Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278)

Thứ bảy, 18/06/2022 22:49
(HĐHTVN) - Trần Thánh Tông hoàng đế là vị vua thứ hai của triều Trần (năm sinh: 1240 - năm mất 1290; thời gian làm vua: 1258 - 1278) là con trưởng của vua Trần Thái Tông. Ông là người tham gia đầy đủ cả 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên (lần thứ nhất (1258) với vai trò là thái tử; lần thứ hai (1285) và thứ ba (1287-1288) với vai trò là thái thượng hoàng).

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)

Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329)

Vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341)

Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

Vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372)

Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377)

Vua Trần Phế Đế (1377 - 1388)

Vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398)

Vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)

Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)

Vua Trần Trùng Quang (1409 - 1414)

leftcenterrightdel
 Trần Thánh Tông người tham gia đầy đủ cả 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên (lần thứ nhất (1258) với vai trò là Thái tử; lần thứ hai (1285) và thứ ba (1287-1288) với vai trò là Thái thượng hoàng)

Trần Thái Tông sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tý (1240) tên húy là Hoảng, trước khi lên ngôi được lập làm Đông cung thái tử. Mẹ là Thuận Thiên Lý Thị hoàng thái hậu.

Khi làm thái tử Trần Hoảng đã cùng phụ vương chứng kiến tình hình giặc ngoại xâm, nhất là uy lực của đế quốc Mông - Thát trong việc thôn tính các nước vùng Trung Á cũng như Nam Á và cả châu Âu. Ông còn cùng vua cha Trần Thái Tông xông pha tên đạn đánh bại đội quân hung hãn khi chúng xâm lăng Đại Việt. Do vậy khi được nhường ngôi vào ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258) đặt niên hiệu Thiệu Phong, rồi Bảo Phù. Ông đã rõ trọng trách là phải đề phòng nguy cơ xâm lược của thế lực phong kiến phương Bắc. Trước một đế quốc hùng mạnh, Trần Thánh Tông cho tuyển lựa dân đinh khỏe để bổ sung cho quân đội, đồng thời kiện toàn bộ máy chỉ huy, phong Lê Phụ Trần làm Đại tướng thủy quân.

Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1262) xuống chiếu cho các đạo sản xuất binh khí, đóng thuyền chiến và cho các đội quân tập trận ở ven sông sẵn sàng đối phó với quân xâm lược. Năm 1263 và nhiều lần khác, vua Trần Thánh Tông sai sứ sang nước Nguyên cống nạp, làm dịu tình hình để kéo dài thời gian chuẩn bị kháng chiến. Để có nguồn lương thực dồi dào, mùa đông tháng 10 năm Bính Dần, Trần Thánh Tông xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần được phép chiêu tập người phiêu tán làm nô tỳ khai khẩn ruộng hoang, lập các điền trang thái ấp. Và đây cũng là những cơ sở phục vụ cho quốc phòng kể cả nhân lực, tài lực khi cần thiết.

Trần Thánh Tông còn định lệ phong ấm cho người trong hoàng tộc với thời hạn 5 đời khiến sự gắn bó giữa quý tộc và triều đình được tăng lên, tạo sức mạnh trong hoàng tộc “Tông Thất duy thành”. Ông còn bảo: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quý, tuy bên ngoài thì cả thiên hạ phụng một người tôn quý, nhưng bên trong thì ra cùng với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui, các khanh nên lấy câu nói ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lâu đừng quên, thêm phúc muôn năm cho tông miếu xã tắc vậy”.

Trần Thánh Tông còn xuống chiếu: Xong buổi chầu thì vào điện và lan đình cùng nhau ăn uống, hoặc khi trời tối thì đặt gối dài, chăn rộng cùng ngủ liền giường với nhau. Nhưng khi lễ lớn, chầu mừng... thì phải theo ngôi thứ cao thấp phân minh, do vậy mọi người vừa thân mật lại vừa kính sợ không dám kiêu căng, khinh nhờn. Đây là sức đoàn kết bền chặt, là sức mạnh nội sinh dẫn đến thắng lợi chống đế quốc Nguyên - Mông thế kỷ XIII.

Triều đình chọn các nho sinh hay chữ vào các quán, các sảnh, viện để tăng hiệu lực cho bộ máy nhà nước. Đặc biệt, mùa xuân năm Nhâm Thân (1272) giao cho Hàn lâm viện học sĩ kiêm quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu soạn xong bộ "Đại Việt sử ký toàn thư", từ Triệu Vũ đến Lý Chiêu Hoàng gồm 30 quyển. Bộ "Đại Việt ký toàn thư" soạn xong được vua Trần Thánh Tông khen ngợi.

Thánh Tông hoàng đế còn cho tìm người thông hiểu kinh, sách làm tư nghiệp Quốc tử giám. Ai biết giảng dạy tứ thư, ngũ kinh được vời vào hầu vua và dạy hoàng tử. Lê Phụ Trần được làm Thiếu sư kiêm chức Sử cung giáo thụ ở cung Thái tử. Nhà vua còn thân viết thơ để dạy Hoàng tử và làm tập “Di hậu lục” gồm 2 quyển truyền cho đời sau.

Năm Ất Hợi (1275), triều đình mở khoa thi chọn người tài, lấy đỗ thái học sinh gồm 27 người và chọn trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn.

Năm Đinh Sửu (1277), vua Trần Thánh Tông còn thân chinh đi đánh dẹp người Man Lão ở động Năm - Bà - La (thuộc lộ Bố Chính), bắt sống hơn 1000 người để nghiêm trị tội bạo loạn. Ngày 22 tháng 10 năm Kỷ Mão (1279), vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử Khâm, giữ ngôi thái thượng hoàng được tôn là Quang Nghiệp từ hiếu thái thượng hoàng đế.

Cuộc đời 21 năm làm vua, 13 năm làm thái thượng hoàng và kể cả lúc là đông cung thái tử, Trần Thánh Tông là người nếm đủ mùi cay đắng, ông đã từng xông pha trận mạc khá gian lao trong ba cuộc kháng chiến chống đế quốc Mông - Nguyên. Nghĩa là từ cuộc chiến 1258 đến cuộc chiến lần II năm 1285, cuộc kháng chiến lần III năm 1287 - 1288, hai cuộc chiến sau ông với vai trò là thái thượng hoàng.

Đóng vai thái thượng hoàng, nhưng những sự việc quan trọng như hội nghị Bình Than bàn quyết sách đánh giặc với các tướng lĩnh, hội nghị Diên Hồng để xác định quyết tâm đến tận người dân là hòa hay đánh, ông đều có mặt. Vai trò thượng hoàng vô cùng quan trọng trong bối cảnh nội tộc có sự bất bình, mà dám tin tưởng và cử Trần Quốc Tuấn làm tiết chế quốc công thống lĩnh toàn quân. Phải nói thượng hoàng Thánh Tông có con mắt tinh đời hơn người nên vừa chọn được hiền tài bậc nhất, lại làm vơi đi mối hiềm khích truyền kiếp, củng cố sức mạnh đoàn kết trong hoàng tộc Trần.

Nếu không phải thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng đức vua Trần Nhân Tông thì chắc gì đã chấp thuận kế sách đánh giặc, quyết định thực hiện chiến lược chiến tranh du kích theo lời bàn của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Người thống nhất quan điểm với Hưng Đạo Vương về lấy dân làm gốc lại chính là Trần Thánh Tông và chính nhờ những quan điểm ấy mà cuộc chiến nhanh chóng kết thúc, đưa thắng lợi huy hoàng về cho đất nước.

Trần Thánh Tông còn thông hiểu công lao cũng như xương máu của quân và dân, nên sau mỗi trận đánh, thượng hoàng cùng vua Trần Nhân Tông tại vị thường cho hội họp luận bàn công trạng, để ban thưởng cho quân cũng như dân. Nhưng ông cũng nói rõ quan điểm để chống tư tưởng thích ban khen nhiều, thưởng thật hậu, mà sách Đại Việt sử ký toàn thư đã đề cập.

“Các người quả biết rõ là giặc Hồ nhất định không dám xâm lấn nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng lên đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế, đã vội thưởng hậu, lỡ ra giặc Hồ trở lại mà bọn người lại lập được công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ”.

Sau chiến thắng Nguyên - Mông, triều đình định công lao tướng sĩ, ai có công lớn được chép vào sách “Trung hưng thực lực” và được vẽ tượng lưu lại làm gương, đặc biệt là còn định lệ phong ấm tới 5 đời để cố kết lòng trung thành với đế triều.

Quân dân hai hương Ba Điểm, Bàng Hà mắc tội đầu hàng giặc thì phải tội đồ, làm gia nô cho các tế thần sai khiến.

Một số vương hầu nhát gan đầu hàng giặc có biểu dâng kể tội, Trần Thánh Tông sai đốt đi để yên lòng kẻ phản trắc. Tuy vậy đối với những kẻ đã chạy sang với giặc hiện ở triều đình nhà Nguyên thì phải kết án vắng mặt, xử tội, tịch thu điền sản, bỏ quốc tịch. Ví như Trần Kiện kéo cả nhà chạy theo giặc, mặc dù đã chết cũng phải đổi thành họ Mai. Còn Trần Ích Tắc là con Thái Tông thì gọi "Ả Trần", cho là hèn nhát như đàn bà vậy...

Trần Thánh Tông quả là người nhân từ như cổ nhân đã nói: “Duy nhân giả, năng hiếu nhân, năng ố nhân” (Duy có người nhân mới biết yêu, ghét người một cách chính đáng).

Một số tình tiết trên chứng tỏ Trần Thánh Tông thường lấy đức để trị, xử phạt có tình, có lý. Và chính đức sáng của ông đã quy tụ được toàn dân lao vào cuộc chiến tranh tự vệ đầy gian nguy, khốc liệt và đã đem lại chiến thắng vẻ vang.

Trần Thánh Tông không chỉ là ông vua có tài thu phục nhân tâm cùng những quyết sách để an dân, lấy sự bình yên cho đất nước. Một ông vua anh hùng trong kháng chiến chống đế quốc Mông - Nguyên. Ông còn chú ý nghiên cứu đạo Thiền và cuối đời đi tu lấy hiệu Vô Nhị Thượng. Bản tính ông ham thích làm thơ, ông đã viết sách “Trần Thánh Tông thi tập” nhưng bị thất lạc nay chỉ còn một số bài như “Cảnh mùa hè”, “Ra phủ An Bang” làm theo thể Đường luật, hiện chép tại sách Lịch triều hiến chương loại chí và Toàn Việt thi lục. Một số tác phẩm khác như: Chỉ giá minh, Cơ cừu lục, Di hậu lục, Hoàng Tông ngọc điệp, Phóng ngưu, Thiền Tông liễu ngộ… là những công trình công phu đáng giá của ông, nhưng thật đáng tiếc là các tác phẩm trên đều không còn. Song qua các bài thơ còn lại, có thể khẳng định chất trữ tình, phóng khoáng, thể hiện tinh thần chiến đấu, ý thức dân tộc cao của ông.

Tại di tích Đền Thượng (Thiên Trường) thôn Tức Mặc - Nam Định, người xưa đã khắc bài thơ đề “Thiên Trường cung ngự chế cung lục” của Trần Thánh Tông trên biểu hoành:

Cảnh thanh u vật diệc thanh u.

Thập nhị tiên châu, thử nhất châu.

Bách bộ sinh ca, cầm bách thiệt,

Thiên hàng nô bộc, quất thiên đầu

Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự.

Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu

Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tĩnh

Kim niên du thắng tích niên du.

Dịch nghĩa:

ĐỀ CUNG THIÊN TRƯỜNG (Kinh chép ngự chế)

Cảnh thanh u vật cũng thanh u,

Mười hai châu tiên đây một châu.

Trăm tiếng chim ca đàn nhạc hát,

Nghìn hàng đám quýt đám quân hầu.

Trăng vô sự chiếu người vô sự.

Nước có thu lồng trời có thu

Bốn biển đã yên, vừa bụi lặng

Độ xưa so với độ nay thua.

Ngày 22 tháng 5 năm 1290, Thánh Tông hoàng đế mất, thọ 51 tuổi, được truy tôn “Huyền công thịnh đức nhân minh văn võ tuyên hiên hoàng đế”. Nhân dân nhiều nơi như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình... đã lập miếu thờ ông, bốn mùa hương khói tưởng niệm./.

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực
Tin đọc nhiều