Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329)

Thứ hai, 20/06/2022 16:35
(HĐHTVN) - Trần Minh Tông là vị vua thứ năm của nhà Trần (năm sinh: 1300 - năm mất: 1257; thời gian làm vua: 1314 - 1329) là ông vua trẻ khá quan tâm đến việc đắp đê điều, ngăn ngừa lụt lội. Vua còn cho xét định lại quan văn và cấp cho số hộ khẩu theo thứ bậc khác nhau, lại cho các quan đi rà xét lại số đinh để triều đình nắm biết một cách tương đối chính xác về dân số trong nước. Đối với nước Nguyên, vua Trần Minh Tông đã cố gắng giữ được hòa khí để không gặp phải nạn binh đao như mấy chục năm về trước.

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258)

Vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278)

Vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293)

Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314)

Vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341)

Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

Vua Trần Nghệ Tông (1370 - 1372)

Vua Trần Duệ Tông (1373 - 1377)

Vua Trần Phế Đế (1377 - 1388)

Vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398)

Vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400)

Vua Trần Giản Định (1407 - 1409)

Vua Trần Trùng Quang (1409 - 1414)

leftcenterrightdel
 Tượng vua Trần Minh Tông tại đền Trần (Nam Định)

Vua có tên húy Trần Mạnh, con thứ tư của thượng hoàng Trần Anh Tông và Chiêu hiến hoàng thái hậu Trần Thị (con gái Bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng), mẹ kế là Thuận thánh bảo từ hoàng thái hậu (con gái Hưng nhượng vương Trần Quốc Tảng).

Hoàng tử Mạnh sinh ngày 21 tháng 8 năm Canh Tí (1300). Sợ khó nuôi nên thượng hoàng Anh Tông nhờ bà cô là công chúa Thụy Bảo nuôi hộ. Nhưng công chúa đang gặp khó khăn vận hạn lại nhờ anh là Nhật Dượt nuôi giúp. Nhật Dượt coi Trần Mạnh như con của mình nên đặt tên cho Mạnh là Thánh Sinh, tương tự như tên các con mình là Thánh An, Thánh Nô. Quá trình nuôi dạy Thánh Sinh tuy tình cảm cụ cháu nhưng Trần Nhật Dượt chăm sóc nuôi nấng, dạy dỗ như con đẻ cho đến khi khôn lớn, vào năm 15 tuổi làm vua, Trần Mạnh lên ngôi đổi niên hiệu là Đại Khánh, rồi lại đổi là Khai Thái, lấy miếu hiệu là Minh Tông. Thuở nhỏ hoàng tử Mạnh được dạy dỗ nghiêm túc nên năm Ất Tỵ (1305) được sách phong Đông cung Thái tử, được vua cha Trần Anh Tông làm bài “Dược thạch châm” ban cho, tỏ ý răn dạy nghiêm khắc như thuốc và đá. Thượng hoàng Anh Tông còn in tưởng Quốc Chẩn nên khi Minh Tông lên ngôi định đem ký thác cho Quốc Chẩn và mỗi khi vua muốn vào thăm thượng hoàng phải đi cùng Quốc Chẩn, muốn cho tình nghĩa vua tôi được mật thiết.

Trần Minh Tông là ông vua trẻ khá quan tâm đến việc đắp đê điều, ngăn ngừa lụt lội tránh tai vạ ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng nhân dân. Vua còn cho xét định lại quan văn và cấp cho số hộ khẩu theo thứ bậc khác nhau, lại cho các quan đi rà xét lại số đinh để triều đình nắm biết một cách tương đối chính xác về dân số trong nước.

Trước đây một số người thuộc Tông thất ỷ quyền lấn cướp ruộng của dân nên có đơn kiện đòi ruộng. Biết vậy, vua không giao cho quan lại xem xét, sợ làm nhục đến phi tần của tiên hoàng mà gọi ngay người bị kiện đến khuyên nên theo đơn mà trả lại ruộng cho dân; nhờ vậy mà dân tình yên ổn, quan lại cũng không mang tính xấu. Việc làm trên của vua quả là thấu tình đạt lý, được nhân dân kính trọng.

Khi thượng hoàng Anh Tông băng hà, việc rước linh cữu theo quy chế của đế triều cứ theo nếp cũ thực hiện, không ai dám làm điều gì sai trái, được vua khen là trung thành. Năm Canh Thân (1320) vua xuống chiếu về việc kiện tụng tranh giành ruộng đất, trong chiếu có nêu việc xét xử và nếu khám phá bị sai trong việc kiện thì phải bồi thường giá trị số ruộng đất ấy gấp đôi. Còn ai làm giấy tờ, văn khế giả mạo thì bị chặt một ngón tay bên trái. Nhờ vậy mà việc kiện cáo, gian giảo trong dân bớt đi. Còn nếu kiện mà ruộng đang cấy lúa thì phải chia đôi, nhường cho người cấy một phần, còn một phần lưu lại sau xét xử.

Lúc này thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão chết, vua tỏ lòng thương tiếc công thần, nghỉ chầu năm ngày thể hiện sự ưu ái đặc biệt, bởi lúc đương thời Phạm tướng quân đã lập nhiều công lao trong việc bình Nguyên và đánh dẹp Ai Lao, Chiêm Thành gìn giữ chủ quyền dân tộc.

Tục xăm rồng vào người có từ trước, nhưng từ năm 1323 vua ban chiếu khi tuyển quân phải chọn người béo, trắng vào hạng trên, không như xưa phải xăm mình nên quân sỹ từ đấy ít kẻ vẽ rồng và tục này dần dần bãi bỏ.

Triều đình mở khoa thi các năm Giáp Dần (1314), Quý Hợi (1323) chọn nhân tài. Do vậy, dưới triều Minh Tông nhiều quan lại có năng lực quản lý cũng như xét xử công minh. Điển hình là Trần Thì Kiến, Đoàn Như Hài, Đỗ Thiên Hứ, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dữ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu. Đặc biệt, Nguyễn Dữ sử phạt công minh ngang Đỗ Thiên Hứ khiến mọi người kể cả người Chiêm cũng sợ phục.

Vua thấy Mạc Đĩnh Chi là người tài, lại rất liêm khiết liền cho người đem mười quan tiền bỏ vào cửa. Nhưng sáng hôm sau Mạc Đĩnh Chi vào chầu lại tâu lên nhà vua sự việc tiền bỏ vào nhà mình. Vua biết lòng ngay thẳng của ông đành phải bảo: “Không có ai đến nhận tiền ấy thì ngươi cứ lấy mà dùng” đó là cách ban ơn cho trung thần, thể hiện sự quan tâm của Minh Tông hoàng đế.

Hồi đó có quan Hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ Trần Băng Cẩn là quan điềm tĩnh, trung thực, tiết kiệm, không xa sỉ. Vua thấy cần biểu dương làm gương nên ban cho bức tranh vẽ chân dung và bài thơ:

Hình dung côi cách nại đông hàn

Tướng mạo đình đình diệc khả khan

Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận

Tâm lý nan miêu cảnh canh đan.

Tạm dịch:

Hình dung cốt cách tựa cây thông

Tướng mạo hiên ngang cũng đáng trông

Mọi vẻ phong lưu tô lên được

Khôn tô nét đẹp ở trong lòng.

Trong triều còn có Bùi Mộc Đặc làm Trung thư Thị lang tri, thẩm hình viện sự là quan trung thành trải qua 3 đời vua. Thượng hoàng Trần Anh Tông cũng nhắc điều đó, vua Trần Minh Tông bèn cho vẽ hình lưu lại, có ý muốn cất nhắc cho làm quan to, nhưng chưa có dịp thì năm 1236 ông Bùi Mộc Đặc đã chết, thọ 62 tuổi.

Tuy vậy, Trần Minh Tông cũng nhắc nhở kỷ luật một số quan lại có những phát ngôn bừa bãi hoặc việc làm sai trái: Lúc bấy giờ, Trương Hán Siêu làm quan Hành khiển ở sảnh đường, còn Phạm Ngộ, Lê Duy làm quan Thẩm hình ở viện. Trương Hán Siêu tung tin Phạm Ngộ ăn hối lộ, vua liền sai xét lại sự việc thì Hán Siêu đuối lý, liền phạt Trương Hán Siêu 300 quan tiền và bảo: “Hành khiển là quan ở sảnh, Thẩm hình là quan ở viện, ta đều tín nhiệm cả, sao lại để cho ta tin quan ở sảnh mà ngờ quan ở viện?”. Câu nói và cách xử phạt trên có tình có lý khiến các quan nể sợ. Ít lâu sau thăng Phạm Ngộ làm quan Tri chính sự Đồng tri Thượng thư tả ty sự là chức quan ngang với Trương Hán Siêu. Và tuy Phạm Ngộ học vấn không bằng Hán Siêu nhưng làm quan rất liêm chính, được người đời khen ngợi.

Có lần Trần Khắc Chung, Đoàn Như Hài cùng các quan ngồi đàm đạo trong giờ giải lao. Thấy Trần Khắc Chung nói khôi hài đùa cợt làm cho mọi người cười rộ lên, còn Như Hài thì vội đứng dậy bỏ đi nơi khác. Quan Ngự sử học tội, Như Hài tâu: “Lúc cười đùa ấy thần đã đi rồi”. Vua bảo: “Như Hài nghe biết là nói đùa cợt không ngăn lại còn bỏ đi thế là có ý hãm mọi người vào tội lỗi và tránh lỗi cho mình” nên đã phạt Khắc Chung, Như Hài để giữ gìn sự nghiêm túc cho trăm quan trong giờ giải lao ở tẩm điện.

Vua Trần Minh Tông còn thử lòng cận thần để biết rõ cá tính từ đó mà trọng dụng. Có lần vua đem ra hai hộp đựng áo, sai Hiệu Khả xem và định cái nào khéo cái nào vụng, vua nói: “Một cái do thượng hoàng làm, còn một cái do nội nhân Lê Kế làm”, Hiệu Khả xem đi xem lại rồi nói: “Chúa thượng có tài khéo léo của chúa thượng, thần hạ cũng có cài tài khéo của thần hạ”. Vua liền cười và hiểu thêm lòng xảo trá, bợ đỡ của Hiệu Khả.

Một lần khác, Hiệu Khả còn khen vua giỏi hơn thượng hoàng Anh Tông, vua liền đổi nét mặt ngăn lại: “Phàm khen người ta mà bảo người ấy giỏi hơn cha, thì người nói ấy vốn là bất hiếu với đấng thân, cho nên mới nói câu ấy”. Những lời lẽ trên đây không chỉ để răn dạy cho quần thần phải biết hiếu nghĩa mà còn chứng tỏ Trần Minh Tông là bậc vua hiền, biết giữ trọn chữ hiếu như lời cổ nhân: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” (Đạo làm con thờ cha mẹ lúc chết cũng như lúc sống, khi mất cũng như khi còn).

Hoàng đế Trần Minh Tông còn là bậc minh quân biết phân định những điểm yếu, điểm mạnh trong khoa học quân sự. Biết ưu thế của từng thế lực khi ra quân chinh phạt, do đó tướng sĩ được yên tâm khi dấn thân vào trận mạc. Ví như sự việc Huệ Túc Vương đem quân đi đánh Chiêm bất lợi trở về, vua không đổ lỗi cho Huệ Túc Vương mà tự nhận lỗi về việc ủy thác tướng ra trận chưa đủ uy lực bắt vua Chiêm phải hàng phục.

Trần Minh Tông cũng thông cảm với nỗi khổ của nhân dân, nên khi thấy xây dựng cung điện nguy nga tráng lệ ở Nghệ An, tốn kém nhân tài vật lực của nhân dân, ông đã thốt lên qua bài: “Nghệ An hành điện”

Vua tôi máu mủ giống nòi chung

Bốn bể sao đang để khốn cùng

Tiêu tướng vụng suy lòng Hán tổ

Phí tiền tô điểm Vị ương cung.

Dưới thời Trần Minh Tông, quan hệ giữa Đại Việt và nhà Nguyên bớt sự gay cấn, Minh Tông đã cố giữ cho quan hệ bang giao được bình thường qua việc cử sứ giả sang chúc mừng mỗi khi có đại lễ, hoặc có thái độ đón tiếp sứ Nguyên một cách đúng mức, không làm mất đi thể diện của Đại Việt. Ví như chuyện vua Nguyên sai Mã Hợp Mưu và Dương Tông Thụy sang báo việc vua Nguyên lên ngôi mà nghênh ngang cưỡi ngựa vào kinh thành đến tận đường ở cầu Tây thấu trì. Biết vậy, vua sai Nguyễn Trung Ngạn ra lấy lời lẽ bắt bẻ, Hợp Mưu không cãi được, phải xuống ngựa bưng tờ chiếu đi bộ vào dâng vua... Đây là việc làm cứng rắn, đúng mực mà Trần Minh Tông đã giữ được nếp tốt của tiên đế.

Thời đó, trong nước người Man ở Đà Giang nổi loạn, Minh Tông muốn thân chinh đánh quân Ngưu Hóng phiến loạn, nhưng Trần Khắc Chung thấy địa thế hiểm trở, khí hậu không tốt, nước độc nên khuyên vua quay vào phương Nam đánh Chiêm Thành thuận lợi hơn. Vua đã trả lời: “Trẫm là cha mẹ dân, nếu thấy dân lầm than thì phải cứu ngay, há nên so đo khó dễ lợi hại?”. Thấy vậy Khắc Chung quỳ lạy: “Lòng thánh thượng bao la rộng khắp, thần ngu không thể kịp được”. Và vua Trần đã tiến quân đánh dẹp xong quân giặc ở Đà Giang.

Trần Minh Tông giữ ngôi 15 năm rồi nhường ngôi cho Đông cung thái tử Vượng vào ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Ty (1329) làm thái thượng hoàng, lui về cung điện Thiên Trường.

Quá trình làm vua, Trần Minh Tông hoàng đế lo lắng sửa sang công việc nội trị ngày càng làm rạng rỡ tổ tông, đem văn minh về cho nước. Ông là người có tấm lòng trung hậu, biết lo xa cho nước và cho cả hoàng tộc. Chăm chú dạy dỗ các hoàng tử, lấy điều hay để khích lệ, đem việc dở để ngăn ngừa, hy vọng đội ngũ kế cận sẽ là vua hiền, tướng giỏi. Với trăm quan, ông không thiên vị và rất trọng hiền tài, khuyên dạy hoặc nghiêm trị đối với mọi hành vi tham ô, tắc trách trong công việc, kể cả tư thế, cách phát ngôn mong cho giường mối được vững bền, quần thần của đế triều tốt đẹp. Ông còn là người coi nhẹ ngôi vị đế vương, không như nhiều ông vua khác vì quyền quý, nhung lụa mà tranh giành cấu xé lẫn nhau, điều này thể hiện qua việc khi thượng hoàng Anh Tông tuần hành biên giới giao mọi việc cho Minh Tông trông coi, các quan có ý ngần ngại thì Minh Tông nói: “Còn nghi ngờ gì nữa, trước đây con đích trưởng chưa sinh, cho nên ta lạm quyền ở ngôi vua. Nay đã sinh người đích trưởng rồi, đợi khi lớn lên ta sẽ trả lại ngôi vua có khó gì”. Sau đó độ một năm người con đích trưởng chết, vua tỏ lòng thương xót...

Đức sáng của Minh Tông như vậy. Song sắp đến ngày nhường ngôi và ở độ tuổi 30 chưa phải là cao, Minh Tông đã mắc phải một sai lầm rất đáng tiếc. Sai lầm này mãi mãi ám ảnh ông, khiến ông phải ngậm ngùi đau khổ.

Sự việc sảy ra vào năm Mậu Thìn (1328), khi ấy vua chưa lập thái tử, bởi cha sinh ra hoàng hậu là Quốc Chẩn muốn chờ hoàng hậu sinh ra con đích mới lập thái tử. Trong khi đó thì Cương đông Văn hiến hầu (người nhà của Thái sư Trần Nhật Duật) muốn lập hoàng tử Vượng và để đánh đổ hoàng hậu, liền đem 100 lạng vàng đút lót cho Trần Phẫu là gia thần của Quốc Chẩn để tên này vu cho Quốc Chẩn có âm mưu làm phản. Vua tin là thực nên sai bắt giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc. Lại đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Ai ngờ Khắc Chung xảo trá lại vào hùa với Văn hiến và mẹ sinh ra hoàng tử Vượng nên bảo vua: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”, vua nghe vậy cấm không cho Quốc Chẩn ăn uống và bắt phải tự tử. Hoàng hậu phải tẩm nước vào áo khi vào thăm rồi vắt cho cha uống, uống xong thì chết. Vua còn lệnh bắt đồng đảng gồm 100 người tống ngục. Nhưng mỗi khi xét hỏi thì ai cũng kêu oan.

Vài năm sau vợ cả vợ lẽ tên Trần Phẫu ghen nhau, đem việc Văn hiến đút vàng làm hại Quốc Chẩn cho vua biết, việc này giao cho ngục quan là Lê Duy xét hỏi, ngay ngày hôm ấy Lê Duy cương trực tra xét kết tội tên Phẫu phải lăng trì. Nhưng chưa kịp hành hình thì gia nô của người thân Quốc Chẩn quá căm phẫn đã băm vằm tên Phẫu ăn hết thịt của hắn để rửa hận cho Quốc Chẩn và những người liên quan.

Văn hiến hầu vì thuộc dòng Tông thất nên không phải giết, nhưng bị giáng làm thứ dân, xóa tên trong dòng họ.

Sự việc giết oan bố vợ khiến Minh Tông ăn năn hối hận mãi và gần 30 năm sau khi về thăm đền thờ Quốc phủ thượng tế Quốc Chẩn ở Kiệt Đặc - Chí Linh năm 1356 ông còn làm thơ:

DẠ VŨ

Thu khí lòa đăng thất thự minh

Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh

Tự chi tam tập niên tiên thác

Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.

Dịch nghĩa:

MƯA ĐÊM

Giọt mưa tàu chuối tiễn đêm dài

Hiu hắt đèn thu trước ánh mai

Ba chục năm rồi lầm lỗi ấy

Đành ôm sầu hận lắng mưa rơi.

(Nam Chân - Phạm Tú Châu dịch)

Ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357) thượng hoàng Trần Minh Tông mất ở cung Bảo Nguyên, thọ 58 tuổi, miếu hiệu là Minh Tông, thụy là Chương nghiêu văn chiết hoàng đế. Như vậy là Minh Tông ở ngôi 15 năm, 28 năm làm thái thượng hoàng, là người đã đảm bảo cho bờ cõi bình yên, mềm dẻo nhưng cương quyết trong đối ngoại, nho học được đề cao, Phật học được giảm dần (ông dặn các hoàng tử không đi tu). Vua tôi, lão thành và tuổi trẻ đều thi thố tài năng, cống hiến cho đất nước. Đáng tiếc là cuối đời phe phái nảy sinh, thanh toán lẫn nhau vua không còn sáng suốt khiến suốt đời ôm hận.

Minh Tông cũng là ông vua có năng lực làm thơ, nhưng trước khi chết đã sai đốt các tác phẩm, chỉ còn 1 lại vài chục bài thơ trong “Minh Tông thi tập” đã chứng tỏ ông là người có tài, thơ ông giàu lòng yêu nước, yêu bề tôi, dân chúng. Lời lẽ trong sáng, đáng đọc.

Thử ngẫm bài “Bạch Đằng giang” để biết lời thơ hào hùng, tứ thơ phóng khoáng của ông (chép trong Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục - Nguyễn Ôn Ngọc)

Vân vân kiếm kịch bích toàn ngoan

Hải thuận thôn triều quyển tuyết lan

Xuyết địa hoa điền xuân vũ tế

Hám thiên tùng lại vãn phong hàn

Sơn hà kim cổ song khai nhãn

Hồ Việc doanh thâu nhất ỷ lan

Giang thủy đình hàm tàn nhật ảnh

Thác nghi chiến huyết vị tằng can.

Dịch nghĩa:

Núi biếc lởm chởm dưới mây chiều như gươm giáo

Trời bề thủy triều cuốn sóng tuyết

Mưa xuân tạnh hoa điểm tô mặt đất

Gió chiều lạnh tiếng sáo tùng lay động bầu trời

Non sông xưa nay hai lần mở mặt

Một chốc tựa lan can thấy được thua giữa Việt - Hồ

Nước song bát ngát bóng trời xế

Ngòm máu trận vẫn chưa khô.

Minh Tông hoàng đế muốn quan hệ Việt - Hoa không có sự mắc mớ, mong muốn hai nước chung sống hòa bình nên làm bài “Việt giới” để khẳng định biên giới của nước ta. Phải chăng trong lòng ông còn lo cho mai sau nên dùng lời lẽ nhân văn để giáo huấn.

VIỆT GIỚI

Tư minh tương tiếp giới

Chỉ cách mã ngưu phong

Ngôn ngữ vô đa biệt

Y quan bất khả đồng

Nguyệt sinh giao thất lãnh

Nhật lạc ngạc đàm không

Khẳng hạn Hoa Di ngoại

Tề đăng thọ vực chung.

Dịch:

BIÊN GIỚI NƯỚC VIỆT

Tư minh nơi biên giới

Cách trở chẳng bao xa

Tiếng nói hơi khác biệt

Áo khăn cũng chẳng đồng

Trăng lên đàm giao lạnh (giao long)

Dương tà vũng sấu quang (cá sấu)

Hoa - Di nào phân biệt

Cõi thọ ắt cùng lên.

Trải qua 5 triều vua từ Thái Tông hoàng đế (1225) đến Minh Tông hoàng đế (1341) là cả một chặng đường dài 116 năm vàng son của quốc gia Đại Việt Hơn một thế kỷ với năm đời vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông đã làm cho dân tộc ta vượt qua muôn ngàn thử thách và đã đạt nhiều thành tựu về văn trị, đặc biệt là võ công khiến bờ cõi bình yên, các thế lực thực dân hùng mạnh phải cúi đầu, khiếp đảm mỗi khi nhòm ngó Đại Việt nhằm thực hiện ý đồ bành trướng.

Các bậc vua hiền đã từng bước, từng bước tạo chính trị tốt đẹp, văn vật chế độ thịnh lên, giữ gìn và phát huy được bản chất truyền thống của người Việt phương Nam cũng như sở nguyện của các bậc tiên tổ, tiên đế vương tộc Trần trên mảnh đất sơn thủy hữu tình hạ lưu châu thổ sông Hồng, đóng góp đáng kể khiến Đại Việt thế kỷ XIII - XIV nói chung những cung bậc huy hoàng mà loài người, con cháu trên lãnh thổ hẳn không thể nào quên, không thể không tự hào, không thể không gắn bó yêu thương quê hương xứ sở.

Nhưng cảnh vua hiền nước thịnh cũng theo quy mà ra đi, thời vận thinh suy sẽ lần lượt diễn ra để cho đời, cho dân tộc bao nỗi khát vọng, rồi từ đó phía có những uy tư mới, hoài bão mới thoe quy luật phát triển xã hội để giữ gìn cái gì gọi là tinh hoa, gạt bỏ những gì lạc lõng không phù hợp, nhằm xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ, dân giàu nước mạnh.

Sứ mênh thiêng liêng của một giang sơn hậu hoàng đế Minh Tông dưới triều Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông và Trần Thiếu Đế ra sao? Nghĩa là những ông vua tiếp nối sau thế nào? Có gánh vác được trọng trách mà tiên tổ giao phó? Có làm rạng rỡ cho tông miếu xã tắc hay mải với hưởng lạc, sao nhãng việc nước, đắm chìm trong tiệc tùng nhung lụa, làm mất đi phong độ đế triều thịnh Trần, khiến thần dân lầm than, đất nước suy thoái, xin hãy suy ngẫm ở các triều vua kế tiếp sau.

 

Nguồn: “Hoàng đế triều Trần” Cội nguồn - Ấn tượng dân gian.
Trường Khánh (sưu tầm và biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2018
  Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình
Xác thực