Vua Trần Phế Đế (1377 - 1388)

Thứ năm, 23/06/2022 16:25
(HĐHTVN) - Trần Phế Đế (năm sinh: 1362 - năm mất: 1388; thời gian làm vua: 1377-1388) ông vua đời thứ 10 của họ Trần là người nhu nhược vô mưu, thụ động, không phát huy được truyền thống của tiền triều. Tuy nhiên, do thấy vị thế ngai vàng bị uy hiếp nên đã lập mưu chống giữ, nhưng không may bị bại lộ nên phải chịu chết thảm bởi chính bác ruột của mình (thượng hoàng Trần Nghệ Tông).

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)

Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278)

Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329)

Vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341)

Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

Vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372)

Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377)

Vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398)

Vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)

Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)

Vua Trần Trùng Quang (1409 - 1414)

leftcenterrightdel
 Tượng vua Trần Phế Đế

Trần Phế Đế lên ngôi, tiếp nối ngôi báu mà cha là Trần Duệ Tông tử trận để lại. Ông có tên huý là Nghiễn, con trưởng của vua Trần Duệ Tông, mẹ là Gia huệ hoàng hậu Lê Thị.

Trần Nghiễn sinh ngày 6 tháng 3 năm Tân Sửu, niên hiệu Đại Trị thứ 4 (1361). Lên ngôi năm 16 tuổi đổi niên hiệu là Xương Phù giữa lúc Đại Việt gặp nhiều biến cố, nhà Trần đang bị suy thoái. Ấy vậy mà Phế Đế lao ngay vào việc chuẩn bị binh lương, đóng chiến thuyền để đánh Chiêm Thành trả thù cho nước, cho phụ hoàng của ông. Nhưng trước khi nhà Trần ra quân thì người Chiêm đã dẫn quân cùng tên hàng vương Ngự Câu Húc đến cướp phá Nghệ An, nhiều người lo sợ, đầu hàng giặc. Sau đó giặc tiến đánh sông Đại Hoàng, hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân chống cự không nổi, người Chiêm thừa thắng tiến đánh kinh sư, bắt người cướp của rồi lui quân, lại bắt cả An phủ sứ Lê Giác. Địch bắt Giác quỳ lạy, Lê Giác khảng khái: “Tao là quan của nước lớn, sao lại lạy mày”, rồi chịu chết giữ trọn khí tiết.

Trước tình hình chiến sự gay go, kho tàng cạn kiệt, Trần Phế Đế nghe lời Đỗ Tử Bình thu thuế má, lao dịch nặng nề khiến mọi người oán thán.

Phế Đế ở ngôi được 2 năm, Kỷ Mùi (1379) lấy Lê Quý Ly làm Tiểu tư không kiêm Hành khu mật đại sứ. Nhân cơ hội này, Lê Quý Ly cất nhắc Nguyễn Đa Phương, Phạm Cự Luận nhận trọng trách tại triều, đồng thời tạo thêm vây cánh, quyền hành ở trong triều. Trần Phế Đế còn cho quân tải tiền đồng cất giấu vào núi Thiên Kiện (núi Địa Cận) ở Hà Nam và ở chùa Khả Lãng (Lạng Sơn) đề phòng Chiêm Thành đánh cướp. Qua đây chứng tỏ lực lượng quân đội nhà Trần đang suy yếu, không còn được như thời Thịnh Trần lừng lẫy chiến công.

Tháng 3 năm Canh Thân (1380), giặc phương Nam lại tiến đánh Nghệ An, Thanh Hóa. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai Lê Quý Ly[1] dẫn thủy quân, Đỗ Tử Bình thống lĩnh bộ binh cự chiến, trấn giữ tại Thanh Hóa. Tháng 5, Lê Quý Ly sai tướng Kim Ngao coi quân Thần Vũ, và Đỗ Dã Khả đem quân thị vệ ra đánh. Kim Ngao quay thuyền tránh giặc, lập tức bị chém đầu. Quân Trần hò reo phản công thắng lớn. Chế Bồng Nga thua trận, trốn chạy về nước. Sau trận này, Lê Quý Ly lãnh ấn Nguyên nhung hành Hải tây đô thống chế.

Năm Tân Dậu (1381) mở khoa thi thái học sinh, sau đó lựa chọn các tăng nhân khỏe mạnh, không có độ điệp phải gia nhập quân đội. Chính sách bắt sư bỏ nghề gia nhập quân đội của vua Trần Phế Đế không chỉ trái ngược với tiền triều mà còn phần nào làm mất lòng dân, nản lòng quân sĩ.

Triều đình đưa Đào Sư Tích làm quan Nhập nội hành khiển hữu ti lang trung, cha Đào Sư Tích là Đào Toàn Mân được tiến cử làm Tri thẩm hình sự viện. Để tránh giặc phương Nam đánh phá, triều đình cho rước thần tượng ở các lăng Giác Hương (Hà Nam), Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương (Thái Bình) về lăng lớn Yên Sinh Đông Triều Quảng Ninh. Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1382), quân Chiêm Thành đánh cướp Thanh Hóa, Lê Quý Ly đem quân chống giữ, bộ tướng Nguyễn Đa Phương linh hoạt tấn công địch, thu thắng lợi lớn, được phong Kim ngô vệ đại tướng quân, nhưng sau đó Chế Bồng Nga cùng đại tướng La Ngải đưa quân Chiêm tiến theo đường bộ áp sát kinh sư, đánh bại quân Trần. Nguyễn Đa Phương đốc quân giữ thành, còn thượng hoàng Trần Nghệ Tông thì sợ hãi rời kinh thành sang Đông Ngàn tránh giặc.

Tháng 12 năm Quý Hợi (1383) quân Chiêm rút về, thượng hoàng mới trở lại kinh sư và sai ghi chép sự việc hàng ngày thành tập bảo hoà dư bút để dạy bảo quan gia.

Trong khi giặc phương Nam đang quấy phá gây nhiều tổn thất thì nước Minh yêu sách đòi cung cấp lương, nhà Trần phải biện bạch là đã sai chuyển vận sứ đem lương đi, nhưng vì lam chướng nhiều người bị chết nên thất thoát... Tháng 3 năm ất Sửu (1385) nước Minh lại đòi cống nạp tăng nhân, bởi phương Nam có tài dựng đạo tràng hơn tăng nhân phương Bắc... Người Minh còn đòi cống nạp các giống cây ăn quả như vải, nhãn, mít… Lại đòi cấp 50 con voi và cho mượn đường đi đánh Chiêm Thành khiến tình hình càng khó khăn.

Như vậy là thời Trần Phế Đế, tuy có mở khoa thi chọn hiền tài, tuyển dụng các trọng thần không hoàn toàn lấy người trong hoàng tộc, mà ai có thực tài đều được trọng dụng như Lê Quý Ly, Nguyễn Đa Phương, Phạm Cự Luận, Đào Sư Tích... Song thượng hoàng Nghệ Tông quá tin họ ngoại, mặc cho Lê Quý Ly muốn là gì thì làm, khiến nội bộ trong triều lục đục. Cựu thần nản lòng, ví như Chương túc quốc thượng hầu là Trần Nguyên Đán về nghỉ hưu ở Côn Sơn có gửi thư cho bạn là thái uý Trang Định Vương Ngác trong đó co câu:

“Kim cổ hưng vong chân khả giám,

Chư công hà nhẫn gián thư hy”

(Còn mất xưa nay xem đã rõ,

Các ông sao nỡ ít thư can).

Trần Nguyên Đán có tâm trạng chán chường, nhưng phải tỏ thiện chí với Lê Quý Ly để tránh hoạ, lại đem con là Mộng Dữ ký thác cho Lê Quý Ly mong được tiến thủ. Sau này con rể Trần Nguyên Đán là ứng Long (đổi Phi Khanh) sinh Nguyễn Trãi, cũng làm quan dưới triều Hồ.

Trần Phế Đế thấy thượng hoàng Trần Nghệ Tông quá yêu quý họ ngoại Lê Quý Ly nên cùng với Thái úy Ngác tính kế hại Lê Quý Ly, không dè mưu ấy bị lộ, Phạm Cự Luận bàn với Lê Quý Ly tâu bày mọi sự với thượng hoàng. Thượng hoàng thấy cần phải đưa Chiêu định vương Ngung lên ngôi thay Trần Phế Đế giữ yên nội tình, phe phái...

Ngày 6 tháng 12 năm Mậu Thìn (1388) thượng hoàng giả cách đi Yên Sinh, sai người gọi vua đến bàn việc nước. Phế Đế nghe tin vội đến ngay và chỉ đem theo hai người hầu. Khi vua đến thì thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai người đem vua giam ở chùa Tư Phúc và tuyên chiếu: “Trước kia Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về, dùng con đích để nối ngôi là theo đạo trời xưa. Song quan gia từ khi lên ngôi đến giờ vẫn còn trẻ con lắm, giữ đức không thường, thân mật với bọn tiểu nhân, nghe bọn Lê Á Phụ, Lê Dữ Nghị gièm pha vu hãm người công thần, mà dao động xã tắc, nên giáng xuống làm Linh đức đại vương. Song nhà nước không thể không có người đứng chủ, ngôi báu không thể bỏ không, nên đón Chiêu định đại vương vào nối đại thống. Bá cáo trong ngoài để mọi người đều biết”.

Một số tướng thân tín của vua muốn đem quân vào cướp lấy vua đem đi, nhưng Trần Phế Đế viết hai chữ giải giáp và khuyên mọi người theo ý thượng hoàng. Nhưng một lúc sau Trần Phế Đế bị đem xuống phủ Thái Dương bắt thắt cổ chết. Các tướng mưu hại Lê Quý Ly cũng bị giết theo.

Trần Phế Đế, ông vua đời thứ 10 của họ Trần là người nhu nhược vô mưu, không phát huy được truyền thống của tiền triều. Tuy có một số công việc nhưng chỉ là thụ động, lại trái ý thượng hoàng Trần Nghệ Tông dẫn đến thượng hoàng phải giết vua, lại là cháu ruột của mình, lập vua mới giữ cho xã tắc được bình yên. Thời Trần đến đây xuống dốc mạnh hơn, khó có thể phục hưng uy quyền, dấu hiệu nhường quyền quản lý nhà nước cho một thế lực khác ngày một rõ nét./.



[1] Lê Quý Ly về sau lập mưu cướp ngôi vua của nhà Trần. Sau khi cướp được ngôi vua, Lê Quý Ly đổi họ thành Hồ Quý Ly, vì vốn dĩ Lê Quý Ly có nguồn gốc là họ Hồ.

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực
Tin đọc nhiều