn sai lấy quần áo đàn bà bắt Đỗ Lễ mặc. Quân Trần theo lệnh vua nối gót nhau theo đường hẻm mà đi vào trận địa mai phục của Chế Bồng Nga. Quân Chiêm thừa thế đánh chặn khiến quân Trần tan vỡ. Bị hãm trong trận, vua Trần Duệ Tông cùng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hoà, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết vào ngày 24 tháng giêng, thật là một thảm bại chua xót. Đỗ Tử Bình không đến cứu nên bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông lệnh bắt bỏ cũi giải về kinh sư, khi xe cũi Đỗ Tử Bình qua phủ Thiên Trường, mọi người thấy Đỗ Tử Bình, tranh nhau ném gạch đá và chửi rủa. Lê Quý Ly nghe tin quân ta bại trận, vua băng nên bỏ nhiệm vụ đốc quân tải lương bỏ trốn về nước...

Sự việc đem quân đánh Chiêm, quan ngự sử đại phu Trương Đỗ đã ba lần dâng sớ can ngăn mà không được, bèn treo mũ từ quan. Còn Trần Duệ Tông vì ương bướng, không nghe can gián, lại khinh thường quân giặc nên phải thiệt mạng và làm cho tướng sĩ hàng vạn người phải chết theo, gây tổn thất lớn cho triều đình và nhân dân Đại Việt.

Dù sao, Trần Duệ Tông cũng lo gánh vác đại sự cho nước nhà, muốn trả hận giặc Chiêm tàn phá kinh thành nên thân cầm quân sang đất Chiêm mong giữ yên bờ cõi phương Nam, không may vì chủ quan mà chết trận. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cảm kích, lập con trưởng của Trần Duệ Tông là Kiến đức đại vương Nghiễn nối nghiệp, tức Trần Phế Đế.

Ngày 13 tháng 5, Trần Nghiễn lên ngôi hoàng đế, xưng là Giản Hoàng. Tháng 9 cùng năm làm lễ chiêu hồn cho cha Trần Duệ Tông và chôn ở Hy Lăng. Thực ra, đây là lăng mộ giả, tượng trưng mà tục lệ thường làm, lại táng ở khu mộ Yên Sinh - Đông Triều để được gần gũi các lăng của tổ, phụ.

Như vậy, Trần Duệ Tông là ông vua thứ 9 của đời Trần, lên ngôi được 4 năm đã tử trận, thọ 41 tuổi, chết trong tâm trạng bực bội, ngậm ngùi, lo lắng mối hoạ Chiêm Thành mà con cháu ông sau này phải gánh chịu.

Điểm lại quá trình 4 năm làm vua của Trần Duệ Tông là 4 năm ông đem hết tâm lực mong củng cố đế triều Trần, sau những biến thiên lịch sử, suy thoái. Ông đã cố gắng cho mở khoa thi chọn hiền tài hữu ích cho quốc gia, chú ý mở mang hệ thống kênh mương, tạo cho giao thông thuỷ miền Trung thuận lợi. Lại quan tâm đến bộ máy quan lại từ triều đình đến cơ sở, hy vọng có được những bề tôi mẫn cán để phục hưng đất nước. Điều đặc biệt là Trần Duệ Tông muốn tiêu diệt mối họa xâm lăng ở phía Nam, nên đã hạ chiếu bổ sung quân đội, tăng cường công tác hậu cần quân sự, tập dượt quân thuỷ, bộ lo cho cuộc chiến. Nhưng khi chiến sự xảy ra thì ông lại thiếu bình tĩnh, thiếu phép dùng binh, nôn nóng, chủ quan dẫn đến bản thân và hàng vạn quân tướng phải bỏ mình trong vòng mai phục của địch. Đây là tổn thất lớn lao về người, về của và cả về quan hệ đối với nước nhược tiểu Chiêm Thành, khiến sau này con cháu ông phải lo cất dấu tiền của, lo chống đối sự quấy phá của người phương Nam, dẫn đến sự suy thoái ngày càng trầm trọng.

Vua Trần Duệ Tông tuy thiên về quân sự, nhưng cũng là người có tài làm thơ văn. Đáng tiếc là tác phẩm của ông bị thất lạc, chỉ còn lại ít bài, trong đó có bài chép trong “Truyền kỳ tân phả”, bài thơ này cũng được ghi trong giấc mộng của thượng hoàng dưới triều Thuận Tông hoàng đế mà sách Đại Việt sử ký toàn thư đã dẫn: “Thượng hoàng thấy Duệ Tông đem quân đến và đọc bài thơ:

Trung gian du hữu xích cư uỷ hầu,

Ân cần tiếm thượng bạch kê lâu.

Khẩu vương dĩ định hưng vong sự,

Bất tại tiền đầu tại hậu đầu.

Dịch nghĩa:

Quãng này chỉ có hầu mõm đỏ,

Lăm le ngầm lên lầu gà trắng.

Khẩu vương đã định việc còn mất,

Chẳng ở trước mà ở về sau.

Triết tự theo bài thơ thì “xích chủy” là Quý Ly, “bạch kê” (gà trắng) là thượng hoàng, vì thượng hoàng tuổi Tân Dậu. “Khẩu vương” là chữ quốc (nước). Ý nói việc nước còn hay mất rồi sau sẽ thấy. Thượng hoàng Nghệ Tông suy nghĩ kỹ bài thơ, nhưng thế không thể làm khác được. Bài thơ này tất ứng với việc nhà Trần mất ngôi vào tay Lê Quý Ly. Về sau, khi cướp được ngôi vua, Lê Quý Ly đổi họ thành Hồ Quý Ly (vì gốc gác của Lê Quý Ly vốn là họ Hồ).

Như vậy là sau thời Thịnh Trần, các con của thượng hoàng Trần Minh Tông lần lượt thay nhau làm vua, đó là Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông. Bốn triều vua trên đều có những mặt tích cực, phát huy được bản chất truyền thống “Đông A” một thời rạng rỡ, nhưng cũng lộ rõ những sai sót, khiến đế triều đi vào con đường suy thoái, bế tắc dẫn đến ngai vàng bị lung lay, hạn chế thành quả vàng son một thời của quốc gia Đại Việt./.

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018

TIN LIÊN QUAN

  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực